Chelsea thoát ngoạn mục Luật công bằng tài chính: Mata không hề cứu ‘The Blues’

07/03/2014 07:47 GMT+7

(giaidauscholar.com) – Cuối tuần trước, UEFA cho biết có 76 CLB đang bị điều tra vì vi phạm Luật công bằng tài chính (FFP). Danh sách cụ thể chưa được công bố nhưng theo nhiều nguồn tin, Chelsea không hề chung số phận với những anh em giàu có.

Điều đó có nghĩa, Chelsea đã tuân thủ thành công những quy định về công bằng tài chính trong bóng đá và sẽ không phải đối mặt với bất cứ biện pháp trừng phạt nào trong mùa giải tới.

Mata không “cứu” Chelsea

Tháng 1 năm nay, khi Chelsea bán tiền vệ Juan Mata và Kevin de Bruyne, dư luận cho rằng đó là nước cờ để “The Blues” tránh khỏi con mắt dòm ngó của các quan chức phụ trách tài chính của UEFA. Người ta khen Jose Mourinho thông minh khi chỉ bằng vài lời khiêu khích đã để Mata ngoan ngoãn ra đi, mang về cho Chelsea bản hợp đồng với giá trị gấp rưỡi số tiền họ từng bỏ ra để mua tiền vệ người Tây Ban Nha.

4 Vào tháng 4 tới, Ban kiểm tra tài chính của UEFA sẽ thông báo những trường hợp bị xử lý kỷ luật về việc vi phạm quy định công bằng tài chính. Những trường hợp chịu hình thức xử phạt nặng tay nhất là cấm thi đấu tại đấu trường châu Âu mùa sau sẽ bị chỉ đích danh vào tháng 6.
Quả đúng Chelsea đã thu lợi nhuận đáng kể từ việc bán Mata cho Man United so với đầu tư ban đầu. Nhìn vào những con số, người ta dễ dàng hiểu được điều đó. Thế nhưng, quan niệm Chelsea phải bán Mata để tránh bị trừng phạt do vi phạm FFP là hoàn toàn sai lầm.

Theo quy định của FFP, việc giám sát tài chính CLB được chia thành nhiều giai đoạn. Chẳng hạn, quá trình xem xét tài chính của mùa giải 2013-14, sẽ dựa trên báo cáo tài chính của 2 năm tài khóa trước đó là 2011-12 và 2012-2013 với số lỗ giới hạn là 38,5 triệu bảng. Thế nên, quyết định bán Mata không hề chịu ảnh hưởng của FFP bởi nó không liên quan tới giai đoạn giám sát đầu tiên của UEFA. Giai đoạn này bao gồm các báo cáo tài chính trong 2 năm tài khóa 2011-12 và 2012-13. Trong khi đó, hoạt động chuyển nhượng vào tháng 1 vừa qua của Chelsea thuộc năm tài khóa 2013-2014.

Chelsea không cần quan tâm tới FFP?

Theo chuyên gia về FFP, Ed Thompson, việc Chelsea tuân thủ những quy định về tài chính chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Trên thực tế, Chelsea nằm trong số ít những CLB có khả năng đáp ứng FFP từ năm này qua năm khác nhờ chiến lược kinh doanh nghe có vẻ rùm beng nhưng hoàn toàn hợp lý.

Báo cáo của hãng kiểm toán độc lập Deloitte cho thấy trong năm tài khóa 2012, Chelsea có tổng doanh thu 261 triệu bảng và trở thành CLB kiếm tiền giỏi thứ 5 trên thế giới. Số tiền đó thu về nhờ tiền bản quyền truyền hình của Premier League và Champions League (112,8 triệu bảng) và tiền từ các hợp đồng thương mại. Trong những năm tới, Chelsea sẽ “khỏe” hơn nữa về mặt tài chính nhờ thỏa thuận bản quyền truyền hình mới (25 triệu bảng/năm) và hợp đồng mới với hãng Adidas (có thời hạn 10 năm, kéo dài đến năm 2023). Nếu cải thiện phong độ trên sân cỏ và tiến xa hơn nữa tại Champions League, khả năng tăng doanh thu của Chelsea càng rõ ràng hơn.

Nhưng viễn cảnh tươi tắn về tiền bạc không cho phép Chelsea lơ là FFP. Kiếm được nhiều tiền nhưng tiêu nhiều vẫn khiến họ dễ vi phạm các quy định. Bài học rõ ràng nhất là ở năm tài chính 2012-13. Báo cáo nộp cho Nha thông tin tài chính Anh (Company House) của Chelsea cho thấy CLB đã thua lỗ 50 triệu bảng cho dù doanh thu vẫn tăng so với năm trước đó.

Chelsea buộc phải giảm tổn thất trong mùa 2013-14 để đảm bảo rằng nó phù hợp với FFP trong giai đoạn giám sát thứ 2. Giới hạn lỗ 38,5 triệu bảng là không hề an toàn nếu họ vung tay quá trán.

Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm