06/09/2021 19:13 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Đó là một triển lãm 3D với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại: mỗi khi click chuột, người xem như được “đi trong không gian” khu trưng bày với tài liệu gốc chi tiết, lời thuyết minh cụ thể. Cùng với đó là phim ngắn Con đường khoa bảng tái hiện sống động nền giáo dục khoa bảng cách đây hàng trăm năm…
Những câu chuyện về giáo dục thời Nguyễn đã lùi xa cả trăm năm, nhưng nhiều giá trị vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay.
“Ôn cố tri tân” trước thềm năm học mới
Hoàng đế Gia Long, một nhà chính trị sắc sảo, người mở đầu cho vương triều Nguyễn, ngay sau khi lên ngôi đã xác định rõ, việc phát triển giáo dục là một yêu cầu cấp thiết của một triều đại mới ra đời. Nhà vua đã sớm cho mở nhà quốc học tại kinh đô Huế, nhằm tìm kiếm người hiền tài vào đội ngũ quan lại của triều đình.
Tư liệu cũ còn ghi lời ông: “Trẫm muốn bắt chước người xưa, đặt ra nhà học để nuôi học trò, ngõ hầu văn phong được dấy lên, hiền tài đều nổi để cho nhà nước dùng”. Một hệ thống giáo dục của triều Nguyễn được triển khai từ trung ương đến địa phương bắt đầu được thiết lập từ đây.
Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn cho thấy các vua triều Nguyễn rất coi trọng việc chiêu hiền đãi sĩ. Nhà vua ban sách vở, dầu đèn, cấp lương cho giám sinh ăn học ở Quốc Tử Giám. Thời tiết giá lạnh, giám sinh ở xa quê được cấp tiền mua chăn đệm chống rét để đảm bảo sức khỏe. Triều Nguyễn còn là triều đại có chính sách khuyến học đối với dân tộc ít người.
Tính công bằng, nghiêm túc trong học hành, thi cử được đề cao tại triều Nguyễn. Thậm chí, luật hồi tị thời Nguyễn quy định, để đảm bảo sự công bằng, trong sạch ở các kỳ thi, những người dự vào hội đồng thi, nếu có quan hệ thân thuộc với người dự thi phải khai báo để “hồi tị” (tránh né), nếu cố tình không khai báo sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
Các vua nhà Nguyễn cũng quan tâm đổi mới giáo dục, tùy theo hoàn cảnh và vận hội của đất nước, dù nội dung học tập lúc bấy giờ chủ yếu là Tứ thư, Ngũ kinh, cũng như luyện tập các phép làm thơ văn. Một số văn bản thời Tự Đức còn cho thấy sự tiến bộ khi thời đó đã coi trọng việc học “tiếng Tây”. “Phụng xét người bản quốc hiện nay am hiểu tiếng Pháp rất ít, lúc cần phải việc gì rất cần người. Vậy nay xin do quan phủ Thừa Thiên và 2 tỉnh Nam Ngãi hết lòng tuyển chọn các con em của dân lương và trẻ nhỏ trong hạt tuổi từ 10 đến 16, mỗi tỉnh khoảng 10 tên gửi đến hoặc do nha thần tập hợp. Toàn năm cấp quần áo, đồ ăn, phái một viên ký lục (tú tài xuất thân) và một viên thông ngôn thuộc nha đến dạy học”.
Trong các đời vua Nguyễn, vua Tự Đức là người đặc biệt coi trọng giáo dục, ông đề cao việc sử dụng nhân tài. Chẳng hạn, việc tuyển chọn người làm thầy luôn hướng đến tiêu chuẩn giỏi chữ nghĩa văn chương, đồng thời có đạo đức, khí tiết theo chuẩn mực trong quan niệm lúc bấy giờ, “không câu nệ là người trong hạt hay người khác nha, thấy người tài đức nổi trội thì làm tập tâu đầy đủ dâng lên”, như lời dụ của vua Tự Đức thời bấy giờ.
Nhà Nguyễn chủ trương không bỏ phí người tài, như tư liệu ghi lại lời vua Tự Đức: “Phương pháp lấy trúng tuyển của các trường thi văn võ nên làm sao không lạm dụng cũng không bỏ phí người thực tài. Phàm cử nhân, tú tài cũng được dùng, không phải chỉ dùng tiến sĩ, phó bảng mà thôi”, hay câu thơ “Dùng người hiền không chuyên một cách”, trích trong Thi Hội ân khoa Tân Sửu năm Thiệu Trị thứ nhất, còn lưu trong châu bản, mộc bản triều Nguyễn.
Đó là những giá trị vượt thời gian về giáo dục, trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, tiền nhân thông qua những di sản tư liệu quý giá gửi lại cho hậu thế chúng ta!
Công nghệ số chuyển tải di sản của người xưa
Theo bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, đây là triển lãm 3D đầu tiên mà Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4 (thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) thực hiện. Ý tưởng ban đầu là tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhưng tình hình dịch bệnh đã khiến Ban Tổ chức (BTC) thay đổi phương án sang sử dụng công nghệ số để đưa những tư liệu quý có tuổi đời hàng trăm năm tới cho những khán giả “đang ngồi nhà”.
“Từ cuối năm 2020, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu và ý tưởng của BTC là có trailer giới thiệu (dài khoảng hơn 2 phút) tổng quan để kích thích tính tò mò, tạo sự hấp dẫn cho công chúng khi bắt đầu xem triển lãm” - bà Trần Thị Mai Hương cho biết.
Cũng theo bà Hương, trong không gian 3D xuyên suốt, người tham quan có thể thấy hình ảnh mô phỏng từ Văn Miếu Môn, trường đại học cao cấp nhất ở kinh đô Huế dưới triều Nguyễn, hình ảnh văn bia tiến sĩ, lều chõng mô phỏng từ những hình ảnh tư liệu cũ. “Để tăng tính thuyết phục, khán giả bấm vào từng phần của hình ảnh 3D cũng có thuyết minh cụ thể và tài liệu gốc hiện ra” - bà Hương nói thêm - “Tất cả tư liệu về giáo dục được đội ngũ chuyên gia chắt lọc từ các văn bản gốc, bút phê của vua về chủ đề giáo dục trong toàn bộ khối châu, mộc bản mà Trung tâm đang lưu giữ”.
Cách tiếp cận 3D trực tuyến là xu hướng được nhiều bảo tàng, di tích sử dụng trong thời gian gần đây. Song thành công, cũng là sự khác biệt của triển lãm 3D Giáo dục triều Nguyễn - Vang vọng còn lại không chỉ là giới thiệu những thông điệp, hình ảnh chắt lọc từ tư liệu châu bản, mộc bản, mà còn đưa người xem như sống trong không khí “bút nghiên, khoa cử” triều Nguyễn thông qua phim ngắn (bên cạnh trailer giới thiệu) mang tựa đề Con đường khoa bảng. Phim dài hơn 10 phút, sử dụng hình ảnh tư liệu gốc từ châu, mộc bản, các hình ảnh, tư liệu từ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, phim Lều chõng (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân).
“Ôn cố tri tân”, trước thềm khai giảng năm học mới, triển lãm Giáo dục triều Nguyễn - Vang vọng còn lại đem lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm về nền giáo dục xưa và nay. Còn theo bà Hương, triển lãm 3D “rất hấp dẫn, tính lan tỏa của nó rất nhanh. Vài tiếng sau khi đăng link triển lãm, đã có khoảng 12 nghìn lượt quan tâm” - bà Hương chia sẻ - “Đây là triển lãm 3D đầu tay, mong mọi người chia sẻ, tương tác ủng hộ để chúng tôi có động lực ra mắt các triển lãm từ tài liệu lưu trữ, đặc biệt từ tài liệu châu bản, mộc bản - di sản tư liệu thế giới. Để những tư liệu, hồn phách của dân tộc lan tỏa tới công chúng nhiều hơn trong thời gian sắp tới, không chỉ với chủ đề giáo dục triều Nguyễn”.
Gồm hơn 100 tài liệu đặc sắc được lựa chọn từ Di sản tư liệu thế giới - Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn, triển lãm Giáo dục triều Nguyễn - Vang vọng còn lại đang được giới thiệu tới công chúng trên trang fanpage https://www.facebook.com/luutruquocgia1 của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Triển lãm giới thiệu theo 5 chủ đề: Khai giảng, Trường học, Người thầy, Học tập - thi cử, Khuyến học - khuyến tài. |
Ngân Lượng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất