07/05/2018 07:15 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Một đoạn video được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội từ tối thứ Bảy 4/5. Nội dung clip là một cuộc khẩu chiến giữa giáo viên và học viên trong một trung tâm dạy tiếng Anh. Trong một câu nói, chiếc giẻ rách đã được cô giáo Nguyễn Kim Tuyến dùng làm hình ảnh ví von ám chỉ bản thân và học viên.
“Vì tao là giáo viên giẻ rách mới có đủ tư cách để dạy cái thằng giẻ rách như mày!”- Đây là nguyên văn câu nói của cô giáo được trích từ clip. Thật khó có thể ngờ được rằng những câu từ như vậy lại xuất hiện trong một môi trường giáo dục, mà lại còn là giáo viên nói thẳng vào mặt người học viên của mình như vậy…
Cô giáo Nguyễn Kim Tuyến không phải là vụ bê bối đầu tiên liên quan tới một giáo viên dạy ngoại ngữ. Trước đó, Dan Hauer - một người nước ngoài dạy tiếng Anh tại Việt Nam cũng đã từng có những lời lẽ khiếm nhã liên quan tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước đó nữa, cô Lê Na cũng đã từng có những lời lẽ thiếu kiềm chế đối với học viên. Đây đều là những vụ việc gây sự chú ý của cộng đồng mạng.
Sở Giáo dục Đào tạo đã vào cuộc, tin rằng nếu phát hiện những sai phạm, cô giáo sẽ bị xử lý thích đáng. Ngược lại chúng ta cũng sẽ có những thông tin công khai minh bạch thay vì một clip ngắn ngủi. Nhưng dẫu sao, câu nói: “Vì tao là giáo viên giẻ rách mới có đủ tư cách để dạy cái thằng giẻ rách như mày!” trong câu chuyện này thật sự là điều đáng để chúng ta suy ngẫm.
Nếu như ngày trước, điều kiện tiếp cận tri thức khó khăn, những cô giáo, thầy giáo là những người luôn được kính nể vì độ uyên bác và học vấn của mình. Họ luôn được học sinh ngưỡng mộ bởi có thể giải đáp những câu hỏi hóc búa trong cuộc sống. Thì bây giờ, khi mà Internet và Google thay đổi cách chúng ta tiếp cận thông tin, vị trí độc tôn về mặt tri thức của những giáo viên không còn như xưa nữa.
Hay nói cách khác, chỉ cần có một chiếc smartphone để lên mạng, thì khả năng tiếp cận thông tin rất lớn, thay vì phải tiếp thu thông tin từ những người thầy. Có thể trình độ học vấn, ngôn ngữ, văn hoá sẽ làm sự tiếp cận thông tin này khác biệt đi ít nhiều. Nhưng cái cảm giác ngụp lặn trong một bể thông tin sâu không thấy đáy, bơi mãi không thấy bờ đã vơi đi rất nhiều.
Vì thế, người giáo viên ngày nay sẽ không bao giờ biết đủ để có thể luôn đúng. Họ cũng là một người học và luôn phải bồi đắp, cập nhật thêm kiến thức nếu không muốn bị tụt lại phía sau.
Cả 2 bên đều có những khiếm khuyết, cả 2 bên đều chưa thể hoàn hảo và cần giúp nhau để cùng hoàn thiện, nếu hiểu theo nghĩa tích cực và trong sáng, cũng có thể ví sự khiếm khuyết đó như cái “rách” trên tấm áo tri thức cần được bổ khuyết cho nó “lành lặn”.
Giáo viên là người đi trước, có thể hiểu những khó khăn, vấn đề học viên gặp phải hơn, và có thể chia sẻ cách giải quyết, dẫn dắt học viên tìm ra những tri thức bổ ích có thể áp dụng vào cuộc sống.
Tuy nhiên, dù không hoàn hảo về tri thức, nhưng người thầy vẫn luôn là tấm gương mẫu mực về mặt đạo đức, tư cách, chứ không phải như cách họ mạt sát lẫn nhau: “Bà tự nhận là giáo viên rẻ rách chứ gì?”/“Vì tao là giáo viên giẻ rách mới có đủ tư cách để dạy cái thằng giẻ rách như mày!”
Không biết những học viên khác học được gì trong buổi học hôm đó. Họ sẽ ấn tượng những kiến thức được học, hay họ chỉ văng vẳng trong đầu hình ảnh óc lợn và chiếc giẻ rách. Còn cô giáo thì được gì sau những hành động đó? Cảm giác hả hê khi được chửi bới chính học viên của mình, hay là cảm giác phấn khích khi giữ được luật chơi trên “sân nhà” của mình?
Cách đối thoại giữa giáo viên và học viên như vậy không phù hợp với môi trường giáo dục, mà đó là chửi bới ngang hàng, giữa 2 người thiếu hiểu biết với nhau. Tiếc cho cô giáo, người học viên, và những học viên khác bị liên luỵ trong lớp học. Một trải nghiệm giáo dục vô cùng tệ hại mà hơn bao giờ hết chúng ta cần phải chung tay ngăn chặn!
Hạ Hồng Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất