Đạo diễn Lương Đình Dũng: 20 năm giấc mơ 'Cha cõng con'

29/10/2015 13:30 GMT+7 | Phim

(giaidauscholar.com) - Trên màn ảnh nhỏ đang chiếu phim Tình cha, Tình mẹ, Chị cả (đều là phim Hàn Quốc), ngoài rạp thì có Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Lửa Thiện Nhânđang “làm mưa, làm gió”. Có vẻ như cơn sốt phim ma, hành động đã qua, mà thay vào đó là dòng phim gia đình mang tính nhân văn. Cha cõng con (tựa tiếng Anh: Father and Son) của đạo diễn Lương Đình Dũng là một trong số đó.

Tôi biết đạo diễn Lương Đình Dũng từ khi anh chăm chỉ sản xuất đĩa hài mỗi dịp Tết, rồi bất ngờ khi phim quảng cáo 30 giây do anh và ê kíp thực hiện theo đơn đặt hàng của đối tác ngoại với giá vài trăm ngàn USD. Và bất ngờ hơn nữa khi Cha cõng con - dự án được anh theo đuổi 20 năm nay – vừa đóng máy và sẽ ra rạp vào đầu năm 2016.

Anh kể:

- Khi viết xong “Cha cõng con” vào năm 1995, tôi đã nghĩ phải dựng nó thành phim. Thế rồi khi chứng kiến cảnh một người con dùng búa đánh bố mình bị thương, tôi quyết phải làm ngay.

Những năm 1990, khi làm công nhân ở Xí nghiệp Xi măng Tuyên Quang, tôi bắt đầu viết. Vì sau khi làm ca về, chẳng biết làm gì hơn là viết lách. Hồi đó tôi nghĩ việc xuất bản một cuốn sách thật xa vời nhưng vẫn duy trì thói quen viết mỗi ngày. Thế nên, giờ tôi đã có sẵn tư liệu cho dự án tiếp theo sau Cha cõng con.

* Tôi chưa tưởng tượng nổi bước ngoặt nào đưa một anh công nhân trở thành đạo diễn?

- Tôi học sửa chữa ô tô, làm công nhân, rồi có giai đoạn làm bảo vệ, bốc xếp... Thế nhưng dù làm gì thì vẫn đam mê viết lách. Sau này tôi quyết học điện ảnh. Biên kịch Hollywood Pilar Alessandra là người truyền cảm hứng cho kịch bản của tôi. Tôi và bà thường xuyên trao đổi qua chat, E-mail...

* “Cha cõng con” - cái tên có vẻ không “hút khách”, anh nghĩ sao?

- (Cười) Tôi hoàn toàn có thể đặt được cái tên hay hơn. Tôi từng có tác phẩm xuất bản: Những cô gái vô chủ, Con hãy đi về phía Mặt trời... Nó hay hơn rất nhiều Cha cõng con đúng không? Nhưng vì sao lại là Cha cõng con?

Đơn giản bởi tôi muốn diễn ra chân thật nhất tình cảm cha - con. Cha cõng con khi con còn nhỏ, con cõng cha khi cha về già - đó là đạo lý người Việt mình, không thể thay đổi, bạn ạ.


* Nhưng một bộ phim về tình người, tình cảm gia đình, tình cha con khá hợp thời trong giai đoạn này khi màn ảnh Việt toàn phim: “Tình cha”, “Tình mẹ”... còn rạp chiếu thì “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Lửa Thiện Nhân”...

- “Cha cõng con” đang hoàn thiện hậu kỳ, mà có thể phải làm ở nước ngoài một số công đoạn nên phải tới đầu 2016 phim mới ra mắt. Tôi chưa biết phản hồi của khán giả với phim thế nào, chỉ có điều tôi muốn chia sẻ, khi tôi gửi một số cảnh cho Pilar Alessandra xem, bà ấy đã khóc.

* Vì sao anh chọn Bắc Mê - Hà Giang để quay bộ phim đầu tay, khi mà hoàn toàn có thể có phương án an toàn hơn?

- Bắc Mê cách Hà Nội gần 500km. Đoàn phim hàng trăm người phải ăn ở tại đây hàng tháng trời đúng là một thách thức. Nơi tôi chọn để quay những cảnh chính trong Cha cõng con được tôi ngắm nghía từ vài năm nay.

Đó là một lòng hồ giữa thung lũng đẹp tuyệt. Nhưng sẽ thật không may nếu nơi này “dính” lũ. Khi bắt đầu bấm máy, tôi canh cánh nỗi lo lũ quét. Song điều kỳ diệu đã đến, chỉ 2 ngày sau khi đoàn phim rút, người của tôi ở địa phương gọi báo tin, cả thung lũng đã chìm trong lũ lịch sử hồi cuối tháng 8/2015 vừa qua.

* Anh có hài lòng với dàn diễn viên không chuyên của mình?

- Bé Tấn đóng vai chính tên Cá trong phim được tôi chọn từ hàng ngàn diễn viên nhí trên khắp cả nước. Cháu Tấn đang sống ở Trung tâm bảo trợ xã hội nên trong đôi mắt cháu luôn ánh nên niềm khao khát tình thương yêu của mẹ cha.

Ngô Thế Quân vào vai Mộc - bố Cá - cũng rất ngọt dù ngoài đời, anh chưa từng làm bố. Cặp “bố - con” này sở dĩ được ghép đôi bởi họ có khuôn mặt, giọng nói khá tương đồng. Sau hai tuần “sống thử”, họ khá thân thiết. Thậm chí, khi chia tay nhau, Tấn đã khóc rất nhiều vì nhớ “bố Quân”.

* Tự bỏ tiền túi làm phim và theo đuổi đến 20 năm, anh có bị áp lực về chuyện lời - lỗ?

- May mắn là trong số tiền tỉ bỏ ra, tôi đã gặp được một số nhà đầu tư. Họ là những người không quan tâm tới lợi nhuận, và giống tôi, muốn làm một bộ phim về gia đình, về tình người.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Thanh Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm