Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: 'Còn một số đội bóng dàn xếp tỷ số như Đồng Nai'

02/08/2014 05:51 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã phát biểu như thế trong cuộc trả lời phỏng vấn Thể thao & Văn hoá, sau khi ông Dũng tới Hội nghị giao ban lực lượng cảnh sát hình sự toàn quốc để chúc mừng và cảm ơn lực lượng cảnh sát hình sự về những đóng góp thiết thực của họ cho bóng đá Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Ông Dũng nói: “Vấn đề cá độ dàn xếp tỷ số đã râm ran trong dư luận và giới truyền thông từ lâu, và nó đặt ra cho chúng ta 2 việc.

Thứ nhất, nếu muốn đưa một số trận đấu, một số cầu thủ ra xử phạt thì bây giờ có hệ thống pháp luật rồi, phải xử phạt dựa trên chứng lý cụ thể. Nếu mình làm theo kiểu dựa trên cảm tính hoặc ý muốn của mình rồi đình chỉ thi đấu hoặc treo giò thì không phải cách làm chuẩn mực.

Nếu chỉ căn cứ vào nhận định chủ quan của mình mà phán xét như vậy thì sẽ gây ra phản ứng từ nhiều phía, đặc biệt là với các CLB liên quan.

Một vấn đề nữa đặt ra là các cầu thủ, các CLB khi có nghi ngờ chuyện tiêu cực vì đá thế này thế kia thì họ sẽ chất vấn mình là có chứng cứ chi tiết gì không hay chỉ quan sát trên sân rồi đưa ra nhận xét chủ quan.

Về chuyên môn thì khó nói lắm, vì người ta có thể nói là phụ thuộc vào sức khỏe mới chơi hay hoặc chơi dở, còn cầu thủ thì không phải cái máy mà lúc nào cũng đá với 100% thể lực, rồi còn thi đấu, còn chấn thương, còn tâm lý...

Do đó phải có chứng cớ rõ ràng, mà chứng cớ thì giám sát trọng tài và các lực lượng chuyên môn khác của VFF chỉ có thể ghi nhận và nhận xét, còn chứng cớ để kết luận cá nhân hay tập thể nào bán độ hay tiêu cực thì không có. Mà đã không có chứng cớ thì làm sao có thể đưa ra biện pháp xử phạt.

Thứ hai là VFF chỉ là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, không có quyền khởi tố, truy tố bắt giam, mà chỉ xử lý công việc theo quy định của Điều lệ giải và quy định chung. Và từ đó mới nảy sinh một việc là một số cầu thủ xấu thì họ biết chuyện đấy nên họ cứ thách thức ngông nghênh, coi như chuyện bán độ không có chứng cớ gì thì không cách gì xử phạt họ được.

Hạn chế này làm cho tệ nạn cá độ, bán độ, dàn xếp tỷ số ngày càng phát triển mà mình không có cách gì xử được cả, hoặc là rất khó xử, nên mới có tình trạng nhì nhằng kéo dài, chất lượng bóng đá Việt Nam đi xuống.

Từ vụ Bacolod năm 2005 cho đến bây giờ đã là 9 năm rồi. Đây là lần đầu tiên sau 9 năm qua công an vào cuộc và đã phát hiện được vụ Ninh Bình.

Tôi cũng nói thật là sở dĩ có vụ Ninh Bình là do anh Trường (Chủ tịch CLB V.Ninh Bình Hoàng Mạnh Trường – PV) và tôi thỏa thuận với nhau bao nhiêu tiếng đồng hồ và cuối cùng tôi thuyết phục được anh Trường đồng ý nhờ cơ quan công an vào cuộc.

Anh Trường biết rõ các cầu thủ của mình cá độ, và anh đưa vụ việc này ra ánh sáng bằng cách tố cáo với cơ quan công an kèm theo các bằng chứng. Vì thế cơ quan công an Ninh Bình mới mời các cầu thủ này lên, và trước các chứng lý rõ ràng thì họ phải chịu thôi.

Lúc đầu danh sách dàn xếp tỷ số của V.Ninh Bình theo tôi biết là có tới 14 người, sau còn 11 người, và sau khi bắt thì chỉ khởi tố 9 người thôi.

* Vậy còn vụ việc của Đồng Nai thì sao, thưa ông?

- Vụ việc của 6 cầu thủ Đồng Nai ở trận Than Quảng Ninh – Đồng Nai thì cơ quan chức năng đã âm thầm theo dõi và đã biết rồi. Các anh bên ấy kể với tôi rằng sau khi kết thúc trận đấu, lúc được cơ quan chức năng gọi vào, đội trưởng Phạm Hữu Phát của Đồng Nai vẫn rất ngông nghênh, phủ nhận mọi việc liên quan tới bán độ.

Tôi cũng đã xem lại băng ghi hình trận Than Quảng Ninh – Đồng Nai thì tôi nhận thấy quả thực mình không biết nói như thế nào nữa, bởi nếu xem thì thấy Hữu Phát trận ấy đá cũng được, thậm chí còn có thể nói là tương đối khá.

Tuy nhiên, vì công an nắm hết thông tin rồi nên sau khi Hữu Phát chối tội thì họ mới mời 5 cầu thủ còn lại tới, và khi Hữu Phát thấy 5 đồng đội này thì anh ta biết việc bán độ đã bị bại lộ rồi và nhận tội ngay.

Vì thế, muốn xử những vụ như thế này phải có cơ quan chức năng và tôi đánh giá rất cao việc lần đầu tiên cơ quan công an vào cuộc mà bắt một phát là trúng ngay. Và tôi cũng đề nghị phải xử phạt thật nặng những cầu thủ này.

Theo thông tin mà chúng tôi có được thì bước đầu còn có một vài đội nữa làm độ như Đồng Nai. Chúng tôi chỉ nghe thông tin bước đầu như vậy thôi, còn việc xử lý như thế nào phụ thuộc vào cơ quan chức năng.

Vì thế, tôi cho rằng việc cơ quan công an phát hiện ra vụ việc dàn xếp tỷ số của 6 cầu thủ Đồng Nai là bước ngoặt rất lớn trong công cuộc phòng chống tiêu cực trong đời sống bóng đá Việt Nam. Do đó, hôm nay chúng tôi đã tới hội nghị của lực lượng cảnh sát hình sự để cảm ơn đóng góp của họ trong sự việc này.

* Cơ quan công an có cung cấp cho ông cái tên cụ thể nào không, thưa ông?

- Tôi cũng chỉ nghe nói vậy thôi chứ tôi không thể tiết lộ vì đấy là nghiệp vụ của cơ quan điều tra.

* Nhưng hẳn là cơ quan công an đã đề cập với ông một số cái tên cụ thể?

- Đúng là tôi có được đề cập nhưng dĩ nhiên là chưa thể công bố lúc này. Bởi thế nên tôi mới dùng hình ảnh là 2 vụ việc vừa rồi của V.Ninh Bình và Đồng Nai chỉ là một phần của tảng băng chìm mà nó lộ lên trên thôi.

* Vậy cơ quan công an có lời khuyên nào cho VFF trong công tác tổ chức thi đấu ở các mùa giải tiếp theo, nếu như sự thực là vẫn còn một số đội bóng nữa có tham gia dàn xếp tỷ số?

- Sáng nay anh Tiến (Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự C45 - PV) có nói với tôi là lực lượng của cảnh sát hình sự sẽ làm vụ này, không chỉ năm nay mà cả các mùa giải sắp tới.

Tôi tin là cảnh sát hình sự sẽ đủ lực lượng bố trí để theo dõi và xử lý việc này, chứ không phải chỉ đến đây rồi dừng lại.

* Song như thế liệu có làm ảnh hưởng tới công tác tổ chức cũng như sự phát triển của nền bóng đá, vì chúng ta không biết đến lúc nào lại có đội bóng bị phát hiện tiêu cực?

- Tôi có nói với các anh bên cảnh sát hình sự là tôi không sợ công tác tổ chức giải bị ảnh hưởng, vì như tôi nói từ đầu, quan điểm của tôi là có bao nhiêu chơi bấy nhiêu, có 8 đội chơi 8 đội và thậm chí có 6 đội thì chơi 6 đội. Vấn đề không phải là số lượng các đội, mà vấn đề là chất lượng của giải đấu.

Nếu như một giải đấu mà cứ liên tục có nghi vấn như vừa qua thì khán giả sẽ quay lưng lại với đội bóng đó. Và một khi đã bị khán giả quay lưng thì các CLB sẽ không bán được bản quyền truyền hình, không bán được vé, mà nhà tài trợ cũng sẽ rút lui. Trong hoàn cảnh như thế mà có nhiều đội bóng thì cũng chẳng để làm gì.

Quan điểm của tôi là thà ít mà tốt nên tôi không sợ vỡ giải, vì nếu vỡ giải thì xoá bàn làm lại. Mục tiêu của chúng ta không phải là có bao nhiêu đội bóng ở V-League và hạng Nhất mà mục tiêu của chúng ta là nâng cao chất lượng bóng đá Việt Nam để xứng tầm với tiềm lực của mình. Nếu làm được như thế chúng ta có thể sẽ vươn ra khỏi khu vực Đông Nam Á để nhắm tới tầm châu Á, và đến một lúc nào đó thì đặt mục tiêu World Cup.

Nhiều người nói World Cup với bóng đá Việt Nam là giấc mơ hoang đường, nhưng nếu sống mà không có ước mơ hoài bão thì cuộc sống sẽ rất tẻ nhạt.

Chống tiêu cực trong bóng đá Việt Nam có ý nghĩa rất lớn lao, một mặt là chúng ta phải đào tạo trẻ, phải xây dựng lực lượng, phải nâng cao chất lượng, nhưng nếu đào tạo gì đi nữa thì nếu cầu thủ bán độ thì cũng coi như bằng không.

Điển hình là vụ việc Đồng Nai vừa rồi, mấy cầu thủ tham gia bán độ đều có tuổi đời rất trẻ. Nếu không thay đổi được điều này, để cầu thủ trẻ vừa thành danh, vừa được gọi vào ĐTQG lại bán độ thì 10 năm hay 20 năm nữa thì bóng đá Việt Nam cũng vẫn chỉ thế thôi.

Vì thế tôi mới nói quan điểm của tôi là chất lượng của giải đấu chứ không phải số lượng. Tôi muốn khán giả tới sân thật đông, chứ bây giờ có những trận đấu khán đài “vắng như chùa Bà Đanh”, vậy tổ chức giải để làm gì?

* Trong các cuộc làm việc với bên công an thì có bao giờ ông đặt vấn đề cần hợp pháp hoá cá cược thể thao như là một cách để ngăn chặn tình trạng cá độ bất hợp pháp hiện nay?

- Tôi nghĩ rằng Bộ Công an đã có quan điểm chính thức về việc này rồi, còn các anh hình sự cũng muốn giải quyết vấn đề dựa trên tình hình thực tế thôi. Sáng nay lúc nói chuyện với bên công an tôi cũng nhắc lại kinh nghiệm của Singapore với cá cược bóng đá, vì tôi từng có điều kiện sang đây để trực tiếp tìm hiểu, mà vấn đề này tôi cũng đã nói rất rõ cả trên báo Thể thao & Văn hoá hàng ngày lẫn báo Thể thao & Văn hoá Cuối tuần cách đây chưa lâu.

Vấn đề hợp pháp hoá cá cược thể thao ở Việt Nam đã được Chính phủ tham khảo ý kiến các Bộ, ngành từ 1, 2 năm nay rồi. Đấy là vấn đề ở cấp Chính phủ, còn một bộ phận chuyên môn của Bộ Công an qua thăm dò của tôi thì họ cũng đồng ý là nên hợp thức hoá cá cược thể thao.

Nếu hợp pháp hoá cá cược thể thao thì cá cược bất hợp pháp cũng vẫn tồn tại, nhưng quy mô sẽ bị thu hẹp hơn rất nhiều, đấy là bài học mà tôi rút ra được từ trường hợp của Singapore, quốc gia đã có hơn 10 năm công nhận cá cược thể thao. Như thế Nhà nước sẽ thu được thuế từ hoạt động này, và đồng thời cũng kiểm soát được các hoạt động cá cược thể thao.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hoàng Huy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm