Chelsea sa thải Villas-Boas: Một cuộc "đảo chính"

06/03/2012 11:35 GMT+7 | Chelsea

(TT&VH) - Trong ngày đầu tiên của HLV tiếp theo sẽ dẫn dắt Chelsea, ông có lẽ nên chờ sẵn trước cửa phòng thay đồ, đợi khi John Terry vừa bước ra là lao vào đấm đá anh một trận nên thân. Nghe thì có vẻ cường điệu quá đáng, nhưng lối hành xử theo kiểu đại ca trong tù đó dường như là cách duy nhất để lặp lại trật tự ở Stamford Bridge lúc này, khi mà quyền lực thực sự nằm trong tay một nhóm những cầu thủ sống lâu lên lão làng có thể tiến hành đảo chính bất cứ lúc nào.

Đây không phải là lần đầu tiên những cầu thủ kỳ cựu tại Chelsea, do trung vệ đã đeo băng đội trưởng 8 năm qua cầm đầu, thực hiện cuộc lật đổ gần như công khai với người dẫn dắt đội bóng. Những lần trước có thể không rõ ràng như thế này, nhưng Luiz Felipe Scolari và Carlo Ancelotti cũng đã phải lần lượt khăn gói ra đi sau hàng loạt trận đấu sa sút một cách khó hiểu của Chelsea.


Có "đảo chính" ở Chelsea? - Ảnh Getty

Scolari, một HLV từng vô địch World Cup, chỉ có 6 tháng ở Stamford Bridge trước khi Terry và các đồng đội của anh biểu quyết rằng họ không ưa chiến lược gia người Brazil. Dù là Scolari, khi đó đã 61 tuổi và dày dạn chinh chiến, hay Andre Villas-Boas, mới 34 tuổi và bước vào thử thách lớn đầu tiên trong nghề, họ đều không thể tồn tại với một đội bóng khi kỷ luật không do họ quyết định, mà ở trong tay chính các cầu thủ.

HLV người BĐN cũng chỉ tồn tại được hơn Scolari có một tháng. Thật ra, mọi chuyện đều có nguyên do của nó. Nhân quả tuần hoàn, Roman Abramovich đã tưởng rằng ông có thể giành mọi danh hiệu, làm mọi điều mình thích với Chelsea như một món đồ chơi nhờ vào khối tài sản 15 tỉ USD của ông. Nhưng giống như một ngôi nhà lộng lẫy xây bằng thạch cao, đội chủ sân Stamford Bridge đã không có được sự gắn kết của tình cảm, sự tôn trọng và đoàn kết, giữa HLV với cầu thủ, giữa các cầu thủ với nhau, thứ cốt thép cần thiết cho mọi công trình bền vững.

Nội bộ Chelsea quá phức tạp

Nếu như trên sân họ chỉ là những triệu phú đá bóng đã thỏa mãn, hài lòng và kênh kiệu, thì trong văn phòng ban chỉ đạo, những nhân vật như Bruce Buck, Chủ tịch CLB hay Ron Gourlay, giám đốc điều hành cũng chỉ là những kẻ làm công nhật, thiếu cả tình yêu lẫn bản lĩnh cho những tình huống như thế này.

Phòng thay đồ của đội bóng áo xanh đã không tôn trọng cả tuổi tác và các danh hiệu, như với trường hợp Scolari, đẳng cấp, như với Ancelotti và giờ là tuổi trẻ, sự tự tin và khả năng giao tiếp tuyệt vời, như Villas-Boas. Nếu Jose Mourinho là một HLV hiếm có trong lịch sử ở Premier League, thì AVB có lẽ là độc nhất vô nhị, một nhà quý tộc thật sự trên sân. Trong cây gia phả nhà ông có những bá tước, nam tước và một người bà đến từ Cheadle, khu ngoại ô lộng lẫy của Manchester. Bà đã dạy Villas-Boas thứ tiếng Anh gần như hoàn hảo.

Nhưng tất cả những điều đó trở nên vô ích khi các cầu thủ không hợp tác. Dù khởi đầu Premier League với 3 chiến thắng liên tiếp, trong suốt 40 trận chính thức của ông cùng Chelsea, AVB vẫn không thuyết phục được mọi người rằng ông có thể thay thế Mourinho. Ở Stamford Bridge, nơi mà người đồng hương BĐN đã trải qua 3 mùa giải không thua trận nào tại giải Ngoại hạng, Villas-Boas hai lần liền vấp ngã trước những kình địch vào tháng 10 và 11, 3-5 trước Arsenal và 1-2 trước Liverpool.

Hồ sơ công việc còn khá ngắn ngủi của ông với Academica de Coimbra và Porto nhìn khá hứa hẹn, nhưng ở Chelsea ông đã phạm quá nhiều sai lầm. Đầu tiên, Villas-Boas chỉ sử dụng thường xuyên một cầu thủ thuộc thế hệ mới, Daniel Sturrdige, trong khi lại trở nên thiếu thân thiện với những cựu binh, nhiều người không thích cách ông đối xử với Nicolas Anelka và Alex, buộc họ xuống chơi ở đội dự bị và sau đó đẩy đi.

Trong khi M.U và Juventus cho thấy các cầu thủ kỳ cựu phải được sử dụng ra sao với Paul Scholes, Ryan Giggs và Andrea Pirlo, AVB đã không làm được thế với Frank Lampard, mà chỉ khiến anh thêm bất mãn vì phải ngồi ghế dự bị và ngày càng sa sút, cả vì thái độ và tuổi tác. Còn với những người trẻ, ngoài Sturridge, Villas-Boas chẳng giới thiệu được thêm gương mặt nào đáng kể, dù trong tay ông có không ít tiềm năng, cả những người đắt giá, từ Josh McEachran, Jeffrey Bruma tới Romelu Lukaku, Oriel Romeu.

Tuy nhiên, tất cả những sai lầm của AVB có lẽ chẳng là gì so với sai lầm của Abramovich, người đã bỏ ra 64 triệu bảng chỉ riêng cho các HLV, cùng hàng trăm triệu nữa, để trả phí chuyển nhượng và lương cho những cầu thủ cũng đang muốn lên làm HLV.

Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm