Chào tuần mới: Dòng chảy tôn vinh tri thức

02/12/2024 07:31 GMT+7 | Văn hoá

Chúng ta bước sang tuần mới, khi lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII vừa diễn ra được vài ngày.

Và, đến thời điểm hiện tại, dư âm của sự kiện này vẫn đang lan tỏa - qua chia sẻ và niềm vui của những tác giả, những đơn vị xuất bản nhận giải, cũng như qua chính sức hút nội tại của một sự kiện chủ lưu trong đời sống văn hóa thường niên.

Nhìn lại, Giải thưởng Sách Quốc gia năm nay sở hữu nhiều nét mới - điều gần như tất yếu khi đặt trong dòng chảy phát triển của thị trường xuất bản và văn hóa đọc.

Về hình thức, Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII có sự đầu tư lớn cho các nội dung đan xen với việc trao thưởng. Ở đó, những khán giả có mặt tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong tối 29/11 - cũng như theo dõi sự kiện qua sóng truyền hình - được xem các clip kể các câu chuyện về sách, về văn hóa đọc, cũng như chia sẻ của người trong cuộc và cả bạn đọc về những vui buồn, mong muốn, tâm huyết và tình yêu sách của mình.

Chào tuần mới: Dòng chảy tôn vinh tri thức - Ảnh 1.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao giải A cho tác giả Nguyễn Đình Tư (104 tuổi) với Bộ sách 2 tập "Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)" - Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Về nội dung, giải thưởng năm nay không chỉ có sự tăng trưởng về lượng sách và đơn vị tham dự (372 tên sách và bộ sách, đến từ 51 nhà xuất bản) mà còn có sự mở rộng các đề cử (có cả bạn đọc và cơ quan báo chí truyền thông), bổ sung hạng mục giải thưởng (giải Sách được bạn đọc yêu thích), các hoạt động tri ân tác giả và đơn vị xuất bản sau khi đoạt giải.

Với 59 giải thưởng được trao năm nay, cho đến giờ, sự chú ý và hào hứng của cộng đồng đang dồn về những tác giả, tác phẩm vừa đón nhận sự vinh danh. Điển hình nhất, đó là trường hợp nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, người đã 104 tuổi, nhưng vẫn bền bỉ dành tâm huyết cho bộ sách dày 1.700 trang về lịch sử, văn hóa và địa chí của TP.HCM.

Hoặc ở một góc độ khác, người đọc cũng có thể nhận ra trong danh sách này những trường hợp gây chú ý lớn trong đời sống xuất bản năm qua, cả về sự độc đáo của đề tài như "Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ" (NXB Kim Đồng), "Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc" (NXB Trẻ), hoặc sự cuốn hút về nội dung như "Người thầy" (NXB Quân đội nhân dân)…

***

Cần nhắc lại, tròn 20 năm trước (2004), Giải Sách Việt Nam chính thức ra đời và trở thành một sự kiện thường niên do Hội Xuất bản Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Đó cũng là thời điểm thị trường xuất bản có những bước phát triển khá mạnh, còn xã hội cũng dần có những điều kiện thuận lợi để nâng cao nhu cầu đọc sách ở mỗi người.

Chào tuần mới: Dòng chảy tôn vinh tri thức - Ảnh 2.

Sách đoạt giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Để rồi, kể từ năm 2018, Giải Sách Việt Nam đã trở thành Giải thưởng Sách Quốc gia, với những thay đổi dần được bổ sung thêm theo nhận thức, cũng như sự vận động của xã hội. Và, trong khi đời sống xuất bản lần lượt có thêm những giải thưởng về văn chương, về sáng tác, về dịch thuật hoặc truyện tranh… thì đồng thời, Giải thưởng Sách Quốc gia cũng tiếp tục có sự tự khẳng định trong việc tôn vinh những cuốn sách - yếu tố đầu tiên để cấu thành nền văn hóa đọc ở bất cứ quốc gia nào.

Như thế, những thay đổi tích cực - cũng như sự quan tâm của xã hội - với Giải thưởng Sách Quốc gia năm nay, là một cột mốc đáng nhớ, trong dòng chảy đã tồn tại 20 năm ấy. Và khi đời sống xuất bản đang tiếp tục có sự vận động đặc thù - mà trước mắt là sự xuất hiện ngày càng nhiều của những loại hình ấn phẩm như sách điện tử hoặc sách nói - chúng ta sẽ còn chờ đợi những thay đổi kế tiếp ở giải thưởng này trong tương lai.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm