15/11/2015 09:36 GMT+7 | Bóng đá Đức
(giaidauscholar.com) - “Chiến thắng và đau buồn”, đó là cái tít của tờ L’Equipe dành cho bài bình luận trận giao hữu Pháp - Đức, trận cầu được coi là cuộc thử sức giữa hai ứng cử viên vô địch hàng đầu của EURO 2016.
Bóng đá cuối cùng cũng chỉ là trò chơi
Còn các cầu thủ Pháp, họ rất muốn được CĐV nhà nhớ tới trận cầu ấy, theo một cách khác chứ không phải vì những tiếng bom kia, những tiếng bom đã khiến cả sân vận động hoang mang, hoảng hốt. Họ đã có một trận đấu đẹp mắt, để đời nhưng chính những tiếng súng đã cướp đi trận đấu đó của họ. Bây giờ ai còn nhớ tới những pha bóng nữa đây, khi mà nỗi ám ảnh của tiếng súng, tiếng bom, của máu đã làm dầy thêm nỗi sợ mà những người Pháp nói riêng và người châu Âu nói chung phải đeo mang suốt những tháng năm qua.
Nếu như không có những vụ khủng bố kia, có thể trên trang nhất những tờ báo thể thao sẽ là hình ảnh của Anthony Martial và Kingsley Coman, hai tân binh của Les Bleus, ở vào giai đoạn Valbuena và Benzema không được gọi vì scandal tống tiền. Họ không ghi bàn nhưng bàn thắng của Pháp lại có dấu chân họ. Martial không được đá trung phong mà anh chơi tiền đạo trái trong sơ đồ 4-3-3 của Deschamps và có lẽ Van Gaal nên nghiên cứu cách mà Deschamps sử dụng Martial ở biên trái để phát huy hết sở trường của anh ở Man Utd. Không phải tham gia phòng ngự nhiều, Martial chơi sáng tạo hơn hẳn và với lối che chắn bóng, khống chế bóng khôn ngoan của mình, anh luôn thắng thế trước các cầu thủ phòng ngự Đức.
Chính một pha bóng khôn ngoan như thế, khi vượt qua hai cầu thủ đối phương ở sát đường biên dọc, Martial chuyền bóng như đặt cho Giroud đệm bóng tung lưới Neuer. Và khi Martial rời sân nhường chỗ cho Coman, cầu thủ Bayern Munich đã không mất nhiều thời gian để chứng minh mình. Đường xẻ bóng tuyệt vời của anh cho Matuidi đã giúp tiền vệ PSG tạt bóng đẹp mắt, chuẩn xác để Gignac đánh đầu nâng tỷ số lên 2-0. Không còn ai nhớ tới Benzema nữa mà tất cả chỉ nhìn thấy Griezmann, Martial, Giroud, Coman. Đó chính là tương lai của Les Bleus, một tương lai hứa hẹn.
Song, có lẽ tất cả các cầu thủ kể trên đều sẵn sàng đánh đổi một đêm tỏa sáng ấy để Paris không phải nghe tiếng bom. Đơn giản, bóng đá cuối cùng cũng chỉ là trò chơi thôi mà. Còn đời sống là điều quan trọng nhất.
Cả thế giới hướng về Paris
10 tháng trước, Paris trở thành trái tim của thế giới sau vụ xả súng ở tòa soạn Charlie Hebdo. Chưa đầy 10 tháng nữa, bóng EURO 2016 sẽ lăn trên đất Pháp. Nhưng trái bóng đó có mang lại niềm vui hay không khi tiếng bom ở Stade de France chính là cảnh báo đối với 10 sân vận động sẽ diễn ra sự kiện bóng đá được trông đợi nhất trong năm ấy?
Sân vận động, đó là nơi để người ta hưởng thụ và nói gì thì nói, phải có tiền mới được hưởng thụ. Còn những kẻ khủng bố, chúng đến từ một thế giới khác: Nghèo nàn, thất nghiệp, ức chế vì không có cơ hội phản kháng vì mặc cảm bị gạt ra bên lề của xã hội và bởi thế, chúng chống lại tất cả những niềm vui của thế giới mà chúng nghĩ rằng mình không thuộc về. Đó chính là một đứt gãy xã hội không thể hàn gắn, một mâu thuẫn không thể được dung hòa. Nhưng trút hết hận thù lên thế giới bóng đá thì quả thật là một hành động dã man không ai tưởng tượng nổi. Bởi trên những khán đài ấy còn có cả những đôi mắt trẻ thơ, những đôi mắt nhìn vào thế giới với sự hồn nhiên vốn có.
Chỉ tiếc rằng, thế giới mà chúng ta đang chứng kiến vẫn còn những tiếng bom, những tiếng bom đã biến một chiến thắng lẽ ra phải được tưởng thưởng bằng những tiếng vỗ tay nhưng cuối cùng lại kết thúc bằng sự bi thảm, và nước mắt, và tiếng gào thét hoảng loạn của những người mang nỗi sợ đến cực cùng…
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất