21/06/2015 12:33 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Hôm nay 21/6 là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ngày Chủ nhật, ngày nghỉ, nhưng chắc chắn đa số đồng nghiệp của chúng tôi, các nhà báo, không được nghỉ. Hình tượng các ký giả làm việc đủng đỉnh, lãng mạn cổ điển kiểu “nhìn thấy các “ông làm báo” mà nẩy ra ở trong lòng một sự kính mến “thiêng liêng”... dáng đi khoan thai, trịnh trọng, nét mặt trầm mặc (Tế Xuyên)” đã qua lâu. Làm báo thời nay đủng đỉnh có mà húp cháo, chưa nói có thể bị đuổi việc bất cứ lúc nào!
Mấy ngày này, lướt trang cá nhân các đồng nghiệp, đong đầy những nỗi niềm vui buồn khác nhau về nghề. Đấy có thể là những lẵng hoa tươi thắm được tặng. Đấy có thể là những bức hình chụp “khoe” giải thưởng báo chí các cấp. Nhưng cũng không ít những băn khoăn về nghề...
Nghề báo, nghe có vẻ oai, được ví von là “quyền lực thứ tư” (sau lập pháp, hành pháp và tư pháp), nhưng quyền lực đâu không biết, để sống khỏe với nghề (yêu cầu cốt lõi của cuộc sống) xem ra là chưa thể. Đấy cũng là thực trạng chung như nhiều nghề khác ở ta mà thôi.
Thời đại thông tin bùng nổ, độc giả bây giờ cũng quá thông minh, viết lách lởm khởm là nhà báo “ăn đòn” ngay!
Đấy là chưa kể không ít hiểm nguy rình rập với nghề, giữ được “bút sắc, lòng trong” trước bao cám dỗ, không phải là giản đơn.
Ngay trước ngày vui của nghề, có đến mấy vụ nhà báo bị “đập” theo đúng nghĩa đen của từ này. Tôi xem đi xem lại tấm ảnh và video clip đồng nghiệp Tống Văn Đạt của báo Tuổi trẻ Thủ đô bị hành hung dã man, nằm bên vỉa hè bao người qua lại, mà hoang mang, chao chát.
Bây giờ, chúng ta nói đến báo chí thể thao. Hôm trước, đang ngồi cà phê với mấy đồng nghiệp, chợt có cầu thủ lò dò sang chào, nói với ông anh. “Em nghe bảo anh vẫn vất vả. Chúng em cứ nghĩ cỡ như anh, chắc phải sung túc lắm rồi”!
Mấy anh em chúng tôi nhìn nhau ngỡ ngàng, rồi hiểu ngay vấn đề. Chú em cầu thủ chắc nghĩ là bóng đá nào, phóng viên vậy. Thời đại bóng đá giá trị căn bản quy bằng tiền, chuyển nhượng tiền tỷ dễ như trở tay, các ông chủ luôn tung tiền thưởng để kích thích cầu thủ, bộ phận lớn những người đang tham gia bóng đá giàu nhanh..., nên nghĩ phóng viên thể thao chắc cũng giàu có lắm.
Đúng là nhầm. Tôi chưa thấy nhà báo thể thao nào giàu với nghề cả. Có giàu cũng nhờ của bố mẹ để lại là chính. Hôm rồi cứ tủm tỉm cười mãi một đồng nghiệp đưa hình ảnh “con máy ảnh” mà anh thèm khát lâu nay cùng status: “Năm nay kỷ niệm 90 năm, định bụng rước em này về bầu bạn mà nghĩ vợ đang nằm ổ (vợ sinh), rước về không khéo bả (bà) lên máu sản hậu thì nguy!”.
Thể thao & Văn hóa số đặc biệt 21/6 cũng có cuộc tọa đàm thú vị với hai nhà báo Nguyễn Nguyên và BLV Vũ Quang Huy. Các anh tâm sự chuyện nghề khá nhiều. Tựu chung, vẫn có một nỗi buồn phảng phất với môi trường làm nghề hiện nay, với nỗi đoạn trường của các tờ báo thể thao, với đội ngũ phóng viên thể thao đông nhưng chưa tinh, với nền thể thao và nền bóng đá chưa phát triển như kỳ vọng, với cái tình của ngành thể thao, VFF với báo chí không được như xưa..., rõ ràng không đơn giản là niềm hoài cổ.
Chúng tôi, các phóng viên thể thao vẫn mong muốn ngọn lửa nghề luôn đượm cháy trong tim, nhưng quả thực các yếu tố khách quan vẫn chưa ủng hộ, nhất là từ một nền thể thao còn yếu đuối. SEA Games 28 bóng đá nam thất bại, nội tình VFF bị cho là đang “đánh nhau”, hôm qua lại phải đi làm Cúp “cuốc ra” (anh em nói vui từ Cúp quốc gia), không thể hào hứng.
Thôi đành tự động viên và hy vọng: Sẽ một ngày bóng đá Việt Nam, thể thao Việt Nam tươi sáng để anh em sóng khỏe, thăng hoa với nghề!
Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất