“Cò” cầu thủ: Cần thì có cần…

21/04/2011 12:04 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Đề cập đến “cò” dường như là một chủ đề cấm kị với các cầu thủ, gồm cả nội lẫn ngoại, đặc biệt là những ngôi sao. Bởi thế, không ngạc nhiên khi tất cả các cầu thủ có tên tuổi ở V-League khi được TT&VH liên hệ đều xin phép không trả lời về “cò”. Tuy nhiên, dù với người trong cuộc hay kẻ ngoại đạo thì vai trò của “cò” với nền bóng đá là rất cần thiết, dù đó đây vẫn còn không ít vấn đề. 

GĐĐH CLB TĐCS.ĐT Lê Ngọc Chức

Không có những người môi giới thì lấy đâu ra cầu thủ hay mà đá? Phải công nhận như thế, còn về phần hạn chế, đội ngũ này cũng có không ít người hay “lôm côm”. Có nhiều nguyên do, đầu tiên bởi bóng đá VN chưa có quy định rõ ràng về việc môi giới cầu thủ. Thứ 2, cũng rất ít người có bằng cấp để hành nghề, thế nên những chuyện không hay xảy ra thường xuyên cũng là tất yếu.

“Cò” Mauro (trái) từng đưa Denilson tới XM.HP vào năm 2009. Ảnh: VSI


Cầu thủ Hoàng Công Thuận (TĐCS.ĐT)

Đầu tiên, không thể phủ nhận vai trò tích cực của “cò” trong việc thúc đẩy cả một nền bóng đá. Thông qua trung gian là những người môi giới, bóng đá VN xuất hiện thêm những cầu thủ có chất lượng đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhờ nguồn hàng phong phú, các CLB có thể lựa chọn những cầu thủ ưng ý cho lối chơi của đội với giá cả được họ cho là thích hợp với số tiền mà mình bỏ ra.

Những cầu thủ đó ít nhiều sẽ thúc đẩy sự tiến bộ của đội bóng, hơn nữa, họ còn đóng góp vào tính cạnh tranh của cả nền bóng đá. Nếu không muốn thua kém nhau, các CLB phải mua cho mình những cầu thủ giỏi để tập thể của mình mạnh hơn, sự quyết liệt trong các trận đấu được tăng lên, chất lượng giải đấu sẽ được tốt hơn.

Nhưng sự xuất hiện của những người môi giới cũng có mặt trái, vì họ làm cho môi trường bóng đá VN trở nên phức tạp hơn. Dù đã lên chuyên nghiệp từ lâu nhưng dường như luật hiện hành của bóng đá VN vẫn chưa thể kiểm soát được hoạt động của những người môi giới.

Thậm chí không cần giấy phép cũng có thể làm “cò” thoải mái vì luật chúng ta chưa tới để quản lý vấn đề này. Cầu thủ do “cò” đưa tới đội bóng, nếu thi đấu không tốt thì “cò” sẽ không quan tâm, nhưng nếu đá tốt, “cò” sẽ “đấu giá” cầu thủ này với nhiều đội bóng khác đang “chấm” cầu thủ này, hoặc đứng sau lưng nói “này kia” để tác động khiến cầu thủ “làm giá” với đội bóng chủ quản.

Lúc này, mọi bất lợi đều do CLB của cầu thủ đó gánh chịu, còn sau lưng “cò” âm thầm hưởng lợi. “Cò” là nguyên nhân làm cho các CLB cạnh tranh không công bằng và gây mất ổn định nội bộ đội bóng. Bóng đá VN phát triển không bền vững chắc cũng có phần nguyên nhân là thế.

Luật sư Ngô Đình Hoàng (TP.HCM)

Nghề môi giới cầu thủ (ở VN chúng ta gọi nôm na là “cò”) đã được FIFA chấp nhận từ lâu với những hành lang pháp lý cụ thể, và hàng năm đều có những đợt thi tuyển để cấp giấy chứng nhận hành nghề “cò” với tiêu chuẩn rất khắt khe. “Cò” là một thực thể trong hoạt động của nền bóng đá chuyên nghiệp.

Mặt tích cực của “cò” là hiển nhiên: giúp các đội bóng tìm được cầu thủ phù hợp mà không phải tốn nhiều thời gian và công sức đi tìm, giúp cầu thủ tìm được CLB thích hợp và thu nhập tốt phù hợp với chuyên môn của mình v.v…

Vì thế, không bàn đến chuyện nên hay không nên để cho “cò” hoạt động, mà nên bàn đến làm sao để cho hoạt động của “cò” đi vào nề nếp, vào khuôn khổ quản lý, có đầy đủ hành lang pháp lý để giám sát hoạt động của “cò”, để “cò” hoạt động đúng chức năng quyền hạn, nếu “cò” “vượt đèn đỏ” thì có công cụ pháp lý tuýt còi “cò” lại ngay và áp dụng chế tài đủ mạnh để phạt “cò” thích đáng.

Có như thế thì mới từng bước lành mạnh hóa hoạt động của “cò”, chấm dứt tình trạng bát nháo trong chuyển nhượng cầu thủ, tránh tình trạng “cò” giật dây để cầu thủ làm mình làm mẩy, không chịu đá hay phá đội để đòi tăng lương hoặc chuyển đội… như hiện nay ở VN.

Để làm được điều đó, đi đầu phải là VFF. Phải gấp rút nghiên cứu và xây dựng một hành lang pháp lý thật chi tiết, thật đầy đủ để điều chỉnh mọi hoạt động của “cò”, đảm bảo chế tài đủ mạnh và đánh thẳng vào “hầu bao” của “cò”, phạt thật nặng CLB bắt tay với “cò” trái phép.

Để làm được điều đó VFF cần có đội ngũ chuyên gia pháp lý (luật sư, luật gia) giỏi và hiểu biết chuyên sâu về thể thao, về bóng đá, về hoạt động của “cò” để chấp bút xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ và hoàn chỉnh.

Ngoài trách nhiệm của VFF, mỗi CLB cũng phải chuẩn bị sẵn hành trang pháp lý (quy định khen thưởng, chế tài cụ thể trong hợp đồng ký với cầu thủ) để đối phó với hoạt động lôi kéo cầu thủ của “cò” chứ không phải là dùng biện pháp hành chính theo kiểu thời bao cấp để ép chính cầu thủ của mình.

Về phía cầu thủ, tự họ phải ý thức được trách nhiệm của bản thân mình trong quá trình hành nghề. Phải hiểu được giá trị của bản thân họ là trên sân bóng, góp phần cho thành công chung của CLB, chứ không phải dựa trên số tiền lót tay, tiền chuyển nhượng.

Đời cầu thủ tuy không dài, nhưng danh tiếng của họ thì còn tồn tại mãi trong lòng người hâm mộ, vì thế đừng vì chạy theo đồng tiền mà đánh mất nhân cách của mình, đừng vì sự xúi giục, lôi kéo của “cò” mà đang tâm phá đội bóng đang cưu mang và trả lương cho mình hàng tháng. Biết kiên trì tu dưỡng đạo đức, văn hóa, chuyên môn, thể hiện hết mình trên sân bóng thì danh tiếng, thành công và đương nhiên tiền bạc cũng sẽ đến với họ.

Việt Hoà (ghi)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm