Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện các chuỗi lây nhiễm Covid-19 có số ca mắc lớn

26/06/2021 00:00 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, ngày 25/6, Việt Nam ghi nhận thêm 305 ca mắc mới, trong đó 23 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 282 ca ghi nhận trong nước.

Thành phố Hồ Chí Minh siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

Thành phố Hồ Chí Minh siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

Thành phố Hồ Chí Minh đang ở những ngày cuối chu kỳ giãn cách xã hội lần thứ 2 (từ ngày 15-30/6) và thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19/6/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với 161 ca, Bình Dương 30 ca, Bắc Giang 22 ca, Long An 22 ca, Tiền Giang 8 ca, Bắc Ninh và Nghệ An đều có 6 ca, Bình Thuận và Đà Nẵng đều 5 ca, Hải Phòng và Hưng Yên đều 3 ca, Gia Lai, Quảng Ninh, Phú Yên và Đồng Tháp đều 2 ca, Khánh Hòa, Lạng Sơn và Thái Bình đều có 1 ca. Có 251/282 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Chiều 25/6, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh công bố ghi nhận thêm 667 trường hợp nghi nhiễm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đang rà soát, đối chiếu và tiếp tục cập nhật thông tin ca bệnh lên Hệ thống quản lý ca bệnh COVID-19 quốc gia. Do đó, số ca bệnh còn lại của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được công bố trong bản tin sau.

Tính đến 19h ngày 25/6, Việt Nam có tổng cộng 12.788 ca ghi nhận trong nước và 1.749 ca nhập cảnh. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 11.218 ca, trong đó có 3.175 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

13 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng gồm: Yên Bái, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Vĩnh Phúc.

12 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn gồm: Hưng Yên, Hòa Bình, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Nam, Trà Vinh, Bắc Kạn, Gia Lai, An Giang, Quảng Ninh, Kiên Giang, Khánh Hòa.

Chú thích ảnh
Tiêm phòng Covid-19 cho người dân ở TP. HCM. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế, trong ngày 25/6 có 190 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Việt Nam đã có 5.949 ca mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh; 74 ca tử vong do liên quan đến COVID-19.

Trong ngày 24/6 đã có thêm 215.100 người được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại 34 tỉnh, thành phố và các cơ sở y tế của Bộ Công an.

Tính đến 16 giờ ngày 24/6, đã có hơn 2,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19 được thực hiện. Trong đó, 143.121 người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 25/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đang ở những ngày cuối chu kỳ giãn cách xã hội lần thứ 2 (từ ngày 15-30/6) và thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19/6/2021 của UBND Thành phố về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Do đó, Thành phố cần cân nhắc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch mạnh hơn tại các khu vực nguy cơ cao và giám sát việc thực hiện các bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch.  

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, trong đợt dịch thứ 4, Thành phố xuất hiện các chuỗi lây nhiễm có số ca mắc lớn. Việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19/6/2021 của UBND Thành phố những ngày qua đã có một số kết quả nhất định nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu khoanh vùng toàn bộ các chuỗi lây nhiễm do liên tục xuất hiện thêm các trường hợp nhiễm ngoài cộng đồng, chưa rõ nguồn lây. Đáng chú ý trong những ngày gần đây, Thành phố liên tục ghi nhận số ca nhiễm ở mức 3 con số, đặc biệt từ 6 giờ ngày 24/6 đến 6 giờ ngày 25/6 ghi nhận tới 667 ca nhiễm mới, cao nhất từ trước đến nay.

Hiện nay, dịch đã xuất hiện trong các khu công nghiệp, các chợ đầu mối nên khả năng lây lan là rất lớn. Nếu không kiểm soát sớm, dịch sẽ lan nhanh sang các địa phương khác bùng phát trên diện rộng, càng khó khoanh vùng, dập dịch hơn. Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố nên xem xét việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mạnh hơn, có thể tính đến việc tạm dừng hoạt động một số chợ nếu cần thiết để có thể khoanh vùng, chặt đứt các chuỗi lây nhiễm. 

Chú thích ảnh

Đến nay, Hà Nội đã sang ngày thứ 11 không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng. Chỉ còn 3 quận, huyện là Long Biên, Đông Anh, Sóc Sơn có ca bệnh chưa qua 14 ngày. Cộng dồn từ ngày 27/4 đến nay (đợt dịch thứ 4), thành phố có 106 điểm phong tỏa, trong đó có 98 điểm đã được gỡ bỏ, còn 8 điểm phong tỏa tại 3 quận, huyện (Đông Anh 5, Long Biên 2, Sóc Sơn 1).

Các ổ dịch trên địa bàn thành phố đã được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn ở mức nguy cơ cao do tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện ổ dịch tại nhiều địa điểm, số ca mắc mới trong ngày vẫn ở mức cao, nhiều ca mắc chưa rõ yếu tố dịch tễ. Đặc biệt, những ngày gần đây, các tỉnh Bình Dương, Hưng Yên, Thái Bình đã ghi nhận các trường hợp mắc là lái xe đường dài về từ Thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội hiện có nhiều bãi xe, điểm tập kết xe khách, xe chở hàng về từ địa phương này, đây cũng là yếu tố nguy cơ cần kiểm soát.

Sau hơn 30 ngày không có ca mắc trong cộng đồng, Đà Nẵng cơ bản “sạch” COVID-19, chính thức trở lại trạng thái bình thường mới. Các hoạt động thiết yếu dần được cho mở cửa trở lại. Nhưng niềm vui chưa kéo dài bao lâu, đến chiều 18/6, Đà Nẵng ghi nhận 1 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng là ông N.V.H có mã số bệnh nhân 12437. Nguồn lây của bệnh nhân 12437 xuất phát từ người giao hàng từ Thành phố Hồ Chí Minh.

Bệnh nhân 12437 có tiếp xúc với 3 người giao hàng từ Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong 3 người này có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, là bệnh nhân 12190. Trong ngày 10/6, 3 người này vào Đà Nẵng lúc 1 giờ sáng, đi qua chốt kiểm dịch ở Quốc lộ 1A nhưng không có lực lượng chức năng chặn lại. Xe này đi thẳng đến Công ty nhựa Duy Tân (số 145 đường Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê) giao hàng, sau đó về lại Thành phố Hồ Chí Minh vào lúc 2 giờ cùng ngày.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: "Tôi cho rằng để xảy ra vụ việc này, xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân chủ quan là chính. Nếu xe tải từ Thành phố Hồ Chí Minh được kiểm soát, thì sẽ không có khả năng để xảy ra chu kỳ lây nhiễm trong những ngày qua và chúng ta không có hậu quả lớn như thế này”.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm