20/06/2020 15:52 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Sau mỗi bài báo, dòng tin, bức ảnh hay chương trình truyền hình đưa được tới độc giả không chỉ là những nỗ lực của từng phóng viên thể thao, mà chất chứa trong đó, tình yêu không toan tính dành cho cái nghề đã trót yêu thương. Trong số báo đặc biệt này, chúng tôi - những phóng viên thể thao của báo Thể thao & Văn hóa cùng muốn chia sẻ đến bạn đọc thứ tình yêu đặc biệt này qua những kỷ niệm cũng thật đặc biệt.
Lần đầu mặc áo phóng viên thể thao
Vẫn biết là “chiếc áo chẳng làm nên thầy tu” nhưng nhân dịp báo nhà ra số đặc biệt, tôi bỗng nhớ đến “sự kiện” này. Chiếc áo bib “đặc thù” của dân phóng viên thể thao bởi nó có rất nhiều túi, có thể nhét vào đó đủ đồ nghề của phóng viên thời version 1.0. Nói version 1.0 vì lúc đó các phóng viên còn dùng máy ghi âm với băng cát-xét, sổ tay, bút viết… và cả bánh mỳ phòng khi trên sân lỡ đói lòng… So với version 4.0 thời nay thì nó khác hẳn.
Nói “sự kiện” là nói phóng lên cho vui thôi. Số là đầu năm 1997, sau mấy tháng vừa thử việc, vừa làm phóng viên mảng văn hóa, tôi được sếp phòng hỏi: “Em có thích thể thao không?”. Tôi gật đầu cái rụp vì chả gì thời sinh viên Nhạc viện Hà Nội, tôi cũng từng làm thủ môn của đội bóng đá khoa Giao hưởng nhiều năm. Vả lại làm phóng viên thể thao thì được đi nhiều, đúng với mong muốn của mình từ ngày còn bé.
Thế là tôi và phóng viên ảnh Nguyễn Quang Minh lên lịch đi Đà Lạt, cuối tuần đó có trận Lâm Đồng - Thể Công. Thể Công là đội bóng tôi yêu thích từ ngày còn ở Hà Nội, với những cái tên huyền thoại Ba Đẻn, Cao Cường, Trần Văn Khánh, Nguyễn Trọng Giáp… Thế hệ sau này cũng có nhiều cầu thủ vào ĐTQG nên tình yêu với đội bóng này vẫn vẹn nguyên như lần đầu. Tất nhiên là Thể Công thắng và hơn nữa tôi có dịp biết thêm về một Đà Lạt bảng lảng mây ngàn thông reo.
Thể thao có rất nhiều môn, ngoài bóng đá, vì thế mỗi lần có giải nào diễn ra trong khu vực tôi đều đề xuất với lãnh đạo phòng để được theo giải. Nhưng muốn thế thì phải học. Bạn phải viết đúng trước khi viết hay nhé.
Viết đến đây, tôi lại nhớ cố nhà báo Tường Vy, người đã hướng dẫn tôi trong 1 tuần và cho "tốt nghiệp" sớm khoá học về viết báo thể thao.
Có thể nói những đồng nghiệp như Đỗ Tuấn (báo Bóng đá), Vinh Hiển (báo Lao Động), Đào Tùng (Người Lao động) là những người bạn, người em, đồng thời là những người thầy trong các môn bơi lội, bóng bàn, bóng chuyền…bởi vì luật lệ thi đấu, tên tuổi VĐV còn lạ hoắc với một phóng viên “tay mơ” như tôi lúc đó. Nói thật là khi “nghe giảng” về bóng bàn từ chính kiện tướng bóng bàn, từng vô địch quốc gia Nguyễn Vinh Hiển thì không phải ai cũng có cơ hội đó.
Phải nói mục đích của các môn thể thao, được nêu trong khẩu hiệu của các kỳ Olympic từ cổ đại đến hiện đại là: “Nhanh hơn, cao hơn, xa hơn” cũng ảnh hưởng đến tính cách của các anh chị em làm mảng thể thao. Ít nhất là ở mảng này, gần như tất cả anh em đều cởi mở, chan hòa, và hỗ trợ nhau hết sức mình. Chúng tôi gần như không có chuyện “bỏ bom” thông tin. Nếu có ý kiến trái chiều nhau thì tờ báo của họ - sẽ có “miếng đất” để họ giãi bày.
Tôi xin phép kết thúc bài viết “chúng tôi nói về chúng tôi” vì nó cũng hơi dài. Ông biên tập trang này chỉ cho “miếng đất” nhỏ, có 500 chữ thôi.
Nhà báo Đỗ Hải Âu
Trên những nẻo đường TT&VH
Tôi đến với TT&VH khi còn rất nhỏ. Vẫn còn nhớ như in những trang báo in trên giấy chất lượng thấp, hình ảnh không rõ và có những đoạn chữ in sang cả mặt bên kia. Đấy chính là tờ báo đã đưa tôi vào đời chữ nghĩa và lăn lộn trên những nẻo đường báo chí cho đến tận bây giờ. Thế nên, tôi đã run cả người khi đọc chính bài viết mà mình gửi cho báo (và được đăng ngay) cách đây đã 21 năm, khi thần tượng của tôi là Richard Clayderman sang biểu diễn ở Việt Nam.
Bây giờ, ngồi nhớ lại thì nhận ra rằng, hóa ra, bài viết đầu tiên của mình cho TT&VH lại không phải là thể thao, mà là âm nhạc, và những bài viết đầu tiên của tôi về bóng đá cho tờ báo này chỉ đến vào mùa Hè 2002, khi chính thức đầu quân cho tờ báo tôi yêu.
Vậy đấy, cái duyên gắn bó với một tờ báo “hai chân”, có cả thể thao và văn hóa, chính là ở chỗ ấy, khi trong những năm tháng từ đó đến giờ, vẫn đều đặn viết cả về hai mảng đó cho TT&VH. Đương nhiên, thể thao vẫn chiếm tỉ lệ lớn hơn, và cũng nhờ thế mà độc giả định danh tôi là một cây bình luận thể thao quốc tế, nhất là bóng đá Ý, nhưng trong sâu thẳm lòng mình, tôi vẫn thích viết về văn hóa, xã hội, cả những bài viết theo kiểu bình luận sự kiện hoặc nhân vật. Bởi đấy cũng là mảng tôi yêu thích và hiểu biết, bởi tôi luôn “mở radar” để nắm bắt mọi điều xảy ra trong cuộc sống xung quanh mình.
Trong những năm tháng công tác ở Italy trong các nhiệm kì phóng viên thường trú của TTXVN, tôi vẫn gửi các bài viết về báo TT&VH. Đấy không chỉ là những bài viết về cuộc sống bóng đá ở Ý nói riêng và châu Âu nói chung như tôi đã nhìn thấy, sờ được, ngửi được, gặp gỡ và trải nghiệm một cách sâu sắc nhất, đó còn là những bài viết về con người, văn hóa, lịch sử, văn học, cùng các bài viết cho một chuyên mục đã kéo dài suốt vài năm trên tờ TT&VH Cuối tuần, cho đến khi tôi hết nhiệm kì về nước.
Và cả những chuyến đi khắp các giải đấu từ EURO cho đến World Cup, là những kí sự đường trường được gửi về từ chính các nước đăng cai, cung cấp một cái nhìn thật sâu và gần gũi, nhiều mặt từ tôi, người có mặt tại chỗ ở đó. Vẫn đều đặn các bài viết về bóng đá liên quan đến giải đấu, nhưng luôn luôn có các phóng sự về con người, nhân vật và trăn trở cuộc đời của những người tôi đã thấy, đã gặp và cảm nhận.
Chính trên những nẻo đường đi cùng TT&VH, dù là một độc giả hay một cây viết cho chính TT&VH đó sau này, tôi nhận ra là tôi lớn lên, trưởng thành và được như bây giờ, một phần chính là tờ báo ấy…
Nhà báo Trương Anh Ngọc
Những chuyến đi bão táp ở Laguna
Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi đã trải qua nhiều chuyến công tác, đi đến nhiều vùng đất khác nhau, nhưng hành trình tới sân Binan (Laguna, Philippines) tại SEA Games 30 năm 2019 đã để lại cho tôi ấn tượng đáng nhớ nhất.
Sân Binan thuộc tỉnh Laguna, chỉ cách thủ đô Manila khoảng 30km, nhưng cánh phóng viên thường xuyên phải mất từ 10 tới 12 giờ đồng hồ cho hành trình khứ hồi từ Manila tới Laguna rồi trở về Manila.
Vấn nạn tắc đường ở Manila và vùng phụ cận thì chúng tôi đã được nếm trải từ SEA Games 23 năm 2005, nhưng sau 14 năm thì tình hình tắc đường ở đây thậm chí còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Mà tắc đường nghiêm trọng cũng là phải thôi vì chúng tôi từng trò chuyện với một tài xế Grab và được biết ở Manila việc một người sở hữu vài ba chiếc xe ôtô là điều bình thường, và anh tài xế Grab mà chúng tôi đang nói chuyện cũng có 2 chiếc xe, 1 chiếc sử dụng cá nhân và 1 chiếc để chạy Grab.
Thế nên, ngay cả nếu bạn ra đường vào lúc 23h giờ thì đường phố Manila cũng vẫn kẹt cứng như thường, và những lúc như thế, việc di chuyển ra các địa phương phụ cận như Laguna thực sự là cơn ác mộng.
Tuy nhiên, tại SEA Games 30, chúng tôi không có lựa chọn nào khác vì Binan là 1 trong 2 sân phục vụ môn bóng đá nam, nữ, và có những ngày ở Binan có tới 2 trận đấu của đội tuyển U22 Việt Nam và đội tuyển nữ Việt Nam, nên rất đông phóng viên Việt Nam buộc phải ở lại đây đến tối muộn rồi cuống cuồng tìm cách trở về Manila vào lúc đêm khuya.
Chỉ cách Manila có hơn 30km nhưng sự chênh lệch trong sinh hoạt cuộc sống ở Laguna là rất rõ ràng, và một trong những biểu hiện sinh động nhất là ở đây không có taxi, không có xe ôtô công nghệ.
Phương tiện cá nhân công cộng hiếm hoi mà bạn có thể sử dụng chỉ là những chiếc xe máy cà tàng được lắp thêm khoang chở người bên phải, và khá hơn nữa thì là những chiếc xe điện không cửa kính, không điều hòa.
Tất nhiên với những phương tiện như vậy thì không thể đào đâu ra đồng hồ tính tiền mà chỉ có thể mặc cả giá tiền bằng miệng, và để bắt được xe 3 bánh tự chế hoặc xe điện kiểu đó cũng không phải chuyện dễ, vì tài xế thường chỉ tập trung ở nơi công cộng chứ ít khi chạy xe không để tìm khách.
Điều kiện đi lại ở Laguna đáng ngại như vậy nên khi môn bóng đá kết thúc thi đấu ở sân Binan, tất cả các phóng viên Việt Nam như thở phào...
Nhà báo Hoàng Linh
May mắn với một kì SEA Games lịch sử
Với nhóm phóng viên Việt Nam, SEA Games 2019 là một kì SEA Games lịch sử. Chúng tôi đã vỡ òa khi tiếng còi kết thúc 120 phút kịch tính ở trận chung kết bóng đá của tuyển nữ Việt Nam. Chúng tôi đã nín thở, căng thẳng khi Phạm Thị Hồng Thanh giành HCV sau cú lật kèo lịch sử ở nội dung cử tạ hạng 64 kg dành cho nữ. Chúng tôi thấy nổi da gà, thấy rưng rưng xúc động khi mỗi lần Quốc ca Việt Nam vang lên ở các nhà thi đấu...
Hôm đội tuyển U22 Việt Nam thắng 3-0 U22 Indonesia trong trận chung kết để giành tấm HCV bóng đá nam sau đúng 60 năm chờ đợi, chúng tôi được sống trong những thời khắc lịch sử của thể thao Việt Nam. 4 khán đàn sân Rizal Memorial vang lên những tiếng "Việt Nam" thân thương. HLV Park Hang Seo, các cầu thủ và hàng ngàn CĐV đã cùng vỡ òa trong cảm xúc. Chưa bao giờ, chúng ta vui đến thế ở một kì SEA Games trên đất bạn.
98 HCV, đứng thứ 2 chung cuộc, hơn đoàn Thái Lan tới 6 HCV và chỉ xếp sau đoàn chủ nhà Philippines, là một chiến tích vang dội. Điều đáng nói hơn, những tấm huy chương mà các VĐV Việt Nam giành được đều là những tấm huy chương của những nỗ lực bền bỉ tập luyện, của tinh thần và khát khao thi đấu, của niềm vui, của những cảm xúc bất tận hòa quyện trong tình yêu, niềm tự hào dân tộc.
Tất nhiên, để được trải qua những khoảnh khắc tuyệt vời như thế là những khó khăn mà chúng tôi đã phải trải qua trong hơn 20 ngày tác nghiệp tại Philippines, đất nước vẫn gặp nhiều khó khăn và quá nhiều thiếu thốn trong khâu tổ chức.
Chúng tôi đã phải ở trong những khách sạn với những căn phòng chưa đầy 10m vuông, không nước nóng, không internet và không cả sóng điện thoại. Chúng tôi đã phải trải nghiệm 4-5 tiếng bất động trên xe bus vì nạn tắc đường khủng khiếp ở Manila. Và những ngày tác nghiệp trong ngày bão đổ bổ vào thủ đô của Philippines với những lần đội mưa chạy bộ, cởi áo khoác để che máy quay khi di chuyển từ nhà thi đấu này qua nhà thi đấu khác chỉ để kịp ghi lại những khoảnh khắc vàng của các VĐV Việt Nam.
"Mệt nhưng mà sướng, mà đã", nhiều đồng nghiệp đã nói với tôi. Và chúng tôi cũng tự nói với nhau rằng, cuộc đời của một phóng viên, chẳng có gì sướng hơn là được tác nghiệp trong một kì SEA Games lịch sử như thế.
Nhà báo Trần Giáp
Hạnh phúc khi công việc và đam mê là một
Tháng 11/2002, bằng với sự hăm hở của chàng trai trẻ, tôi cầm bảng điểm kết thúc môn học Ngôn ngữ báo chí loại ưu, thêm một bài báo ứng thí và tờ giấy giới thiệu thực tập, gõ cửa tòa soạn báo TT&VH tại 120 Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM). Một căn phòng khá cũ kỹ, nhưng gọn gàng, có bàn uống nước trà tiếp khách, với xung quanh là những chiếc máy vi tính và các chồng báo ngay ngắn.
Sau màn chào hỏi, tự giới thiệu bản thân, tôi đề đạt nguyện vọng xin được thực tập ở báo TT&VH và "ứng thí" với bài viết của mình về CLB Manchester United, đội bóng tôi yêu, với tất cả tình yêu và nước mắt, sau khi bị Bayer Leverkusen loại đau đớn ở bán kết.
"Cảm ơn em về tình yêu dành cho báo TT&VH, nhưng về cơ bản, tòa soạn lúc này không có kế hoạch nhận các phóng viên thực tập. Em có thể liên hệ một tờ báo khác. Chúc em thành công với ước mơ trở thành một phóng viên thể thao của mình" - Anh Đỗ Hải Âu, người tiếp tôi khi đó và người sau này lên Trưởng phòng đại diện của báo TT&VH tại TP.HCM, sếp trực tiếp của tôi đã... sút 1 cú "cháy lưới" như thế mà không cần pha đi bóng rườm rà nào!
Vài tháng sau đó, đầu năm 2003, dù đã bước vào nghề với tư cách phóng viên của báo Thanh Niên, tôi vẫn không ngừng đọc TT&VH, song không hề nghĩ, một ngày nào đó sẽ quay lại nơi này.
Nhưng rồi cũng là cái duyên, tới tháng 5/2007, khi có chút tên tuổi trong nghề, anh Đỗ Hải Âu (vẫn là anh Âu) gọi tôi và đặt viết thường xuyên cho mục Cận cảnh trên số TT&VH cuối tuần, để tôi "ôm". Năm 2008, tham gia viết sang báo ngày và đến tháng 3/2009, tôi chính thức là người của TT&VH, tờ báo gối đầu giường của tôi và thế hệ những chúng tôi.
Những ngày vui kéo dài, tôi được tạo không gian tối đa trên mặt báo để thể hiện, cả báo ngày lẫn báo tuần, rồi sau này là báo điện tử và cả mảng truyền hình. Đi, yêu và viết. Vắt qua nhiều đời lãnh đạo và các giai đoạn thăng trầm của tờ báo, tôi vẫn ở đây, vẫn viết những bài báo, giữ các đề mục bằng tình yêu dành cho tờ báo vẫn như ngày nào của năm 2002. Danh thủ người Ý Franco Baresi nói, ông hạnh phúc khi công việc và đam mê là một.
Hạnh phúc đôi khi giản đơn thế thôi, song có và giữ được nó, không dễ dàng.
Nhà báo Trần Hải
40 ngày ở Brazil và những kỷ niệm không thể quên
Tròn 10 năm làm phóng viên ở TT&VH, tôi có rất nhiều chuyến công tác, nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Nhưng dấu ấn sâu sắc nhất chắc chắn là chuyến hành trình 40 ngày trên đất Brazil tại ngày hội World Cup 2014. Đó là “Thánh địa” của bóng đá thế giới, là quê hương của những huyền thoại như Pele, Garincha, Ronaldo, Romario… Ở tuổi 30, khi được đến Brazil với tôi như một “giấc mơ” đã trở thành hiện thực.
Nhưng đó không phải là một chuyến du lịch mà là một thử thách thực sự. 40 ngày ở Brazil là 40 ngày làm việc liên tục, ngày nào cũng có sản phẩm gửi về. Là một phóng viên của TT&VH, bạn phải đa năng “n trong 1”: Vừa làm biên tập viên truyền hình, quay phim, chụp ảnh, viết báo điện tử, báo in và thậm chí cả tạp chí. Suốt chuyến công tác, tôi và nhà báo Anh Ngọc liên tục di chuyển với những quãng đường hàng nghìn km, từ Rio de Janeiro, qua Sao Paolo, rồi Belo Horinzonte… Hàng trăm phút phát sóng trên truyền hình, hàng trăm bức ảnh, hàng chục bài viết, đó là những áp lực nếu không đủ sự chăm chỉ và lòng yêu nghề bạn khó có thể thực hiện.
Mệt, nhưng rất vui, chúng tôi đã được tác nghiệp ở ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới ở đúng “mảnh đất thánh” của bóng đá. Chúng tôi đã được chứng kiến trận thua lịch sử 1-7 của Brazil trước Đức ở sân Estádio Mineirão, Belo Horizonte; được có mặt trên sân Maracana huyền thoại trong trận đấu Messi gục ngã trước ngưỡng cửa cuối cùng.
40 ngày ở Brazil, chúng tôi cũng hiểu hơn về cuộc sống, về tình yêu bóng đá của những người dân ở đây. Tôi hiểu rằng niềm đam mê của họ không chỉ có ở trên sân vận động – nơi chủ yếu dành cho người có điều kiện mua vé, mà nằm trong từng con phố nhỏ, những khu ổ chuột, trong một quán bia chỉ toàn những người già, hay trong nhà của một bà cụ 70 tuổi có cô con dâu là một người Việt Nam… Để giữ an toàn khi vào những khu ổ chuột, vốn có nhiều tội phạm và những kẻ nghiện ma túy, tôi và Anh Ngọc còn phải mua áo vàng, đội mũ Brazil để lấy sự thiện cảm của người dân…
Đó là chắc chắn là những trải nghiệm bạn không thể có khi chỉ xem qua truyền hình. Và nhiệm vụ của chúng tôi là mang đến những câu chuyện thú vị ấy cho các khán giả, độc giả của TT&VH!
Nhà báo Vũ Tú
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất