Chào tuần mới: Tri ân qua 'thế giới phẳng'

15/11/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Tuần mới này, chúng ta sẽ kỷ niệm 39 năm, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Năm nay có lẽ là một năm đặc biệt khi mà hàng triệu học sinh từ ngày khai giảng cho đến bây giờ hầu như chỉ “gặp” các thầy cô và bạn bè trong “thế giới phẳng” thông qua “màn ảnh nhỏ” của chiếc máy tính, điện thoại thông minh.

Lịch sử ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Lịch sử ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Đã hơn 38 năm kể từ khi ngày 20/11 hàng năm trở thành Ngày Nhà giáo Việt Nam. Cứ đến ngày này, lớp lớp thế hệ học sinh lại bồi hồi nhơ về và tri ân những thầy cô của mình.

Gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội; trong đó có giáo dục. Nhiều giáo viên tại các trường ngoài công lập bị ảnh hưởng nặng nề về lương, thưởng..., khiến cuộc sống gặp vô vàn khó khăn.

Tại các địa phương, câu chuyện dạy và học thêm lại một lần nữa được nhắc đến, trở thành vấn đề nóng, được nhiều đại biểu quan tâm tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Để ý các câu chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trường GD&ĐT, ta sẽ thấy rằng, việc dạy thêm có lý do từ thu nhập của giáo viên quá thấp, rất nhiều người coi dạy thêm là để mưu sinh. Chúng ta hãy nhìn thẳng vấn đề này để có giải pháp căn cơ. Và thực tế, qua 2 năm đại dịch vừa rồi, chúng ta thấy giáo viên cũng là đối tượng cần cứu trợ.

Chú thích ảnh
Tranh minh họa

Một câu hỏi mà cá nhân tôi cũng như nhiều người hay thắc mắc, đó là nếu như không dạy thêm, các thầy cô giáo sẽ sống ra sao khi chỉ trông cậy vào đồng lương? Làm thêm các việc khác để tăng thu nhập thì sao nhỉ?

Thực tế không phải thầy cô nào cũng có điều kiện để làm thêm “nghề tay trái”, thậm chí trước đây khi các thầy cô làm thêm các công việc kinh doanh thì còn bị chê bai vì cho là làm xấu đi hình ảnh người thầy.

Tôi nhớ tới cô giáo chủ nhiệm chúng tôi năm học lớp 3. Khi ấy chưa có chuyện “dạy thêm, học thêm” như hiện nay, cho nên ngoài thời gian lên lớp, cô nhận làm thêm công việc sắp que diêm vào bao, đóng gói rồi giao cho các cơ sở bán lẻ. Công việc này thu nhập tuy không nhiều, nhưng cũng giúp cho cô tăng thêm thu nhập, có tiền mua thêm tấm áo, manh quần cho 2 con nhỏ. Nhiều hôm chúng tôi đến nhà thăm cô, vừa nói chuyện vừa tranh thủ giúp cô làm.

Vậy mà việc này sau đó bị nhà trường phát hiện, cô bị kỷ luật mấy tháng, bị trừ lương. Chuyện đó chỉ sau này, khi chúng tôi đã trường thành, dịp 20/11 đến thăm cô khi đã nghỉ hưu mới được nghe cô kể lại. Thật buồn biết bao bởi những năm tháng chúng tôi đi học, cô luôn tận tụy, cố gắng. Trong các buổi sinh hoạt lớp cô không bao giờ kêu khó khăn, luôn động viên chúng tôi cố gắng học tập.

Xã hội đã có nhiều sự thay đổi. Nhưng câu hỏi làm thế nào để đảm bảo cho cuộc sống của người thầy vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

“Dạy thêm, học thêm” về mặt bản chất không có gì là xấu, cái chính là làm sao tổ chức cho đúng với tính chất của công việc này, không để lạm dụng. Nhưng cái chính đó chúng ta chưa làm được. Không thay đổi, cải thiện được đời sống của người giáo viên thì có lẽ chuyện “dạy thêm, học thêm” sẽ còn tiếp diễn.

Cũng như nhiều ngành nghề khác trong xã hội, cho dù có nhiều khó khăn vất vả, nhưng ngành giáo dục vẫn có nhiều tấm gương sáng. Vừa qua, 50 thầy cô tiêu biểu có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy trong điều kiện khó khăn do lũ lụt, dịch Covid-19 đã được tuyên dương. Chúng ta hãy chúc mừng họ, nhưng cũng không quên tri ân hàng triệu thầy cô khác hàng ngày vẫn “hiện diện” trong gia đình chúng ta thông qua những“màn ảnh nhỏ”. Vào Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, có thể phụ huynh và các em học sinh không gặp được trực tiếp các thầy cô nhưng vẫn có rất nhiều những hình thức tri ân qua “thế giới phẳng” có sức lan tỏa lớn.

Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm