29/11/2021 07:01 GMT+7
(giaidauscholar.com) - “Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo” - GS Trần Ngọc Thêm đưa ra nhận xét này tại một cuộc hội nghị về giáo dục vào tuần trước.
Như lời ông, chừng nào còn đề cao chữ "lễ" để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển.
Khi đưa ra tuyên bố ấy, hẳn GS Thêm cũng không nghĩ rằng mình vừa châm ngòi cho một làn sóng tranh luận “nóng” nhất tuần qua. Ở đó, rất nhiều giáo viên, phụ huynh và chuyên gia đều nhập cuộc, với những ý kiến khác nhau tới mức trái ngược.
Cụ thể, chỉ riêng nội hàm của chữ “lễ” ấy đã được rất nhiều người vận dụng và hiểu theo góc nhìn - cũng như mục đích của mình - trong cuộc tranh luận. Tại đó, “lễ” có thể hiểu là khái niệm thuộc về Nho giáo, bảo vệ chế độ phong kiến - vốn chỉ cần người dân biết lễ nghĩa, biết trên dưới chứ không cần một xã hội phát triển, dân chủ và sáng tạo.
Và, “lễ” cũng có thể được hiểu với khái niệm rộng về sự lễ phép - và xa hơn, chính là một phần cấu thành đạo đức của học sinh, thứ đang được cho là xuống cấp nghiêm trọng trong môi trường giáo dục ngày nay.
Để rồi, từ một trường nghĩa còn chưa được thống nhất ấy, đã có những ý kiến đi khá xa khi “chụp mũ” cho GS Thêm về việc coi nhẹ vai trò của rèn luyện đạo đức tại nhà trường - hoặc ngược lại là “tố khổ” về sự cứng nhắc của một nền giáo dục trong quá khứ, cũng như sự độc đoán và tự đắc của người thầy vốn đang lạm dụng chữ “lễ” trên bục giảng.
Thẳng thắn, sẽ rất khó để chúng ta làm... trọng tài và phân định đúng sai cho một cuộc tranh luận như thế, khi mà đề xuất của GS Thêm bỗng trở thành cái cớ để cộng đồng trút lên đó tất cả những bức xúc và lo lắng của mình, đối với sự những vấn đề của cả một nền giáo dục. Tại đó, việc bỏ hay giữ một câu khẩu hiệu chắc chắn cũng chưa thể bức thiết bằng vô vàn giải pháp cần được sớm đưa ra để nâng cao sự sáng tạo, và cả tư cách đạo đức, dù của người đứng trên bục giảng hay ngồi trên ghế nhà trường.
***
Nhưng, câu chuyện của GS Thêm cũng không vô nghĩa, khi nó gắn với sự thay đổi trong cách nhìn về người thầy - và xa hơn là nghề dạy học - trong xã hội hiện tại.
Lịch sử phát triển, cũng như đặc tính của văn hóa Việt Nam là luôn dành cho người giáo viên một vị trí trang trọng và cao quý trong đời sống xã hội. Để rồi, trong dòng chảy của kinh tế thị trường, sự mặc định ấy đang dần bị đẩy lùi, khi rất nhiều học sinh (và phụ huynh) bị chi phối bởi cách nhìn câu chuyện từ cặp mắt sòng phẳng của… “người tiêu dùng”. Theo đó, trường học (mà thầy giáo là đại diện), là nơi cung cấp dịch vụ giáo dục - và tất nhiên, nền tảng của mối quan hệ dịch vụ phải là các ràng buộc về kinh tế.
Cách nhìn ấy có những điểm thực tế và tích cực, nhưng chắc chắn, nó không thể và không nên quá đà tới mức học sinh và phụ huynh đặt mình ở cương vị “thượng đế” trong quan hệ mua bán và xem nhẹ việc phải kính trọng thầy cô.
Bởi, dù có đặt trên tâm thế nào, rõ ràng điều tối thiểu trong một môi trường giáo dục vẫn phải là cách ứng xử tích cực và có văn hóa của người trẻ trước những người thầy vốn lớn tuổi hơn mình, để cả 2 phía có thể tìm được sự hợp tác và văn minh trong việc trao truyền và tiếp nhận kiến thức.
Với những người thầy luôn tận tâm, tận lực với nghề thì sự kính trọng, sự lễ nghĩa mà xã hội dành cho họ luôn là điều đương nhiên, nhất là khi cùng với sức ép và sự kỳ vọng từ cộng đồng, người thầy cũng rất dễ trở thành những nạn nhân đầu tiên và trực tiếp nhất cho những tồn tại không dễ giải quyết trong lĩnh vực giáo dục.
Trí Uẩn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất