Chấn động trước bức ảnh 'đôi giày sương giá' của cô bé tị nạn Syria

17/08/2015 06:23 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Trên bờ sông Seine, giữa đám đông khách du lịch ở trung tâm thủ đô Paris, gương mặt của hàng trăm người tị nạn trên khắp thế giới hiện diện trên một bức ảnh lớn dài 370m.

Đây là một phần trong triển lãm mới, mang tên A Dream Of Humanity, của Reza Deghati, nhiếp ảnh gia của tạp chí National Geographic và nhiếp ảnh gia người Dubai Ali Bin Thalith.

Đáng nói hơn, một phần trong triển lãm này là các bức ảnh của trẻ em Syria đang sống trong trại tị nạn Kawergosk ở Iraq.

Mô tả chân thực cuộc sống thường nhật của người tị nạn

Reza đã đưa máy ảnh cho một nhóm trẻ em tị nạn Syria ở Iraq và nói chúng hãy chụp những bức ảnh về cuộc sống thường nhật của mình.

Không giống như những hình ảnh về cuộc sống của người tị nạn vẫn thường thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng, những hình ảnh trong triển lãm A Dream Of Humanity nắm bắt hiện thực cuộc sống hàng ngày trong trại tị nạn một cách chân thực và quen thuộc mà những người đặt chân tới đây rất dễ dàng bỏ qua.

Bức ảnh chụp đôi giày của mình bị sương tuyết phủ do bé Maya Rostam (11 tuổi) chụp 

Chẳng hạn, bức ảnh chụp một người mẹ nhoài người ra một cách tuyệt vọng để đón lấy đồ ăn bố thí hay một người bị thương đang chờ được hỗ trợ y tế.

Hay bức ảnh búp bê xinh xắn đứng chơi violon trên khu đất bẩn thỉu, ngay trước hàng rào của trại tị nạn do bé Maryam Husien chụp, qua đó nêu bật tình trạng bị giam hãm của người dân nơi đây. Hay hình ảnh một gia đình ăn tối bên đống lửa...

“Những hình ảnh do các em chụp là những gì mà chúng ta chưa hề được nghe nói đến, là hoàn cảnh sống của những người tị nạn Syria ở Iraq mà chưa phóng viên nào có thể tiếp cận được. Thông thường phóng viên tới đây làm việc chỉ chụp những hình ảnh chỉ mang tính tượng trưng cho cuộc sống trong các trại tị nạn.

Tuy nhiên, ảnh của các em cho thấy cuộc sống qua nhãn quan của người trong cuộc và nhiều bức ảnh rất chân thực” – Reza nói về những bức ảnh của các em.

Sử dụng “ngôn ngữ toàn cầu” để kể chuyện với thế giới

Reza bắt đầu xúc tiến dự án của mình hồi tháng 12/2013. Ông trao máy ảnh cho 20 đứa trẻ ở độ tuổi 12-17. Ông đã vô cùng kinh ngạc khi xem những bức ảnh “trả bài” của các em.

Một bức ảnh do bé Deliar Zeynal (11 tuổi) chụp, người mà Reza coi là “tiểu Salvador Dali”, mô tả một hòn đá cuội lơ lửng trong không trung.

“Tôi không biết Zeynal làm thế nào để chụp được bức ảnh đó” – Reza nói và đùa rằng ông thấy chút ghen tị với những thành quả của các học trò nhỏ của mình.

Hay bức ảnh do bé Maya Rostam (12 tuổi) chụp trong tiết Đông khắc nghiệt ở Iraq, lại “nắm bắt được bản chất của nhiếp ảnh báo chí”. Maya không nằm trong số những đứa trẻ được Reza trao máy ảnh ngay từ ban đầu để tham gia dự án này. Nhưng sau 2 ngày cô bé đứng bên ngoài chiếc lều làm việc mà Reza dựng lên để giúp các em bé học cách sử dụng máy ảnh, ông đã quyết định đưa máy ảnh cho Maya và nói với cô bé sáng hôm sau trở lại với những bức ảnh do bé chụp.

Ngày hôm sau, Reza rất thất vọng khi Maya trễ hẹn. Nhưng cuối cùng cô bé đã xuất hiện, song không nói một lời nào mà chỉ trao máy ảnh cho Reza. Mở máy xem, ông thấy có hình ảnh chụp đôi giày cũ phủ sương giá.

“Đôi giày của cháu đã bị đóng băng, vậy nên cháu phải chờ bớt lạnh mới có thể xỏ chân vào giày” – Maya thì thào.

Maya bày tỏ, cô bé muốn học chụp ảnh để có thể kể với thế giới những gì mà bé cảm nhận được và bé đang sống như thế nào. Xem ảnh, Reza thấy cảm xúc dâng trào và ông chưa bao giờ thấy sức mạnh biểu tượng trong một hình ảnh mạnh mẽ đến vậy.

Reza hy vọng, dự án của mình sẽ góp phần tạo diễn đàn cho các em được kể câu chuyện của mình cho thế giới bằng nhãn quan của chính các em.

“Khi bắt đầu công việc, tôi thường nói với các học trò của mình rằng tôi không tới đây để dạy các em về nhiếp ảnh, mà trao cho các em dụng cụ để giúp chúng kể chuyện với thế giới, bằng một ngôn ngữ toàn cầu, về những khát vọng, ước mơ và cuộc sống của chúng” – Reza chia sẻ.

Những hình ảnh đầy xúc cảm của các em có thể góp phần nêu bật hoàn cảnh sống của người tị tạn trong bối cảnh số người tị nạn trên khắp thế giới đã lên con số kỷ lục: khoảng 60 triệu người (theo thống kê của Liên Hiệp Quốc).

“Thế giới là một ngôi làng nhỏ, nơi tất cả chúng ta có thể liên lạc được với nhau. Ở phương Tây, chúng ta có các quyền song cũng phải có trách nhiệm với những gì đang diễn ra trên thế giới” - Reza nói.

Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm