23/01/2023 08:44 GMT+7 | Văn hoá
Cách đây đúng 50 năm, Tết Nguyên đán 1973 (từ ngày 3/2 Dương lịch) đến với nhân dân Việt Nam trong một bối cảnh rất đặc biệt: Ngày 27/1 trước đó, Hiệp định Paris lịch sử đã được ký kết. Để nhớ lại sự kiện đặc biệt này, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha.
1. Sau chiến dịch Quảng Trị 1972, đơn vị tôi ra an dưỡng và huấn luyện ở Phú Hòa (Lệ Thủy, Quảng Bình). Ngày an dưỡng đầu tiên, bọn tôi mua rất nhiều rau muống, luộc đầy một cái thúng, làm một xoong 12 nước chấm bằng thịt hộp, muối và mì chính. Cứ thế, ăn rau muống luộc thay cơm vì mấy tháng trong chiến dịch chỉ ăn rau rừng, bữa có, bữa không.
Tuy ra Quảng Bình, nhưng ngày nào cũng nghe máy bay Mỹ ì ầm, tiếng bom đâu đó, xa gần. Song những ngày cuối tháng 12/1972, tự nhiên im bặt tiếng máy bay, tiếng bom. Nghe đài mới biết, Mỹ dồn toàn bộ không lực để đánh phá Hà Nội, Hải Phòng - mà chủ yếu là Hà Nội. Sau này, truyền thông gọi 12 ngày đêm chống trả B52 ở Hà Nội là trận "Điện Biên Phủ trên không". Trận chiến kết thúc vào ngày cuối tháng 12/1972.
Tết Dương lịch 1973 đã đến. Trời hiu hắt. Quảng Bình lộng gió biển. Nước trên con hói mênh mông. Vậy là năm 1973 đã hiển hiện. Đâu đó, thay tiếng máy bay gầm rú là tiếng máy cày trên cánh đồng. Chúng tôi quây quần với nhau trong căn nhà của dân để "tống cựu, nghênh Xuân".
Chúng tôi gồm có tôi, nhà thơ Anh Ngọc, họa sĩ Duy Độ và ông bạn Đặng Khắc Tăng cùng tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật thông tin liên lạc, cùng nhập ngũ, cùng về một đơn vị với tôi. May quá, kiếm được cây guitar ở kho tuyên huấn đơn vị. Thế là chúng tôi bên nhau hát thâu đêm, vừa hát mừng Hà Nội chiến thắng, vừa nhớ lại những mùa Xuân đã qua và hy vọng mùa Xuân đang đến.
Vui cùng chúng tôi có 2 cô giáo dạy cấp 1 ở Phú Hòa. Các cô vừa đẹp, vừa hòa đồng, khiến cuộc vui đã vui lại thêm vui. Anh Ngọc cao hứng đọc bài thơ mới: "Cách nhau một giấc ngủ thôi/ Đã thành năm ngoái xa vời chuyện xưa/ Rừng đêm trong phút Giao thừa/ Cành phong lan với đã vừa tầm tay". Sở dĩ có ngẫu hứng này là vì ngày 31/12/1972 chúng tôi vào rừng lấy củi, ngủ đêm trong rừng, mãi trưa 1/1/1973 mới về lại đơn vị.
Anh Ngọc hơn tôi mấy tuổi. Anh tốt nghiệp tổng hợp văn, về dạy văn ở Đại học Thương nghiệp và nhập ngũ ngày 6/9/1971 từ đấy, đầu năm 1972 thì về cùng đơn vị với tôi. Anh là người thầy dạy tôi làm thơ, sau thầy Thúc Hạ dạy từ hồi phổ thông.
Chúng tôi cứ thế đọc thơ và hát say sưa. Hát những bài hát mùa Xuân của Việt Nam và của thế giới. Nhiều nhất là bài hát Nga, bằng tiếng Nga. 2 cô giáo Quảng Bình cứ tròn xoe mắt nghe chúng tôi hát tiếng Nga, tiếng Pháp. Có lẽ lần đầu tiên, các cô cùng đón Tết với những người lính hơi dị biệt thế này.
2. Sau Tết Dương lịch, không khí hòa bình ngày càng tới gần. Trong nhật ký, tôi viết về ngày 16/1/1973 bằng cả cảm xúc sau khi nghe tin ngừng ném bom.
"Ngày hòa bình đầu tiên đến với mình thật khó tả. Mình cảm thấy muốn hát, muốn bay, muốn lâng lâng triền miên trong trạng thái tự do. Ôi! Hòa bình! Tiếng dịu dàng từ bao đời, từ mấy chục năm nay đã trở thành niềm khao khát cháy bỏng trong từng con người, là ước mơ rạo rực hơn bất cứ tình yêu nào. Hòa bình! Tiếng thân yêu của từng xóm nhỏ, mảnh đất từng đau đớn, rực lửa với những vết thương hằn sâu trong trái tim. Hòa bình trở về bất ngờ quá… Mùa Xuân nữa, mùa Xuân trở về trong những tiếng xe reo, trên những con đường, trên những mái đầu xanh tuổi trẻ. Dù thời gian cứ trôi qua. Mùa Xuân 1973 mãi trong tim ta. Những bà mẹ soi gương xem hốc mắt mình chất chồng bao đau thương ngày cũ. Đêm nay, có những người lên nằm trong căn nhà thân yêu mà bao năm tuy ở bên cạnh, nhưng toàn chui dưới hầm mà không dám lên, mà thèm có một ngày như đêm nay. Giờ đây, ngày hòa bình đầu tiên trở lại, mình cũng đang ở Quảng Bình - địa đầu của miền Bắc. Cuộc sống ơi! Tôi yêu người" .
Còn Anh Ngọc thì lại viết nhật ký như sau:
"Ngày 24/1/1973
Phú Hòa - Lệ Thủy - Quảng Bình
Đây là một trong những ngày có lẽ không bao giờ quên trong đời mình. Tất cả mọi thứ chờ đợi đều đã chín muồi nhất và trong một buổi sáng đã được trả lời: Toàn dân tộc và cá nhân mình. Đài chính thức đưa tin ta và Mỹ đã ký kết Hiệp định đình chiến, đến ngày 27/1 thì ký chính thức. Sự kiện này vĩ đại vô cùng. Đó là gần 20 năm máu, nước mắt, mồ hôi, là bao nhiêu nấm mộ và những phần trong cơ thể con người, bao nhiêu bi kịch dằng dặc… Và bây giờ, câu giải đáp đã thích đáng: Chúng nó thua! Mặc dù tình hình sẽ còn vô cùng phức tạp. Nhưng chúng nó đã thua và sẽ thua. Cảm ơn nhân dân! Cảm ơn Tổ quốc! Cảm ơn quân đội đã cho mình được sống những phút đẹp đẽ này, đã được đứng trong đội ngũ những người chiến thắng trở về! Hạnh phúc vô cùng! Đã có tin điện thoại gọi mình và thằng bạn (họa sĩ Duy Độ - N.T.K) về Hà Nội gấp!? Kỳ diệu quá. Sao lại đúng lúc đến thế? Không biết nữa. Cuộc sống đã dàn xếp ra sao? Một ngày trở về rất lý tưởng, xứng với chuyến ra đi. Mở ra và khép lại cả một cuộc chiến tranh lớn của nhân dân.
Quảng Bình nắng ấm, ngày mai gió mùa nữa, nhưng hôm nay trời đẹp. Gió xạc xào trong lũy tre. Ta sắp xa nó rồi, một xứ sở đã vĩnh viễn nằm trong tâm hồn ta. Ngày trở về sim chín tím môi em!...".
Sở dĩ tôi đưa đoạn nhật ký này của Anh Ngọc vào bài viết vì lúc ấy, tôi và Anh Ngọc đều đang ở cùng nhau trên đất Phú Hòa (Lệ Thủy, Quảng Bình). Và nhật ký thì được Anh Ngọc vừa ấn hành tại Nhà xuất bản Văn học.
3. Ngày ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973) cũng là ngày chúng tôi chia tay nhau. Anh Ngọc và Duy Độ đều ra Hà Nội. Anh Ngọc về báo Quân đội nhân dân. Duy Độ về xưởng họa quân đội. Còn tôi và Tăng thì ở lại đơn vị. Chúng tôi coi đêm chia tay nhau là đêm đón Tết sớm. Người đón gặp gỡ Hà Nội. Người được chia tay và ở lại.
Tôi đã viết khoảnh khắc ấy trong nhật ký như sau:
"28 - 29/1/1973
Thế là chia tay thực rồi. Đêm qua, trong căn hầm đào xén vào con đường đắp nổi ven đường tàu hỏa giờ vắng lặng, chúng mình đã nói với nhau nhiều chuyện và cất tiếng hát. Không biết Tản Đà khi xưa trên chuyến tàu đi qua đây vào Sài Gòn, có bao giờ nghĩ rằng sau khi mình mất đi bao nhiêu năm, con người lại đào vào đường tàu mà làm nhà, làm nơi trú ẩn. Và đêm qua, đường tàu đã cất tiếng nói của mình. Chúng mình ôm nhau trong đêm tối mờ mịt của những ngày cuối năm Âm lịch. Mình quờ quạng tìm tay Anh Ngọc gấp gáp như chới với, lạnh lẽo tìm thấy nơi sưởi ấm. Các bạn có đang nghĩ về tôi không? Tôi đang nghĩ về các bạn đấy. Gió về nhiều, không khí mùa Xuân đã rõ rệt".
Còn Anh Ngọc, trong nhật ký vừa ấn hành cũng nói về đêm ấy đầy mến thương:
"Đêm 28/1, mình và Duy Độ ra ngủ trong một căn hầm dưới đường tàu Phú Hòa, để hôm sau lên ô tô sớm. Kha (Nguyễn Thụy Kha) và Tăng ra, 4 đứa mắc võng trên cứt bò (căn hầm này dân dùng để nhốt bò - N.T.K) hát với nhau mãi. Chia tay nhau lưu luyến vô cùng. Thương các bạn vô hạn…".
Mãi đến đúng Giao thừa, Anh Ngọc và Duy Độ mới về tới Hà Nội. Còn tôi và Tăng ăn Tết ở Quảng Bình.
Từ khi đi học đại học và nhập ngũ, tôi có nhiều Tết xa nhà. Tết 1967 do chiến tranh phá hoại lan rộng, tôi ăn Tết ở Cẩm Khê (Phú Thọ), nơi trường Đại học Kỹ thuật thông tin của tôi sơ tán. Tết 1968, tôi lại về ăn Tết với các anh, chị ở Hà Nội chứ không về nhà ở Hải Phòng. Năm 1972, tôi ăn Tết tại sư đoàn 325 ở Thượng Lan, Bắc Giang (khi ấy là Hà Bắc - N.T.K). Tết 1973, tôi ăn Tết ở Phú Hòa (Quảng Bình).
Đêm Giao thừa sau khi quây quần cùng anh em đơn vị đón năm mới, chúng tôi ai về nhà nấy để vui cùng chủ nhà. Ôi! những mùa Xuân thơ ấu, những mùa Xuân yêu thương nồng nàn. Tất cả đã trôi vào dĩ vãng, dồn lại thành ký ức. Tôi ngẫu hứng mấy câu thơ: "Vẫn biết đêm nay là đêm Giao thừa/ Vẫn biết đêm nay trừ tịch trời tối/ Sao phương trời xa vẫn có vầng trăng rọi/ Trăng của ước mong hay trăng trong lòng ta".
Chiều mồng 1 Tết, lính kéo nhau ra sân bóng chuyền dựng tạm ở đồng ruộng thi đấu với nhau cho đỡ buồn xa nhà. Sang mồng 3 Tết, đội khảo sát thông tin của tôi bắt đầu lên đường đến thượng nguồn sông Long Đại. Một đường tuyến mới được vạch ra ở đường 16. Ngày hôm sau, chúng tôi lại đến km số 0 đường 14. Dọc đường, thấy lính bộ binh hành quân vào nhiều. Toàn lính Hà Nội trẻ, đẹp trai quá. Những bếp Hoàng Cầm còn vương khói. Những bãi khách ồn ào chia tay, gặp gỡ. Rồi những bài hát của những tù binh Quảng Trị năm 1972 được vang lên trên Đài tiếng nói Việt Nam, nghe thấy trong đấy có cả tiếng nấc của sự hối hận.
Ngày hôm sau, chúng tôi lại đến thượng nguồn Rào Thanh, nơi bắt đầu 2 con sông Bến Hải và Sê Băng Hiên. Sông Bến Hải thì chảy xuôi ra biển Đông ở cửa Tùng. Còn sông Sê Băng Hiên thì lại chảy sang Lào, nhập vào sông Mê Kông và chảy sang Việt Nam thành sông Cửu Long trước khi chảy ra biển Đông ở phía cực Nam của đất nước. Ở ngay tại thượng nguồn này, có một trạm thông tin mang biệt danh là A30. Tôi đã gặp Kim học cùng đại học và cùng nhập ngũ. Kim là lính bảo vệ đường dây của trạm. Tết 1973 là lúc ta âm thầm chuẩn bị cho thử thách mới như giai điệu Đường chúng ta đi đang vang lên khắp không gian.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất