07/11/2017 07:08 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Với người Việt, ngày hôm nay 7/11 là dịp để người ta nói về nước Nga và văn hóa Nga cùng cuộc Cách mạng tháng Mười.
Có ai yêu nước Nga và văn hóa Nga lại không nhớ và không yêu Paustovsky? Tôi đến với ông một cách tình cờ, trong một lần đến thư viện cơ quan bố khi tôi còn nhỏ. Cuốn Bình minh mưa được in trên giấy đen, với nhiều chữ thậm chí in cả sang bên kia, đã đưa tôi đến nước Nga từ ngày ấy, một nước Nga bình dị, lãng mạn và đầy chất thơ, kể cả khi Thế chiến II còn chưa kết thúc.
Bình minh mưa từ đấy đi với tôi trong nhiều chặng đời, nhiều chuyến đi, và những ấn tượng từ lần đọc đầu tiên vẫn còn in đậm mãi, dù những ấn bản của thời sau này trắng hơn, thơm tho và đẹp hơn.
Tôi nhớ một lần ngồi chờ bay nối chuyến ở sân bay Domodedovo, Moskva, với “Bình minh mưa” trên tay, và lại đọc, lại mơ một lần nào đó sẽ ở lại nước Nga lâu hơn, với những nét lãng mạn đã đọc được của Paustovsky. Tôi giở một trang bất kỳ và đọc. Đấy là truyện "Cầu vồng trắng".
Trong truyện ngắn ấy, anh lính Petrov trở về nhà trên một con tàu đi xuyên nước Nga sau khi bị chấn thương trong một trận chiến với quân Đức ở Vitebsk. Chuyến tàu ấy đã tình cờ đưa anh đến Moskva, tới một người phụ nữ anh chưa từng quen, nhưng sau đó lại có duyên với anh trong cả cuộc đời, vào một thời kì mà chiến tranh và loạn lạc làm tình cảm con người trở thành một phần thưởng lớn lao mà Thượng đế ban tặng cho cuộc sống khi khó khăn nhất.
Paustovsky tả hình ảnh con tàu rời ga trong một đêm đông vắng lặng không ai đưa tiễn, trong những cơn gió lạnh dồn ứ tuyết giữa các toa xe, trong nỗi cô đơn của một người đàn ông chỉ biết lên tàu và đi, đến một nơi mà anh biết là sẽ không có ai đón anh. Nhưng hạnh phúc cũng đến với Petrov, khi người phụ nữ không quen anh đã gặp ở sân ga mùa đông Moskva kia sẽ trở thành một phần đời anh, khi "tất cả chuyển động như một cơn lốc tuyết, làm lóa mắt, ngạt thở, biến thế giới thành chiếc cầu vồng trắng".
Nước Nga bây giờ đã khác rất nhiều cái thời mà Paustovsky đã viết trong những truyện ngắn của mình. Đã có quá nhiều biến cố xảy ra trong những năm tháng qua. Nhưng sự lãng mạn và tình yêu với nước Nga vẫn là một phần máu thịt đối với không ít người Việt đang sống ở cách nơi ấy hàng vạn dặm, nơi không có bạch dương nhưng có tre, không có tuyết nhưng cũng có mùa đông lạnh và cũng có những khắc khoải về hạnh phúc, dù dưới những dạng giản dị nhất. Ở đâu đó, trên đất nước của các chuyến tàu xuôi ngược, vẫn có ai đó đợi chờ những kết thúc có hậu sau những chuyến đi trong cô độc.
Nhưng chẳng phải chuyến đi nào cũng thế, trong xổ số của cuộc đời này. Paustovsky đã viết về cuộc đời như thế, nhẹ như không, dù có những câu truyện lãng mạn, như “Bình minh mưa”, luôn kết thúc theo kiểu để ngỏ. Ngỏ mà vẫn đẹp, và sự lãng mạn ấy đã nuôi tâm hồn của rất nhiều con người như tôi, khi đến với nước Nga còn trước khi đặt chân đến mảnh đất ấy, thông qua những trang sách của các nhà văn Nga.
Những cuốn sách ấy đã đến với nhiều thế hệ chúng ta từ những năm đất nước còn chiến tranh, qua những bộ phim của điện ảnh Liên Xô thời kỳ ấy, qua những bài hát Nga mà biết bao người Việt đã hát, qua cả chương trình tường thuật giải vô địch Liên Xô được chiếu trên Truyền hình Việt Nam từ thuở tivi còn đen trắng.
Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa chúng ta với nước Nga trong quá khứ và cả hiện tại, bởi rất nhiều lý do khác nhau, một cách rất tự nhiên, và sự yêu mến dành cho nước Nga rồi đây vẫn có thể sẽ được tiếp tục trong nhiều năm sau nữa. Những cầu vồng trắng vẫn sẽ còn hiện ra sau tuyết lạnh, và Paustovsky vẫn sẽ đồng hành với nhiều độc giả Việt, trong đó có những người trẻ, những người rồi có thể cũng sẽ yêu nước Nga qua những truyện ngắn của ông.
Ở đấy ấm áp tình người và sự tinh tế, lãng mạn. Như người Nga vẫn vậy...
Trương Anh Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất