16/09/2013 07:15 GMT+7
(giaidauscholar.com) - “Siêu thợ lặn” Ashley Young đã khiến chính HLV của mình thấy phiền lòng vì thói quen ăn vạ. Ông David Moyes đã công khai chỉ trích tiền vệ này, dù anh chính là người đã mang về cho Man United một quả phạt đền và khiến đối phương phải chơi thiếu người trong trận thắng Crystal Palace vừa qua.
Ông Moyes tuyên bố: “Tôi không muốn cầu thủ của mình ăn vạ. Đó không phải điều tôi hướng đến. Dikgacoi (cầu thủ đã bị đuổi khỏi sân vì pha ăn vạ của Young - TT&VH) đã thu chân lại, nhưng Ashley đã chủ động ngã”.
Họ có thể sai lầm
Trong trận gặp Crystal Palace, Young đã cố ăn vạ 2 lần. Lần đầu tiên, anh bị trọng tài Jon Moss phạt thẻ vàng. Nhưng lần thứ hai, anh đã đánh lừa được ông này, và khiến Dikgacoi bị đuổi oan, còn Crystal Palace phải chịu một quả penalty (Robin van Persie sút thành công).
Mùa trước, HLV tiền nhiệm của Moyes là Sir Alex Ferguson cũng đã từng cảnh báo Young vì thói ăn vạ, dù anh đã mang về cho Man United 2 quả penalty trong các trận gặp Queens Park Rangers và Aston Villa. Tính từ khi ra mắt Premier League vào năm 2006 tới nay, Young đã kiếm cho các đội bóng anh từng khoác áo 12 quả phạt đền, một “kỷ lục” chưa từng có trong lịch sử giải đấu này.
Ashley Young nổi tiếng là chuyên gia “đóng kịch”.
Sự cảnh báo dường như đã trở nên vô dụng với trường hợp của Young. Ông Moyes đã lên tiếng một lần nữa, nhưng những lời vừa rồi có sức nặng thế nào?
Các cầu thủ thường không có nhiều thời gian để nghĩ ngợi trong những tình huống cụ thể. Không có một cuộc chiến nào về lợi ích trước mắt và sự trung thực diễn ra trong đầu họ. Tất cả chỉ là hành vi theo thói quen: Mọi lời chỉ trích với Young là vô tác dụng, vì “đóng kịch” đã thành thói quen của anh.
Và thật ra, những cầu thủ được coi là “chính chuyên”, như Steven Gerrard chẳng hạn, cũng đã từng “đóng kịch”. Trong một pha bóng cụ thể, xin nhắc lại, họ không có thời gian để cân nhắc xem chiến thắng theo cách ấy là đúng hay sai.
Nhưng vẫn có thể sửa sai
Hãy nhớ lại một câu chuyện về tinh thần mã thượng trong thể thao: Cuối năm ngoái, Miroslav Klose ghi một bàn bằng tay vào lưới Napoli, khi tỉ số đang là 0-0, nhưng anh đã từ chối công nhận bàn thắng, dù trọng tài không hay biết. Chung cuộc, Napoli đè bẹp Lazio 3-0. Nếu có bàn thắng “ăn gian” ấy, mọi chuyện đã khác.
Năm 1997, Liverpool gặp Arsenal tại Highbury. Trọng tài kiên quyết cho Liverpool hưởng phạt đền vì cho rằng David Seaman phạm lỗi với Fowler, dù tiền đạo của The Kop cố giải thích rằng anh không bị phạm lỗi. Fowler phản đối bằng cách cố tình sút nhẹ để Seaman đẩy bóng ra.
Năm 2000, Paolo Di Canio, một “đứa con hư” của bóng đá Anh, cũng từng từ chối ghi bàn vào lưới Everton khi nhìn thấy thủ môn đối phương bị đau. Các CĐV nhà thậm chí đã la ó tiền đạo người Italy, nhưng anh không thay đổi quyết định.
Trọng tài hoàn toàn có thể sai lầm, nhưng có không ít các cầu thủ đã cố “sửa sai” cho trọng tài, bằng cách này hay cách khác, chứ không phải cố đánh lừa họ. Trước đây, bóng đá Anh được yêu mến chính nhờ tinh thần mã thượng đến mức thậm chí có thể bị cho là quá thơ ngây ấy. Những thứ thường được ca ngợi trên giấy đã đi vào cuộc sống sân cỏ, để chúng ta còn tin là những giá trị nguyên thủy của thể thao vẫn được giữ gìn.Ông Moyes tất nhiên phải lên án hành vi của Young, vì nó tái diễn nhiều lần và không ai có thể chối cãi khi xem băng hình. Nhưng sự lên án ấy vẫn chỉ dừng lại ở lời nói. Ai cũng biết ăn vạ là xấu, và luôn lên án nó, như một “thủ tục” bắt buộc, nhưng khi quả bóng lăn và cuộc chơi bắt đầu, ai dám biến những tuyên bố ấy thành hành động? Đứng trước lợi ích trước mắt, sự trung thực thường phải cúi đầu, và vẫn còn quá ít Di Canio, hay Fowler.
Phạm An
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất