Góc chiến thuật: Chelsea đã phải chơi ‘tiêu cực’ trước Man United

27/08/2013 15:47 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Một trận đấu giữa Man United với Chelsea luôn luôn đáng xem, cho dù nó kết thúc mà không có bàn thắng nào được ghi, đặc biệt là cuộc chạm trán ở Old Trafford đêm qua khi đây là trận đấu lớn đầu tiên của mùa giải. Với David Moyes, đây là trận ra mắt của ông ở sân Old Trafford. Jose Mourinho cũng đã trở lại để giúp Chelsea trở thành đối trọng của Man United. Những đồn đoán xung quanh tương lai của Wayne Rooney, cầu thủ đá hay nhất trận này, cũng khiến cuộc đại chiến thêm phần thú vị. Nhưng quan trọng hơn cả là những khía cạnh chiến thuật từ trận đấu này.

Vai trò của Schurrle

Chelsea không xuất phát với một trong số các trung phong thực thụ của họ. Schurrle là người được đẩy lên đá cao nhất trên hàng công trong vai trò của một “số 9 ảo”. Nhưng Schurrle không phải là một “số 9 ảo” thực thụ về mặt cảm giác bóng. Cầu thủ người Đức rất thường xuyên ở gần với các tiền vệ của United. Đây là một cách nhằm tránh sự quá tải nơi tuyến giữa, và ngăn chặn Carrick xây dựng lối chơi.


Về khía cạnh tấn công, Schurrle được đặt ở vị trí đó bởi tốc độ của Schurrle có thể giúp anh vượt qua được cặp trung vệ của United là Ferdinand và Vidic. Tuy nhiên, trên thực tế, các pha chuyền bổng mà các cầu thủ Chelsea thực hiện cho Schurrle nhằm bứt tốc độ đã không phát huy hiệu quả. Trên thực tế, Schurrle gần như không có bóng trong vùng nguy hiểm trước khung thành De Gea. Hay nói cách khác, việc sử dụng Schurrle của Mourinho gần như chỉ có tác dụng giúp Chelsea chơi chắc chắn hơn, đồng thời phá lối chơi của Man United chứ không phục vụ cho mục tiêu tấn công.

Mourinho đã “cô đặc” tuyến giữa

Như đã đề cập ở trên, một trong những mục tiêu của Mourinho ở trận đấu này là hạn chế các pha bóng sáng tạo của đội chủ nhà bằng một hàng tiền vệ đông đúc. Bên cạnh một Schurrle chơi trong vai trò của một tiền đạo lùi sâu (deep striker), Chelsea thật sự không dâng lên quá nhiều. Họ chơi lùi sâu và các tuyến được duy trì rất gần nhau. Ở tuyến giữa, Oscar, Hazard và De Bruyne bị hạn chế tầm hoạt động bởi họ không được phép hướng lên trên quá nhiều mà phải có trách nhiệm lấp những khoảng trống mà đối phương có thể chuyền bóng vào.

Đó là lý do tại sao trận đấu này chủ yếu tập trung ở khu vực giữa sân.

Cách xây dựng lối chơi của Man United

Man United bắt đầu trận đấu với một biến thể của sơ đồ   4-2-3-1. Trong hai tiền vệ trung tâm, Carrick đá thấp hơn một chút so với Cleverley, người được phép dâng cao tấn công. Welbeck được bố trí đá ở cánh trái và có xu hướng đi bóng vào trung lộ để kết hợp với Rooney và van Persie. Để tăng độ dày cho cánh trái, Patrice Evra luôn sẵn sàng dâng lên hỗ trợ bất cứ lúc nào.

Bên cánh phải, Antonio Valencia phải tham gia phòng ngự nhiều hơn bởi đó là nơi hoạt động của một cầu thủ rất nguy hiểm là Eden Hazard. Valencia đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và kết thúc trận đấu với 6 pha “tắc” bóng thành công, nhiều nhất trên sân.

Kế hoạch tấn công của Man United là tập trung vào cánh phải và sử dụng sự tích cực của Valencia để vượt qua tuyến giữa dày đặc của Chelsea. Tuy vậy, việc Hazard chơi thấp đã khiến không gian ở cánh này bị thu hẹp. Dù vậy, Valencia vẫn có một vài cơ hội tốt để tạt bóng. Đáng tiếc cho United là không lần nào trong số 5 pha tạt bóng của Valencia đi trúng đích.

Chelsea đã “bắt chết” van Persie như thế nào?

Trong vài năm trở lại đây, van Persie đã chứng tỏ được đẳng cấp của một tay săn bàn hàng đầu. Chính vì vậy, chìa khóa của Chelsea trong trận đấu này là ngăn chặn chân sút người Hà Lan. Họ đã làm điều đó bằng cách kèm van Persie rất chặt. Terry hoặc Cahill luôn theo sát van Persie như hình với bóng. Điều đó có nghĩa là điểm mạnh nhất của van Persie, khả năng di chuyển và chạy chỗ, đã bị hạn chế đi phần nào.

Rất hiếm khi van Persie có bóng trong tư thế thuận lợi, mà buộc phải lùi sâu, di chuyển ra cánh, và cố gắng làm nhiều thứ khác biệt để lấy trái bóng. Nhưng cũng nhờ việc van Persie di chuyển khắp sân mà Rooney có nhiều khoảng trống hơn thường lệ. Chính vì vậy, Rooney chính là cầu thủ chơi hay nhất và có tầm ảnh hưởng nhất ở trận đấu này khi anh có 3 cú sút trúng đích, tất cả đều từ ngoài vòng cấm, ở khu vực mà van Persie đã thu hút cầu thủ đối phương để lấy khoảng trống cho tiền đạo người Anh.

Chelsea chỉ phòng ngự trong vòng 16m50

Ở trận đấu trên sân Old Trafford, Chelsea gần như không quan tâm tới hai cánh mà chỉ tập trung phòng ngự ở vòng cấm của Cech. Điều đó khiến các cầu thủ Man United rất hiếm khi có cơ hội thử thách Cech bằng những cú sút, cả xa lẫn gần. Ngay cả khi xâm nhập được vào vòng cấm của Chelsea, các pha dứt điểm của United cũng ngay lập tức bị bức tường màu xanh chặn lại.

Để kế hoạch này hiệu quả hơn nữa, Chelsea phải đưa cặp tiền vệ trung tâm của họ xuống sâu hơn. Đó là lý do tại sao trong cả trận đấu, Ramires và Lampard chủ yếu đá ở phía sau vạch giữa sân. Khi bộ đôi này lùi sâu như vậy, thật khó để họ chuyền được bóng lên cho các cầu thủ tấn công. Cách tiếp cận trận đấu một cách tiêu cực này đã ngăn cản triệt để khả năng tấn công của Chelsea, và khi không có một trung phong đích thực, Chelsea không thể gây được sức ép lên phần sân của Man United.

V.M
Lược dịch

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm