22h00 ngày 14/4, Chelsea - Manchester City: Con đường thành công & Diệt vong

14/04/2013 07:32 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Lần gần nhất hai đội gặp nhau ở FA Cup là vào năm 1971, trên mặt sân còn lầy lội bùn và chưa có ông tỷ phú nào nhúng tay vào bóng đá, Chelsea đã đánh bại Manchester City 3-0. Hơn 40 năm sau, Stamford Bridge trở thành nơi tranh đấu giữa hai CLB lắm tiền nhất của bóng đá Anh.

40 năm trước, Chelsea và Man City đang sống trong giai đoạn thành công. Đội bóng London vô địch FA Cup năm 1970, và giành danh hiệu châu Âu đầu tiên trong lịch sử của họ một năm sau, Cúp C2 năm 1971, sau khi đánh bại Real Madrid trong trận chung kết tại Athens. Man City trở thành đội bóng Anh thứ hai trong lịch sử đoạt cú đúp châu Âu (Cúp C2) và trong nước (Cúp Liên đoàn) trong cùng năm 1970.

Cả hai đã từng giành được thành công, nhưng không nắm được chìa khóa thành công. Cuối thập niên 1970 vắt sang thập niên 1980, dự án mở rộng Stamford Bridge đã đẩy Chelsea xuống vực thẳm: Các ngôi sao lần lượt bị bán đi, và đội bóng xuống hạng. Năm 1982, Chelsea bị bán cho ông chủ Ken Bates với giá tượng trưng là 1 bảng Anh.

Man City đã xuống hạng hai lần trong thập niên 1980 (vào các năm 1983 và 1987), và lụn bại cực điểm vào cuối thập niên 1990: Năm 1996, họ xuống hạng, và sau hai năm chơi ở giải hạng Nhất, City trở thành đội bóng Anh đầu tiên từng đoạt Cúp châu Âu trong lịch sử bị rớt xuống hạng Ba.

Thành công đến từ đâu?

4 -  Đây mới là lần thứ 4 họ gặp nhau ở FA Cup. Chelsea thắng 1-0 ở vòng 3 năm 1915 trên đường đến chung kết, Man City thắng 2-0 ở vòng 4 năm 1948 và 3-0 ngay trên sân khách cũng ở vòng 4 năm 1971

10 - Chelsea đang hướng đến chiến thắng thứ 10 ở trận bán kết FA Cup thứ 12 trong lịch sử của họ

146 -  Kể từ lần chạm trán đầu tiên vào năm 1907, hai đội đã gặp nhau cả thảy 146 lần, trong đó Chelsea thắng 61, hòa 37 và thua 48 trận.

Rất nhiều đội bóng thành công mà không thể giữ được thành công, thậm chí là đang tồn tại với hình hài quá thảm hại so với thành công trong quá khứ. Nottingham Forest, nhà vô địch Cúp C1 hai năm liên tiếp 1979 và 1980, kết thúc mùa trước với vị trí 19/24 đội ở giải hạng Nhất Anh, và mùa này đang tranh chấp một vị trí play-off lên chơi ở Premier League. Hoặc bây giờ, liệu ai còn nhớ rằng Aston Villa, hiện chỉ cách tốp xuống hạng 3 điểm, đã từng vô địch Cúp C1 cách đây ba thập niên (1982)? Ở Pháp, St. Etienne và Nantes, những đội bóng giàu truyền thống bậc nhất của bóng đá xứ lục lăng, cũng để lịch sử phủ bụi quá lâu.

Ở những đội bóng ấy, phương pháp thành công đã bị "thất truyền". Và lịch sử cũng cho thấy rằng các đội bóng giàu truyền thống thực sự đều hệ thống được các phương pháp thành công, rồi kiên định duy trì các phương pháp ấy. Bayern Munich luôn là đội bóng được tổ chức tốt, kỷ luật, và không cá nhân nào được phép đứng trên đội bóng. Barcelona lấy đào tạo cầu thủ làm cốt lõi, và thành công hiện tại cũng được tạo ra dựa trên một triết lý được phát triển gần 3 thập niên. Manchester United là một đội bóng với kết cấu chặt chẽ được tạo ra bởi Sir Alex Ferguson, HLV có tài hoạch định chiến lược có lẽ là vĩ đại nhất mọi thời.

Man City và Chelsea chưa tưởng tượng được ra thành công đến với họ bằng cách nào, ngoài tiền. 30 năm sau, chức vô địch Champions League mùa trước của Chelsea hoàn toàn có thể bị lãng quên. Nếu các ông chủ không còn hứng thú với bóng đá, cả hai có thể lụn bại nhanh không kém những gì đã diễn ra 3 thập kỷ trước.

Man City đang tìm phương pháp

Chức vô địch nghẹt thở và may mắn mùa trước chưa phải là bàn đạp cho những vinh quang sau này của Man City, vì họ chưa thật sự hiểu chính bản thân mình, và con đường nào đã dẫn bản thân đến vinh quang. Đó chỉ là một đội hình ngôi sao được lắp ghép và bùng nổ trong một mùa bóng, nhưng sau đó là sự trống rỗng: Đội bóng này không có một lò đào tạo để nuôi dưỡng những người trẻ, không có một màu áo đủ thắm để nuôi dưỡng sự tự hào và không có cả chuẩn mực để phân biệt đúng sai trong mỗi bước đi của họ.

Nhưng cho đến mùa bóng này, thì Man City đang cố tạo ra một con đường để thành công. Họ đưa về hai cựu Giám đốc thể thao của Barca, ký một hợp đồng tên sân trong 10 năm với hãng hàng không Etihad và bắt đầu kinh doanh bài bản, trong khi rút bớt số tiền đầu tư vào thị trường chuyển nhượng.

Chelsea: Sa thải HLV là phương pháp

Đó là phương pháp mà ông chủ Abramovich tin tưởng và hành động theo nó một cách rất lạnh lùng trong 10 năm qua. Và có lẽ cũng vì thế, mà Chelsea trở thành một chuyên gia gặt Cúp, với 4 FA Cup, 2 Cúp Liên đoàn, 2 Community Shield, 1 Champions League chỉ trong 8 năm: Các HLV luôn phải chịu áp lực khủng khiếp của giá treo cổ ngay cạnh khu kỹ thuật đã làm mọi cách để kích thích tối đa "kỳ trăng mật" của họ với đội bóng, qua đó tạo ra rất nhiều thành công ngắn hạn, rồi quá trình suy sụp lại bị ngăn cản bằng việc bổ nhiệm một HLV mới.

Nhưng cũng vì thế, sử dụng cầu thủ trẻ là điều xa xỉ, và cố tạo một phong cách cho đội là điều mạo hiểm nhất. Sau 10 năm, Chelsea có thành công, nhưng "phương pháp" quái gở của họ không thể được coi là con đường chân chính để tạo ra thành công, vì nó làm tổn thương quá nhiều giá trị của bóng đá.

Chiếc Cúp mùa này có thể sẽ lại là của Chelsea, một chuyên gia các giải Cúp. Nhưng trong hai đội nhà giàu này, tương lai của Man City sáng sủa hơn, và bền vững hơn. Họ đang tìm con đường thành công, còn Chelsea chỉ tránh quá trình diệt vong.

Dự đoán: 2-1

Phạm An


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm