Chào tuần mới: "Bước chuyển" của di sản

25/11/2024 07:24 GMT+7 | Văn hoá

Chúng ta bước sang một tuần mới, ngay sau khi Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam vừa diễn ra (23/11).

Nhưng sự kiện thường niên này không dừng ở đó: Đúng vào ngày 23/11 năm nay, trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV cũng chính thức bấm nút thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Như vậy, sau hơn 23 năm được ban hành (năm 2001) và 15 năm được sửa đổi bổ sung (năm 2009), Luật Di sản văn hóa đã tiếp tục có những bước phát triển cần thiết để phù hợp với các yêu cầu đặt ra trong đời sống xã hội đối với di sản.

Gồm 9 chương, 95 điều, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Như chia sẻ, so với luật hiện hành, luật vừa được thông qua có nhiều điểm mới, trong đó có quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động và bảo vệ di sản văn hóa; hoàn thiện các quy định về các hành vi bị nghiêm cấm; xác định cụ thể các trường hợp điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II của di tích, khu vực di sản thế giới …

Chào tuần mới: "Bước chuyển" của di sản - Ảnh 1.

Các nghệ sĩ biểu diễn Nhã nhạc Cung đình Huế tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội. Ảnh: Minh Đức – TTXVN

Ở góc độ khác, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng quy định cụ thể việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích; quy định về quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp; quy định chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu, bổ sung chính sách nhằm hỗ trợ sự phát triển của hệ thống bảo tàng…

***

Cần nhắc lại, ở thời điểm Luật Di sản văn hóa được ban hành năm 2001, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội nhất định. Thời điểm ấy, chúng ta đã ý thức được vai trò quan trọng của việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, một trong những bộ phận quan trọng nhất cấu thành văn hóa - lịch sử của bất cứ quốc gia nào.

Trong hơn 2 thập niên kể từ đó, thực tiễn cho thấy: Luật Di sản văn hóa - bao gồm cả lần sửa đổi, bổ sung năm 2009 - đã thật sự đi vào đời sống và không còn xa lạ với cộng đồng.

Ở một góc nhìn khác, đó cũng là 2 thập niên "bùng nổ" của Việt Nam, với sự xuất hiện của nhiều khái niệm mới về loại hình - cũng như danh hiệu - gắn với di sản.

Đơn cử, ở bình diện quốc tế, chúng ta lần đầu đón danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2003 (Nhã nhạc cung đình Huế), danh hiệu Di sản Tư liệu thế giới vào năm 2009 (Mộc bản triều Nguyễn), Công viên địa chất toàn cầu năm 2010 (Cao nguyên đá Đồng Văn). Còn ở trong nước, chúng ta bắt đầu có những Bảo vật Quốc gia từ 2012 (đợt 1 - 30 bảo vật), hoặc những Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia từ 2013 (đợt 1 - 33 di sản)…

Để rồi bây giờ, bên cạnh một lượng lớn danh hiệu trong nước và quốc tế, khái niệm "di sản" trong cộng đồng cũng đã mở rộng tới rất nhiều trường hợp "ngoài danh hiệu" - mà các di sản gắn với kiến trúc cũ, khu công nghiệp, tri thức và ký ức dân gian… là ví dụ điển hình.

Tương tự, bên cạnh giá trị lưu giữ những trầm tích văn hóa - lịch sử truyền thống, di sản cũng đã được nhìn nhận như một lĩnh vực giàu tiềm năng để phát triển kinh tế và tri thức, trong bối cảnh công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa đang được đề cao.

Và như thế, cùng với những phát triển trong tư duy, nhận thức của cộng đồng - cũng như những điều kiện về kinh tế xã hội - sự ra đời của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là một bước đi mới gắn với cột mốc 23/11 vừa qua, trên cái đích biến di sản thành thành nội lực quan trọng của cả một nền văn hóa, và xa hơn là của cả xã hội trong giai đoạn mới.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm