Mở cửa chung kết như thế nào?

11/12/2014 13:56 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - Ngay tại “hang cọp” Shah Alam, quyết định chơi pressing, công đối công với Malaysia của HLV Toshiya Miura, khiến rất nhiều người bất ngờ. Sau bàn mở tỷ số từ pha sút penalty của Rafiq Rahim, ngay phút thứ 14, ký ức về trận thua 0-2 trước chính đối thủ này, cũng tại bán kết lượt đi AFF Cup 2010 ùa về. Nhưng, từ diễn biến trên sân sau đó, đến cái kết có hậu, thuyền trưởng người Nhật Bản Toshiya Miura và các học trò của ông, đã cho thấy sự khác biệt.

Malaysia không còn mạnh như cái ngày họ hạ Việt Nam, tiếm ngôi vương cách đây 4 năm, song chắc chắn, chúng ta đã khá hơn và thức thời hơn trong việc nắm bắt cơ hội.

Chơi bóng mặt đất

Trận mở màn AFF Cup 2014 trên sân nhà Mỹ Đình, với đối thủ cũng co cao và thừa sức mạnh cơ bắp như Indonesia, các miếng đánh dãn biên của đội tuyển Việt Nam được lặp lại với tần suất cao. Cả 2 bàn thắng của Ngọc Hải và Công Vinh, dù được sự hỗ trợ của hậu vệ đối phương, thì cũng không phủ nhận tính hiệu quả của cơ chế vận hành này.

Sai lầm của hàng phòng ngự Indonesia chỉ xuất hiện khi sức ép đè lên nó là quá lớn. Thậm chí nếu căn chỉnh tốt hơn, thầy trò ông Miura đã có 3 điểm tuyệt đối ở ngày ra quân, để sớm đặt vé đi bán kết, sau khi chúng ta tiếp tục thắng Lào 3-0 sau đó, mà không cần quá bận tâm đến cuộc đối đầu với Philippines ở lượt trận cuối.



HLV Toshiya Miura đã tạo nên một lối chơi hiệu quả cho đội tuyển Việt Nam

Lào quá yếu và không chủ chiến, khi gặp Việt Nam ở Mỹ Đình; trong khi, Philippines với tâm lý đã chắc chắn đi tiếp, chơi không thật hết mình với chủ nhà, để tránh những hệ luỵ chấn thương. Chiến thắng 3-1 chung cuộc, bằng sự toả sáng (những cú nã đại bác từ xa) của các cá nhân: Hoàng Thịnh, Minh Tuấn và Thành Lương, song sự hiệu đính về mặt tổng thể lối chơi đã rõ nét hơn.

Học trò ông Miura giảm thiểu các pha xuống biên, để tập trung đánh vỗ mặt và ra chân khi có khoảng trống. Mặc dù vậy, để bảo toàn về quân số, ít nhiều chúng ta đã nhận được sự ưu ái của trọng tài chính người Nhật Bản, Tojo Minoru, khi bỏ qua khá nhiều pha tắc bóng của đội nhà.

Chúng ta có thể thôi không bàn tới những quyết định bị cho là ưu ái chủ nhà Malaysia, với đỉnh điểm là tình huống cắt còi cho người Mã hưởng quả penalty ở đầu trận của trọng tài Ma Ning (Trung Quốc). Chưa ai quên cuộc đối đầu sinh tử giữa Malaysia và đồng chủ nhà Singapore giành chiếc vé còn lại của bảng B vào chơi bán kết, trọng tài từng thổi quả panalty ở những phút đấu bù giờ, để Malaysia giành chiến thắng chung cuộc 3-1.

Cầu thủ Singapore đã có chút phản ứng, nhưng thử tưởng tượng, nếu tình huống xảy ra với Việt Nam, ngay tại Mỹ Đình thì sẽ như thế nào? Ngay cả tình yêu mù quáng cũng không có tội, song tốt hơn là không nên hồ đồ, bởi bóng đá là thế!

Cho đến trận bán kết lượt đi với Malaysia, thần thái của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Toshiya Miura mới thực sự trở nên rõ nét hơn: Chúng ta chơi bóng, kiểm soát trận đấu và buộc đối thủ phải mắc sai lầm, hoặc ít nhất để lộ những điểm yếu. Ở Shah Alam, những Công Vinh, Văn Quyết, Thành Lương, Hồng Quân và thậm chí cả Phước Tứ, đã hành hạ người Mã như thế nào, tất cả đều đã được chứng kiến.

Đội bóng của ông Miura bớt (hoặc không?) xuống biên, tập trung vào trung lộ, với rất nhiều những đường ban ngắn và trung bình mang tầm sát thương cao. Ít nhất 2 bàn thắng có được đã nói lên điều này. Chơi bóng mặt đất (hay tầm thấp), giúp đội tuyển Việt Nam xoá đi phần nào bất lợi về hình thể.

Thực tế, đây là một nguyên lý không mới của bóng đá thế giới và tại Việt Nam, từ thời Henrique Calisto, đến những người thừa hưởng như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc…, đã thực hiện rồi. Nhưng việc hiệu quả đến đâu phải kể đến tính thời điểm và con người mà HLV có trong tay. HLV Toshiya Miura có đủ các cá nhân xuất sắc để thực hiện các ý tưởng về chiến thuật. Đội bóng chỉ đang đi đúng hướng, thế thôi!

Và giữ chân mình trên mặt đất

HLV Toshiya Miura đã xử dụng 20/22 cầu thủ trong danh sách đăng ký, qua 4 trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2014, tính cho đến thời điểm này. Đội bóng đã ghi 10 bàn thắng (nhiều nhất giải, trong đó đã có đến 8 cái tên trong danh sách ghi bàn) và chỉ để thủng lưới 4 bàn (một kỷ lục khác).

Những con số biết nói và chúng ta sẽ có lại đủ quân số ở lượt về với Malaysia, khi Minh Tuấn mãn hạn treo giò (2 thẻ vàng). Giành chiến thắng quan trọng với đối thủ được cho là khó chơi bậc nhất như Malaysia, nhưng thuyền trưởng người Nhật Bản, Toshiya Miura, vẫn nhắc nhở không thừa các học trò không được phép chủ quan. Đơn giản, ông Miura muốn chức vô địch, chứ không phải suất chơi.

Dù đã đánh mất vị thế từ khoảng 4 năm qua, nhưng xét về tầm vóc và năng lực cạnh tranh với các nền bóng đá còn lại trong khu vực, đội tuyển Việt Nam chưa từng bị xem là chiếu dưới. Sư tử Sing, hổ Mã hay cọp Thái, đội bóng cũng từng thắng rồi, thậm chí là thắng vang dội, ví như trận bán kết Tiger Cup 98 (tên gọi tiền thân của AFF Cup) hay các trận bán kết và chung kết AFF Cup 2008 chẳng hạn.

Tức là, nếu gạt bỏ một bên những sân si, những lăn tăn, ám ảnh…, như Thể thao & Văn hoá Cuối tuần từng đề cập, bóng đá Việt Nam ở mọi cấp độ có thể nói chuyện sòng phẳng với cả Thái Lan (hoặc Philippines) ở chung kết, chứ không chỉ là với Malaysia. Vấn đề là nói và làm thế nào thôi!

Trong tay HLV Miura vào thời điểm này là tập hợp rất nhiều những người trẻ tài năng, chất lượng đồng đều tương đối. Cho đến các trận bán kết với Malaysia, tất cả các phương án thay thế (đá chính hoặc vào sân từ băng ghế dự bị) của ông Miura, đều phát huy hiệu quả. Khi điều gì đó lặp lại nhiều lần, thì không thể nói là ăn may, dù có cố vin vào.

Và khi đội bóng trở thành một khối thống nhất, như thể bó đũa, rất khó đánh bại. Từ Indonesia với Tiger Cup 2002, đến AFF Cup 2008, không ít lần người tiền nhiệm Henrique Calisto đã phải dùng “thuật bó đũa” để khích lệ tinh thần của các học trò. Nhưng nên nhớ, ông Tohisya Miura là người Nhật Bản và mang trong mình dòng máu samurai!  

Đúng là trong hoạ có phúc, khi nền bóng đá đã phải chịu quá nhiều tai ương, mới cảm nhận được sức phản kháng nội tại lớn đến đâu. Phải chơi bóng giữa muôn trùng vây và phải chịu quá nhiều nghi kỵ, thậm chí đến niềm tin cỏn con cũng không tuyệt đối được, cảm giác cực kỳ khó chịu.

Nhưng, cuộc sống là thế và bóng đá là thế! Họ, các cầu thủ, có thể không cố chứng minh cho ai cả, mà cho chính mình: Năng lực chơi bóng tầm cao và sự tận hiến. Vậy còn chờ gì nữa nhỉ?!

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm