21/10/2012 13:21 GMT+7
(TT&VH) - HLV trưởng Roberto Di Matteo đã chính thức công khai thừa nhận rằng John Terry đã khiến cho “bản thân anh và cả đội bóng bị tổn hại”, nhưng tước băng đội trưởng của anh là điều mà Chelsea không dám làm. Cho dù có là một con quỷ dữ đi chăng nữa, thì anh ta vẫn là một thủ lĩnh không thể thay thế.
Terry vẫn không thể thay thế được tại Chelsea - Ảnh: Getty
Bóng đá Anh có không ít những “con quỷ dữ” như thế
Mùa giải 1995-1996, Eric Cantona tung một cú kung-fu vào người một CĐV ngay khi trận đấu giữa Manchester United và Crystal Palace đang diễn ra. Anh bị cấm thi đấu 8 tháng trên toàn thế giới, nộp phạt 10 nghìn bảng và lao động công ích 120 giờ.
Cú song phi ấy là một hành vi thậm phi thể thao, nhưng không ai đề cập đến việc tước băng đội trưởng của Cantona.
Trận tranh Cúp Charity Shield năm 1974, Kevin Keegan (Liverpool) lao vào choảng nhau công khai với Billy Bremmer (Leeds). Cả hai lập tức bị đuổi khỏi sân, nhận án treo giò 10 trận cho mỗi người. Một trong những vụ đánh nhau tai tiếng bậc nhất của bóng đá Anh.
Hai năm sau, Kevin Keegan trở thành đội trưởng đội tuyển Anh. Điều thú vị là cầu thủ đã đánh nhau với Keegan hôm ấy, Bremmer, lại là… đội trưởng của Leeds.
Derby Manchester mùa 2001-2002, Roy Keane đạp gãy chân Alf-Inge Haaland của Manchester City, khiến anh này sau đó phải tuyên bố giải nghệ sớm. Điều đáng nói là trong cuốn tự truyện của mình, Keane còn trơ tráo viết rằng anh đã chờ giây phút “trả thù” ấy từ lâu, vì một lần bị Haaland làm cho chấn thương. Keane bị FA phạt 150 nghìn bảng và treo giò 5 tuần.
Cũng không ai đề cập đến việc tước băng đội trưởng của nhân cách thấp kém ấy. “Con quỷ dữ” của M.U còn đoạt thêm một chiếc Cúp Premier League và một FA Cup nữa với tư cách là thủ quân của đội áo đỏ. Keane sau này chửi HLV Mick McCarthy khi cùng đội tuyển Ireland dự World Cup 2002, lập tức bị đuổi về nước và tuyên bố từ giã đội tuyển ngay thời điểm ấy. Nhưng thật nực cười là 2 năm sau, HLV Brian Kerr lại gọi anh trở lại, thậm chí còn trao cho Keane băng đội trưởng.
Dưới sự cầm đầu của quỷ dữ
Đó giống như một sự đánh đổi. Ngay sau khi mãn án treo giò và trở lại, Cantona đã ghi bàn duy nhất giúp M.U đánh bại Liverpool trong trận chung kết FA Cup 1996. Tên tuổi của Keegan và Keane gắn liền với giai đoạn vàng son bậc nhất trong lịch sử Liverpool và M.U. Những khoảnh khắc mà quỷ dữ xâm chiếm không thể phủ nhận đi bản lĩnh dẫn đầu của họ. Thậm chí, để là thủ lĩnh, bạn cũng phải là một con quỷ dữ.
John Terry quá quen với việc phải đá trong áp lực khủng khiếp ngoài sân cỏ. Minh chứng gần nhất: Khi vụ phân biệt chủng tộc đã treo trên đầu trung vệ này một lưỡi gươm, thì anh vẫn điềm tĩnh ra sân và chơi một trận tuyệt hay giúp Chelsea đánh bại Arsenal 2-1 ngay tại Emirates. Ở ngoài sân cỏ, anh có thể là một gã lọc lừa, đàng điếm, lưu manh và láu cá. Nhưng Terry vẫn là đội trưởng tuyệt vời nhất của Chelsea, khi con quỷ dữ trong nhân cách biến thành một trung vệ đầy bản lĩnh, lì lợm, sắt đá và không bao giờ chịu thua cuộc.
Bạo lực và phân biệt chủng tộc là những vấn nạn lớn của bóng đá và những kẻ vi phạm cần phải bị lên án, nhưng các đội bóng và các HLV của họ thường sẵn sàng chấp nhận một kẻ dẫn đầu vi phạm vào các quy tắc đạo đức nhưng vẫn giữ được vai trò “cầm đầu” trên sân. Nhân cách tốt là hoàn hảo, nhưng khi trái bóng là nơi trả lời tất cả và đôi khi có thể dập tắt mọi chỉ trích, thì một chiếc băng đội trưởng chỉ có thể bị tước khi người đeo nó hoàn toàn vô dụng, không còn được tín nhiệm và không còn bảo ban được ai cả.
Chúng ta đã từng nhìn thấy một cựu đội trưởng “hét ra lửa” bị ruồng bỏ. Michael Ballack từng là một thủ lĩnh không thể chối cãi của đội tuyển Đức, quát ai là người ấy phải sợ. Nhưng cho đến khi anh bị Podolski bạt tai và cả nền bóng đá Đức bắt đầu chuyển mình sang tư tưởng tấn công, phủ nhận phần nào sức mạnh tinh thần truyền thống, thì Ballack lập tức bị bỏ rơi. Thời điểm ấy, khi cơ thể liên tục dính chấn thương và không còn được tín nhiệm, Ballack buộc phải ra đi.
Tương tự, chỉ cho đến khi Terry thường xuyên sai lầm, hoặc bị một cầu thủ trẻ cãi lại ngay trên sân và không còn là điểm tựa tinh thần cho toàn đội, Chelsea mới có thể tước chiếc băng ấy trong thanh thản. Nếu cả đội Chelsea vẫn vững tâm tiến lên dưới sự cầm đầu của một con quỷ dữ, thì Terry vẫn là không thể thay thế.
Bởi vì băng đội trưởng là câu chuyện của thời thế, không hề thuộc về những phạm trù được ghi trong sách của các nhà đạo đức học.
Phạm An
5. Terry mới chỉ phải nhận 5 thẻ đỏ trong tổng cộng 546 trận đã chơi cho Chelsea tính trên mọi đấu trường. Một trung vệ điềm tĩnh hiếm thấy của bóng đá Anh. 49. Terry còn là một trung vệ ghi bàn rất xuất sắc, nhờ khả năng chọn vị trí và đánh đầu tuyệt vời. Anh đã ghi được 49 bàn cho Chelsea tính trên mọi đấu trường, và tính riêng ở Premier League, con số ấy là 28. 9. Cách đây 9 mùa, Terry được trao băng đội trưởng của Chelsea, kế thừa từ Marcel Desailly. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất