Walcott chính thức gia hạn hợp đồng: Cuối cùng, Arsenal cũng chấp nhận "chịu chơi"

19/01/2013 07:09 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Sau khi chứng kiến hàng loạt ngôi sao lần lượt ra đi, Arsenal đã phải thay đổi chính sách, chấp nhận "chịu chơi", chi tiền để ngăn chặn tình trạng này. Hôm qua, họ đã thành công giữ chân Theo Walcott khi ký hợp đồng mới có thời hạn 3 năm rưỡi.

Tiến trình đàm phán hợp đồng mới với Walcott đã kéo dài suốt 1 năm qua. Không biết bao nhiêu lần, các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán và không thể tìm thấy tiếng nói chung.

Rất nhiều vướng mắc khác nhau. Ở khía cạnh chuyên môn, Walcott muốn được HLV Arsene Wenger sử dụng ở vị trí trung phong thay vì chạy cánh phải. Ở khía cạnh tài chính, anh không đồng ý mức lương đề nghị từ phía BLĐ Arsenal. Walcott muốn được nhận 100 nghìn bảng/tuần trong khi Arsenal nhiều lần khẳng định lập trường chỉ trả 75 nghìn bảng/tuần.

Ở thời điểm sắp mất Walcott, khi hợp đồng hiện tại sẽ hết hạn vào mùa Hè 2013, Arsenal đành phải nhượng bộ. Theo hợp đồng mới ký kết, yêu cầu về lương của Walcott đã được đáp ứng, tức 100 nghìn bảng/tuần. Bên cạnh đó, Arsenal phải trả cho anh số tiền lót tay 3 triệu bảng. Như vậy, khi hợp đồng có thời hạn 3 năm rưỡi kết thúc, Arsenal tổng cộng trả cho Walcott 20 triệu bảng.

Walcott đã trở thành cầu thủ hưởng lương cao nhất ở Arsenal sau khi ký hợp đồng mới, là cầu thủ thứ 2 trong lịch sử Arsenal nhận lương 100 nghìn bảng/tuần trở lên. Trước đó là huyền thoại Thierry Henry, vốn được trả 110 nghìn bảng/tuần trước khi tìm đến Barcelona vào mùa Hè 2007.

Không thể để Walcott ra đi

Sự ra đi của Henry năm ấy đã mở đầu cho cuộc tháo chạy rầm rộ khỏi Emirates. Hàng loạt ngôi sao không chịu chấp nhận mức lương "trung bình" ở Arsenal, tìm đến các CLB lớn hơn để thu về số tiền khổng lồ. Từ Mathieu Flamini, Alexander Hleb đến Emmanuel Adebayor, Kolo Toure. Trong vòng hai mùa Hè, Arsenal đã mất đến 5 trụ cột vì vấn đề tiền bạc. Vào mùa Hè 2011 là Cesc Fabregas, Samir Nasri và Gael Clichy. Mùa Hè vừa qua là Robin van Persie và Alex Song.

Trong số đó, sự ra đi của van Persie đã làm phát sinh mâu thuẫn ở nội bộ BLĐ Arsenal. Một số cổ đông lớn đã lên tiếng chỉ trích chính sách hiện tại, bày tỏ sự lo ngại về tương lai của đội bóng khi họ không thể giữ chân những cầu thủ quan trọng nhất. Robin van Persie liên tục được lấy ra làm dẫn chứng cho những vấn đề tồn tại ở Arsenal. Tiền đạo người Hà Lan vốn là thủ quân, là linh hồn, là cây làm bàn của Arsenal. Nhưng họ đã không thể giữ được chân anh, phải bán anh cho M.U, để rồi kình địch một thời của Arsenal như "hổ mọc thêm cánh". Van Persie ấy đang thi đấu thăng hoa ở M.U, hiện vẫn là chân sút số 1 của Premier League, nhận mức lương khủng lên đến 250 nghìn bảng/tuần và đội bóng của anh đang dẫn đầu BXH.

Khi quyết định ra đi của van Persie, cộng với trường hợp của Nasri và Clichy, được xem là đúng đắn, nguy cơ những ngôi sao còn lại tìm cách tháo chạy khỏi Emirates là có thật. Và sự thực, Theo Walcott suýt theo bước van Persie. Hàng loạt đại gia ở Premier League muốn có anh. Từ Old Trafford, M.U đã đánh tiếng, muốn Walcott thay thế cầu thủ chạy cánh đang thi đấu thất vọng ở mùa này là Nani. Dù không giàu có, Liverpool đủ sức đáp ứng yêu cầu về lương của Walcott nếu anh ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do. Chelsea cũng muốn có Walcott khi anh vừa đá được tiền đạo, vừa rất hiệu quả ở vai trò chạy cánh. Và như thường lệ, Man City sẵn sàng trải thảm đỏ chào đón ngôi sao của Arsenal, như từng xảy ra với Emmanuel Adebayor, Kolo Toure, Samir Nasri và Gael Clichy.

Trong bối cảnh ấy, Arsenal hiểu rằng họ phải thay đổi chính sách, phải giữ chân Walcott bằng mọi giá. Ở Arsenal hiện tại, Walcott được xem là ngôi sao lớn nhất, cầu thủ quan trọng nhất, vừa là chân sút số 1, vừa là cây kiến tạo tốt bậc nhất. Mà thực ra, mức lương 100 nghìn bảng/tuần là quá bình thường ở Premier League hiện tại.

Đ.LỘC
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm