28/10/2019 07:26 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Công an huyện Ứng Hòa, Hà Nội mới ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Gây rối trật tự công cộng và Cố ý gây thương tích” của nhóm đối tượng hành hung một nữ phụ xe buýt hôm 20/10.
Vụ việc cho thấy văn hóa xe buýt ở các đô thị lớn tại nước ta vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn. Nói thì nghe có vẻ to tát chứ thực ra văn hóa xe buýt là những chuyện ứng xử đời thường khi tham gia giao thông bằng phương tiện này của cả hành khách cũng như nhà xe.
Trước đây, khi nói đến văn hóa xe buýt là mọi người sẽ nhắc nhau cẩn thận kẻo kẻ gian trà trộn móc túi khi xếp hàng mua vé, lên xe là nhường chỗ cho người già và trẻ nhỏ, người khuyết tật… Khi đi xe không thò đầu, thò tay ra ngoài cửa sổ…
Bây giờ thì ngoài hành khách ra, lái xe và nhân viên phục vụ cũng đóng vai trò rất quan trọng vào văn hóa xe buýt mà việc đầu tiên chính là thái độ phục vụ tận tình, vui vẻ, thân thiện. Chú ý sao cho hành khách lên xuống xe an toàn rồi mới cho xe lăn bánh rời bến. Đó là những nét chính cần phải có.
Việc một số lái xe chạy ẩu, chen lấn làn, chèn ép các phương tiện giao thông khác tạo hình ảnh rất xấu. Cách đây vài ngày, trên cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội), một chiếc xe buýt đã đi chiếm hết làn đường của xe máy, khi bị một người dân nhắc nhở yêu cầu đi đúng đường, cả lái xe và phụ xe hùng hổ cầm tuýp sắt xuống đường vụt túi bụi vào người này. Ứng xử kiểu như vậy làm sao được gọi là văn hóa xe buýt?
Thế còn phía hành khách thì sao? Trở lại câu chuyện nhóm côn đồ hành hung nữ phụ xe buýt. Theo tài liệu điều tra, nhóm thanh niên này nói chuyện to, có những lời lẽ thô tục làm mất trật tự, trêu ghẹo lái xe và nữ phụ xe buýt. Sự việc làm ảnh hưởng đến các hành khách khác nên chị H. là phụ xe nhắc nhở. Lúc này, một đối tượng xông vào đạp vào người chị H. Bị chị phản ứng lại, 3 người trong nhóm thanh niên tiếp tục xông vào đánh nạn nhân chấn thương. Chị H. được đưa đến bệnh viện đa khoa Vân Đình rửa vết thương rồi lên công an trình báo...
Ngoài vụ việc nêu trên thì vẫn có những trường hợp nhiều hành khách thiếu ý thức: nhổ bã kẹo cao su xuống sàn xe, vứt vỏ chai nước vào gầm ghế, khi xe vắng khách ngồi gác cả chân lên ghế phía trước… rồi có cả những “gã đàn ông” có hành vi, lời nói quấy rối, sàm sỡ hành khách nữ...
Tại hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về đề án “Phân vùng hạn chế xe máy, năng lực phục vụ của hệ thống vận tải công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030”, Sở GTVT Hà Nội khẳng định, chỉ đề xuất dừng hoạt động xe máy trong nội thành khi vận tải hành khách công cộng đáp ứng được tối thiểu 60,5% nhu cầu đi lại của người dân. Và để đảm bảo yêu cầu trên, đến năm 2030 sẽ cần khoảng 200 tuyến xe buýt được đưa vào hoạt động.
Để người dân chấp nhận từ bỏ xe máy hay các phương tiện cá nhân khác khi tham gia giao thông thì văn hóa xe buýt cần phải được ưu tiên. Đi kèm với đó là các biện pháp kiểm soát những hành vi móc túi, lừa đảo tại các bến xe, nhà chờ, phát hiện và ngăn chặn những hành vi bạo lực côn đồ với nhân viên nhà xe. Làm sao cho hành khách và nhân viên phục vụ có sự tự tin và thoải mái khi đi xe buýt.
Những hành vi ứng xử văn hóa trong bất cứ loại hình dịch vụ công cộng nào cũng sẽ gây được nhiều ấn tượng với khách hàng hơn là những sự tiện nghi hay tiện lợi khác. Tôi nghĩ như thế!
Xuân An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất