04/03/2019 07:30 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Xin được lấy hai câu thơ ca ngợi người phụ nữ mà nhiều người biết đến: “Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ/ Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?” để mở đầu cho tuần lễ đầu tiên của tháng 3 - tháng gắn liền với những hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Không chỉ riêng tại Việt Nam mà hầu như trên toàn thế giới, đề tài về người phụ nữ vẫn luôn là nguồn cảm hứng cho các sáng tạo nghệ thuật trong nhiều lĩnh vực, nhiều công việc đời thường. Nói về người phụ nữ là chúng ta đang nói đến “một nửa thế giới”, là nói về tình yêu và tình thương cũng như sự chịu đựng, đức hy sinh - những “đặc trưng” của giới nữ trên khắp toàn cầu.
Với riêng Việt Nam chúng ta, xuyên suốt trong lịch sử, người phụ nữ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước, trong những cuộc kháng chiến trường kỳ của cả dân tộc. Điều này đã được ghi chép trong sử sách từ nhiều đời nay và không ai phủ nhận.
Nhớ lại những ngày này cách đây 31 năm, trước ngày lên đường nhập ngũ, tôi được một cô bạn thân tặng một cuốn sổ tay. Bên trong cuốn sổ cô bạn có chép tặng bài “Thơ vui về phái yếu” của cố thi sĩ Xuân Quỳnh, một bài thơ nói về vai trò cũng như thiên chức của người phụ nữ, người vợ, người mẹ Việt Nam trong cuộc sống đời thường hết sức giản dị, chân thật.
con mắt của thi sĩ Xuân Quỳnh, người phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng đều có những “đặc tính” của “phái yếu” nhưng tựu trung lại họ có những đóng góp âm thầm lặng lẽ cho cuộc sống gia đình, cho xã hội, tuy nhỏ bé nhưng vô cùng ý nghĩa. Trong bài thơ nói trên có 2 câu: “Nhưng nếu sáng nay em chẳng đong được gạo/ Chắc chắn buổi chiều anh không có cơm ăn…” một phần nào nói lên được vai trò của họ trong cuộc sống đời thường.
***
Ấy vậy mặc dù đã bước sang kỷ nguyên 4.0, nhưng vấn nạn bạo hành, ngược đãi, xâm phạm tình dục phụ nữ và trẻ em gái, những hành vi đối xử bất bình đẳng giới tại nơi làm việc, nơi công cộng… vẫn còn tiếp tục xảy ra. Những câu chuyện “mâm trên, mâm dưới”, phân biệt kỳ thị người sinh con trai hay con gái vẫn là những bức xúc tại nhiều địa phương trên dải đất hình chữ S.
Ngày 1/3, tại cuộc họp báo thông tin về các hoạt động kỷ niệm Ngày quốc tế phụ nữ 8-3, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chính thức công bố năm 2019 được chọn là “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Đây là chủ đề xuyên suốt, được thực hiện trong nhiều năm, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020.
Năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” 2019 sẽ tập trung vào 3 nội dung chính: Thứ nhất, an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình (phòng chống bạo lực gia đình; xâm hại phụ nữ, trẻ em; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng chống suy dinh dưỡng; chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em). Thứ hai, an toàn cho phụ nữ và trẻ em nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội, về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, an toàn trên môi trường mạng. Thứ 3, an toàn trong lĩnh vực vệ sinh thực phẩm. Đại sứ cho Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em là Hoa hậu H’Hen Niê và diễn viên Quyền Linh.
Lễ phát động “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em” sẽ được tổ chức trực tuyến 2 điểm cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào sáng 6/3 tới.
Hoa và quà dành cho phái đẹp trong tuần lễ này chắc chắn là chưa đủ. Hãy thể hiện sự bình đẳng giới đủ trong cả 365 ngày trong năm và hãy chung tay bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em ở mọi lúc, mọi nơi.
Xuân An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất