Chào tuần mới: Học cách chấp nhận

17/06/2019 07:05 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Sau hơn hai tuần lo lắng, phấp phỏng, chờ đợi, đầu tuần này, hầu hết học sinh lớp 9 trên toàn quốc đã biết được kết quả thi vào lớp 10 của mình. Người đỗ sẽ bận bịu với các thủ tục xác nhận nhập học; người trượt sẽ loay hoay với biết bao con tính…

Điểm chuẩn vào lớp 10 các trường Chuyên và không chuyên tại Hà Nội

Điểm chuẩn vào lớp 10 các trường Chuyên và không chuyên tại Hà Nội

Điểm chuẩn vào lớp 10 Hà Nội: Phổ điểm năm nay có sự phân hóa tốt. Các môn điểm trên trung bình cao hơn mọi năm. Điểm kém ít hơn và số điểm 10 nhiều hơn mọi năm. Điều này chứng tỏ, Sở đã thực hiện nghiêm túc việc ra đề và đề ra trong chương trình nên kết quả tốt hơn.

Mong mỏi của nhiều thí sinh và gia đình chủ yếu vẫn là đủ điểm để giành một vé vào trường công lập hoặc một ngôi trường dân lập có uy tín nào đó. Nếu không đạt được điều đó, thì gia đình sẽ phải cùng các em học một bài học khác. Đó là học cách chấp nhận thực tế, cho dù không hề dễ dàng.

Hơn ai hết trong lúc này, chính cha mẹ phải là những người động viên, chia sẻ và dạy các em cách vượt lên thất bại đầu đời.

Chú thích ảnh
Thí sinh làm bài thi vào lớp 10. Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Vậy chúng ta động viên và dạy các em cách vượt qua thất bại thế nào khi mà các em vẫn còn đang ở cái độ tuổi “còn non”? Chia sẻ thế nào đây khi mà biết kết quả thi không được như kỳ vọng, nhiều phụ huynh lại quay ra trách mắng các em? Động viên các em được không khi cả mẹ và con ôm nhau khóc sau khi thi môn Toán không đạt kết quả?

Đó là ví dụ cho thấy người lớn chúng ta còn không kiểm soát được cảm xúc của mình.

Thay vì những việc làm trên, các bậc phụ huynh hãy bình tĩnh cùng con em mình nhìn nhận một cách bình tĩnh kỳ thi vừa rồi. Hãy quên đi kết quả của nó và chuẩn bị cho kế hoạch tiếp theo. Đó có thể là trường dân lập, học nghề hoặc là một trường nào đó phù hợp với hoàn cảnh của mình. Với những ai quyết tâm theo đuổi học hành thì thất bại ở kỳ thi này hoàn toàn chỉ có tính chất tạm thời. Các em không được vào ngôi trường cấp 3 “mơ ước”, nhưng 3 năm sau, các em vẫn có đầy đủ cơ hội để bước vào ngôi trường đại học trong mơ của mình. Đó mới là cái đích lớn, cần phải “rút thắng” ngay từ bây giờ, thay vì đau buồn vì thất bại.

Chấp nhận thực tế và quyết tâm làm lại cũng là một cách khởi động lại bản thân. Tôi nhớ hồi chúng tôi thi lên cấp 3, sau khi có kết quả thi, mấy đứa bạn bị trượt cũng rất tâm lý, xấu hổ, ngại gặp mặt mọi người. Phải sau khi thi gần một tháng, có hai đứa bạn gần nhà quyết định không tiếp tục học nữa mà chuyển sang học nghề mộc để kiếm sống.

Cái hôm tôi cùng mấy đứa sang nhà một bác thợ giỏi trong khu để xin bác nhận làm học trò, bác không hề nói gì về công việc cả. Vừa nhả khói thuốc lào, vừa khề khà chén trà, bác nói rằng: Ông trời không ép chết ai bao giờ cả, ai sinh ra cũng có một con đường để đi. Vấp ngã trên đường là chuyện bình thường, quan trọng là biết cách đứng dậy. Các cháu thi trượt vào cấp 3 có thể coi như là một thất bại, nhưng thôi, các cháu đã chấp nhận thực tế của mình, đã hiểu phần nào về bản thân. Không học được cái chữ thì học lấy cái nghề, miễn là phải cố gắng làm sao tay nghề giỏi.

Đó là một bài học về thất bại mà cho đến giờ tôi vẫn nhớ.

Trong cuộc sống hàng ngày, trường học, ngoài việc dạy cho chúng ta kiến thức để vào đời thì còn rất nhiều bài học khác, một trong số đó chính là dạy chúng ta học cách chấp nhận thất bại trong các kỳ thi, các bài kiểm tra.

Điều này cũng đúng như Nelson Mandela đã nói: ”Đừng đánh giá tôi bằng thành tựu của tôi, mà hãy đánh giá tôi bằng số lần tôi vấp ngã và có thể đứng dậy lần nữa”.

Còn Paulo Coelho – Tác giả “Nhà giả kim” - nói: “Bí mật của cuộc sống chính là vấp ngã bảy lần và đứng dậy tám lần”.

Hãy học cách chấp nhận thất bại để vươn lên.

Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm