Người lộ tin mật tình báo Mỹ: Đâu là con đường thoát thân?

13/06/2013 08:05 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Edward Snowden, cựu nhân viên Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) làm lộ ra các tài liệu tuyệt mật về chương trình giám sát điện thoại và Internet mang tên Prism gây chấn động dư luận, có ít sự lựa chọn cho tương lai, trong bối cảnh nhà chức trách Mỹ đang tìm cách khởi tố và trừng phạt anh.

Trong ngày 12/6, hành tung của Edward Snowden vẫn chìm trong vòng bí ẩn, kể từ khi anh lặng lẽ rời khỏi khách sạn Mira ở Hong Kong (Trung Quốc). Tuy nhiên các bức ảnh lớn chụp gương mặt anh đã xuất hiện trên nhiều tờ báo của Hong Kong, với các tựa đề như "Người bị săn lùng gắt gao nhất phá vỡ vỏ bọc ở Hong Kong".

Nguy cơ bị dẫn độ

Việc báo chí đưa tin như thế sẽ làm tăng lên khả năng Snowden bị nhận diện, dù rằng anh vẫn có thể trộn lẫn vào hàng chục ngàn người nước ngoài tới từ Anh, Mỹ, Australia và châu Âu đang sống ở đặc khu hành chính. Các nhà quan sát tin rằng Snowden hiện vẫn đang ở lại một ngôi nhà tư ở Hong Kong để tránh khỏi sự tò mò của dư luận.

Nhưng khoảng thời gian lặng sóng này của Snowden sẽ không kéo dài lâu. Nếu Bộ Tư pháp Mỹ khởi tố anh, bước tiếp theo mà họ sẽ làm là yêu cầu Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đưa ra yêu cầu dẫn độ chính thức với phía Hong Kong để bắt anh về. Giả dụ khi đó Snowden vẫn ở Hong Kong, tiến trình xử lý yêu cầu dẫn độ có thể kéo dài tới cả năm trời.

Một khi đã xong, sẽ phụ thuộc vào việc lãnh đạo đặc khu hành chính Hong Kong quyết định có nên giao Snowden hay không. "Về cơ bản chuyện sẽ phụ thuộc vào trưởng đặc khu" - luật sư chuyên về dẫn độ ở Hong Kong là Michael Blanchflower nhận xét.

Nhưng ngay cả khi lãnh đạo đặc khu cho phép dẫn độ, Snowden vẫn có thể yêu cầu xem xét lại tiến trình xử lý và các quyết định dẫn độ có thể bị chống lại tại 3 cấp tòa án Hong Kong. Điều này diễn ra bởi dù là khu tự trị của Trung Quốc, Hong Kong vẫn có hệ thống tư pháp độc lập dựa trên cấu trúc của hệ thống tòa án Anh.

Khả năng chống dẫn độ hạn chế

Nếu muốn, Snowden có thể tuyên bố anh sẽ bị ngược đãi khi về nước và dựa vào đó  để chống lại việc dẫn độ. Anh có thể viện lý do mình sẽ bị đối xử tàn tệ và nhục mạ nhân phẩm nếu về Mỹ. Hong Kong đã thay đổi quy định cách đây 6 tháng, trong đó yêu cầu tòa án xem xét việc ai đó có thể bị đối xử tàn tệ, bị nhục mạ nhân phẩm chứ không chỉ tính tới việc tra tấn làm lý do từ chối dẫn độ.

Tuy nhiên chiến lược này có những rủi ro đáng kể, bởi Mỹ chỉ cần cung cấp sự đảm bảo về mặt ngoại giao rằng Snowden sẽ không bị ngược đãi hoặc nhục mạ nhân phẩm là trở ngại sẽ không còn. "Sau khi Mỹ làm thế, Hong Kong sẽ khó chống lại việc trục xuất Snowden" - Patricia Ho, một luật sư Hong Kong chuyên về tị nạn cho biết.

Nhưng Snowden vẫn còn một lựa chọn nữa là đi tới một điểm đến khác ngoài Hong Kong. Anh hiện không bị cấm xuất cảnh Hong Kong do không phạm tội gì ở đây. Từ Hong Kong, anh có thể tới một số nước không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ.

Một trong những quốc gia châu Á không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ là Trung Quốc, song có ít khả năng Bắc Kinh muốn gây căng thẳng với Mỹ khi chấp nhận cho Snowden tị nạn. Bắc Kinh sẽ khó đón nhận Snowden, ngay cả khi họ có thể thu được nhiều tin tức tình báo giá trị nhờ việc này. Bản thân Snowden cũng tuyên bố rõ rằng anh sẽ không hợp tác với bất kỳ lực lượng tình báo nào, kể cả tình báo Trung Quốc.

Báo chí Trung Quốc hiện cũng đưa tin khá ít về vụ Snowden.

Những đích đến ngoài Hong Kong

Một điểm đến nữa tại châu Á cho Snowden là vùng lãnh thổ Đài Loan, vốn chưa có quan hệ ngoại giao chính thức từ Mỹ.

Theo một hiệp ước dẫn độ chính thức, đề nghị dẫn độ từ phía Mỹ gửi tới Đài Loan sẽ được xử lý riêng từng trường hợp. Tuy nhiên một quan chức tại cơ quan ngoại giao Mỹ ở Đài Bắc đề nghị giấu tên nói rằng Đài Loan vẫn thường hợp tác với Mỹ trên vấn đề dẫn độ".

Ngoài ra nếu Snowden tới Đài Loan, vấn đề sẽ trở nên hết sức nhạy cảm với nhà lãnh đạo hòn đảo là ông Mã Anh Cửu, người hiện đang làm tốt nhất có thể để tăng cường quan hệ với Trung Quốc Đại lục, trong khi tiếp tục tìm cách giữ quan hệ chặt chẽ với Mỹ, nước ủng hộ chính về an ninh cho hòn đảo. Một quan chức tại cơ quan tư pháp Đài Loan tuyên bố hôm 11/6 rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Snowden sẽ tìm cách tới hòn đảo.

Ngoài việc bay khỏi Hong Kong, Snowden có thể dùng phà tới Macau, cũng là một khu tự trị của Trung Quốc. Từ Macau, anh có thể tới tỉnh Quảng Đông ở Trung Quốc. Ngoài ra, về mặt lý thuyết Snowden cũng có thể tới một số nước khác trong khu vực này chưa có hiệp ước dẫn độ với Mỹ.

Ngoài châu Á, Snowden cũng có thể xin tị nạn ở Iceland và Nga. Mặc dù theo tờ Kommersant Daily, Moskva đã đề nghị cung cấp quy chế tị nạn cho Snowden, cũng có ít dấu hiệu cho thấy anh sẽ tới nước này.


Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm