21/04/2021 06:30 GMT+7 | Giải trí
(giaidauscholar.com) - Ca khúc Chỉ là không cùng nhau của Tăng Phúc và Trương Thảo Nhi bất ngờ gây “bão” mạng và liên tục lọt top 10, thậm chí đứng đầu bảng xếp hạng các trang nghe nhạc trực tuyến hàng đầu hiện nay mang lại nhiều điều mà chúng ta không thể bỏ qua.
Tuần 15 (từ 12 đến 18/4 vừa qua), ở cả hai BXH nhac.vn và #zingchart, Chỉ là không cùng nhau vẫn tiếp tục giữ quán quân như tuần 14. Trước đó, MV này cũng vượt mặt MV của Binz và Đen Vâu để trở thành Top 1 Trending trên YouTube với hơn 6 triệu lượt xem.
Một ca khúc dễ hút người nghe
Nếu nhìn vào thủ pháp sáng tác thì Chỉ là không cùng nhau không có gì gọi là bước ngoặt hay dấu ấn. Nó giống như rất nhiều ca khúc trữ tình pop balad khác của Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Ca khúc được xây dựng theo cấu trúc hai đoạn đơn phát triển, một trong những bố cục phổ biến nhất mà các tác giả khi sáng tác ca khúc áp dụng từ xưa đến nay. Đoạn đầu giữ vai trò như sự trình bày tác phẩm, đoạn thứ hai là điệp khúc đẩy ca khúc lên cao trào để về kết. Sở dĩ gọi là phát triển, vì sự phát triển giai điệu âm nhạc của đoạn thứ hai vẫn tiếp tục dựa vào các chất liệu ở đoạn đầu. Về hòa âm cũng vậy, nó là một vòng hòa âm của sự chuẩn mực, khá phổ biến với hướng đi thuận chiều.
Ca khúc được xây dựng bằng màu sắc của giọng thứ, kết hợp việc triển khai giai điệu không rườm rà, phức tạp mà đơn giản thuận tai khiến người nghe dễ nhớ, cùng với tính chất tự sự, nội tâm tạo nên một màu sắc trữ tình.
Tất nhiên, việc khen một ca khúc vốn có nguồn gốc từ nước ngoài từng làm mưa làm gió đời sống âm nhạc ở đất nước mà nó được sinh ra, thậm chí bản gốc cũng đã được công chúng ở Việt Nam biết đến và hâm mộ là chuyện có vẻ như không cần thiết. Chỉ là không cùng nhau có nguồn gốc là ca khúc nhạc Hoa, lời Việt. Bản gốc của ca khúc dịch sang tiếng Việt có tên Thời không sai lệch. Ca khúc này qua phần thể hiện của ca sĩ Ngải Thần từng là một trong những ca khúc được nghe nhiều nhất ở Trung Quốc đầu năm 2021.
Đây là ca khúc mang màu sắc ngôn tình, nội dung tả về một buổi xem phim của chàng trai và sau đó là những suy nghĩ đầy nội tâm của chàng trai về duyên phận, về tình cảm của chàng trai với cô gái. Thời không sai lệch có những câu từ cũng rất thú vị, ví dụ như: “Em đón gió đêm, làn gió mà anh cũng từng đón. Như vậy có được tính chúng ta ôm nhau không?” Và cũng có những câu từ như ẩn chứa thông điệp, kiểu như số mệnh không thể dùng trò chơi để quyết định, hay “Giống như một đứa trẻ lưu ban không biết lượng sức mình. Không thể hoàn thành sứ mệnh đề tên trên bảng vàng”, “Cuối cùng cũng biến thành hư vô”... Ngay chính tiêu đề Thời không sai lệch (“thời” ở đây hàm ý là thời gian và không gian, vì thế) cũng là một thông điệp cho người nghe tự khám phá.
Với Chỉ là không cùng nhau qua phần đặt lời của Huỳnh Quốc Huy và thể hiện của Tăng Phúc cùng Trương Thảo Nhi có sự khác biệt. Trước tiên là phần ca từ. Bóng dáng của câu chuyện xuất phát từ buổi xem phim đã biến mất. Thế giới nội tâm trong ca từ vẫn còn, nhưng cái giá trị nhất của ca khúc gốc là nhiều suy tư mang chất triết lý được lồng vào lời ca ở phiên bản Việt này đã biến mất. Đổi lại, những ca từ được xây dựng theo đúng mô-típ tình yêu khá phổ biến trong ca khúc Việt đại chúng dành cho giới trẻ hiện nay, chẳng hạn: “Chiều hôm ấy có mưa rơi nhẹ vương mi ai/ Con đường ngỡ bước chung đôi bây giờ chia hai...”, “Từng yêu nhau từng là của nhau thật lâu/ Đến sau cùng chẳng thể có nhau bạc đầu...”.
Hiểu nhu cầu, chiều lòng khán giả và sáng tạo có hơi hướm “thoát” phiên bản gốc thực ra, nó thể hiện cái sự hiểu nghề và khả năng sáng tạo của tác giả đặt lời. Và đó là một trong những yếu tố đầu tiên quyết định thành công cho Chỉ là không cùng nhau.
Thay vì đơn ca ở bản gốc, Chỉ là không cùng nhau là bản song ca nam nữ. Hai giọng ca thể hiện mang nhiều yếu tố cá nhân đặc trưng giọng hát của mình, vốn cũng là những giọng hát có nét riêng, điều đó góp phầnkhiến cho phiên bản Việt này có sự khác biệt nhất định so với bản gốc. Bên cạnh đó, việc thể hiện trực tiếp với ban nhạc “sống”, lại ở một không gian đẹp, phóng khoáng như Đà Lạt cũng thêm phần tạo những nét riêng và tạo thêm nhiều cảm xúc cho người nghe. Có thể nói rằng, mặc dù Chỉ là không cùng nhau là nhạc ngoại lời Việt nhưng nó cũng thể hiện được dấu ấn riêng từ sự sáng tạo của tác giả lời và thể hiện của ca sĩ.
Dấu hiệu cảnh báo sớm?
Sự nổi tiếng của ca khúc gốc bản tiếng Trung góp một phần không nhỏ cho phiên bản đặt lời Việt này tiếp cận và lan tỏa. Song, con số ấn tượng, hơn 32.420.000 lượt xem trên kênh youtube cá nhân của Tăng Phúc tính đến thời điểm cuối tuần qua phần nhiều từ sự sáng tạo, thổi một hơi thở mang yếu tố cá nhân vào phiên bản lời Việt này. Có lẽ đó mới là tác nhân chính cho thành công bởi vì, ngoài Chỉ là không cùng nhau, khán giả Việt còn biết đến ít nhất 2 bản cover, một của Huy Vạc đạt 1,6 triệu lượt xem, trong khibản còn lại của Chí Thiện đạt khoảng 289 nghìn lượt. Đáng nói, cả hai bản cover đều để nguyên tên Thời không sai lệch và ca từ bám rất sát với nghĩa gốc. Như thế có nghĩa cả hai cũng đã nhận được sự quan tâm của người nghe song không thể so sánh với Chỉ là không cùng nhau. Ấy còn chưa kể phiên bản Việt này chễm chệ trên các bảng xếp hạng nhạc Việt trực tuyến đình đám những tuần qua.
Rõ ràng thành công của Chỉ là không cùng nhau đến từ nhiều yếu tố và ê kíp thực hiện ra phiên bản này có quyền vui vì điều đó. Thậm chí, nó còn giúp tên tuổi của Tăng Phúc trở nên sáng nhất kể từ ngày nam ca sĩ này bước vào đời sống âm nhạc. Nó cũng góp phần giúp tên tuổi Trương Thảo Nhi một lần nữa trở nên “nóng” kể từ sau Bốn chữ lắm (Phạm Toàn Thắng) song ca cùng Trúc Nhân (giải Cống hiến 2015, hạng mục Bài hát của năm). Thành công này có thể đã cho họ vị thế mới hoặc thêm vị trí vững chắc trong đời sống âm nhạc đại chúng.
Nhưng niềm vui đó chỉ của một vài cá nhân. Còn nhìn bình diện chung thì nhiều người lại cảm thấy chạnh lòng. Điều chúng tôi muốn nói đến ở đây là sự ảnh hưởng của nhạc ngoại vào đời sống âm nhạc đại chúng nước ta.
Nhìn lại quá khứ, nhạc Việt từng bị chi phối mạnh mẽ bởi nhạc Hoa lời Việt trong khoảng thời gian kéo dài hàng thập niên. Cho tới những năm cuối thập niên 1990 đầu những năm 2000 sức ảnh hưởng của nhạc Hoa vẫn còn rất mạnh mẽ với những ngôi sao như Lam Trường, Đan Trường. Trước đó còn có rất nhiều cái tên như Ninh Thuận, Nhật Hào, Tài Linh... Những nỗ lực thoát khỏi sự ảnh hưởng của nhạc Hoa lời Việt phải kể tới những giọng ca cá tính như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần, Thu Phương... cùng các nhạc sĩ tài danh như Thuận Yến, Dương Thụ, Thanh Tùng, Quốc Trung, Ngọc Châu, Anh Quân, Huy Tuấn... Song, tạo cú bứt phá mạnh mẽ có lẽ phải đến khi xuất hiện Phương Thanh, Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương... cùng các nhạc sĩ Quốc Bảo, Võ Thiện Thanh, Đức Trí, Quốc An, Xuân Phương, Hồ Hoài Anh... Nhạc Việt đại chúng thoát “vòng kim cô” và tỏa sáng chừng hơn thập niên sau đó bắt đầu xuất hiện những vấn đề kể từ khi underground trỗi dậy và sức bứt phá ngoạn mục của nhạc Hàn. Tuy nhiên, những vấn đề này không quá chi phối, tác động vào nhạc Việt.
Cho nên, việc bất ngờ một ca khúc nhạc Hoa lời Việt chiếm lĩnh các trang nghe nhạc trực tuyến cho thấy nhạc Hoa chưa bao giờ hết sức công phá. Một khi, nhạc Hoa quay trở lại và làm mưa làm gió như đã từng thì đồng nghĩa nhạc Việt bị lấn át ngay trên chính sân nhà.
Sự thành công của Chỉ là không cùng nhau là điều bất ngờ với ê kíp vì đây chỉ là một trong những nhạc phẩm được trình bày trong một show diễn và đăng trên mạng. Song, nó cũng chính là lời cảnh báo giúp nhạc Việt nhận ra và buộc phải thúc đẩy nội lực sáng tạo, đồng thời nâng cao sức đề kháng trước sự lấn lướt của nhạc ngoại.
Cũng phải nhìn nhận khách quan, nó không phải một ca khúc dở, số điểm 7,5 mà tôi ước lượng cho đối với ca khúc này đã hàm chứa phần nhiều góc nhìn từ cái tôi bản ngã. Có nghĩa, Chỉ là không cùng nhau có thể là một ca khúc hay nhưng không thể mang lại sự ngọt ngào cho nhạc Việt.
Cùng nghe cac khúc "Chỉ là không cùng nhau":
Điểm Cống hiến: 7,5/10
|
Nguyễn Quang Long
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất