11/07/2014 14:06 GMT+7 | Bán kết
(giaidauscholar.com) - Sự nghiệt ngã của chấm 11m và thảo luận xem liệu có nên loại bỏ hình thức phân định thắng thua “đau tim” này hay không là chủ đề của bàn tròn ngày hôm nay, với các khách mời là nhà báo Đỗ Phú Kiên và cây viết thể thao Phan Tất Đức.
“Tôi sẽ xơi cái đầu của kẻ hạ thấp xà ngang”
Phạm An: Chào các anh Tất Đức và Phú Kiên. Hôm qua, chấm 11m ác nghiệt quá các anh nhỉ? Hà Lan vượt qua Costa Rica ngoạn mục nhờ penalty, và họ bị loại cũng vì penalty.
Tất Đức: Nó lúc nào mà chẳng ác nghiệt hả Phạm An. Chắc trên thế giới chẳng có danh thủ nào dám tuyên bố yêu cái chấm trắng và trò chơi hại não ấy đâu.
Phú Kiên: Chẳng thế mà Beckham trong cuốn hồi ký của mình đã viết rằng: "Từ vòng tròn trung tâm đến chấm 11m là khoảng cách dài nhất thế giới...". Becks cũng nhắc lại đến 2 lần "Tôi không thở được, không thở được..." khi nói về cảm giác đứng trước chấm trắng ở loạt luân lưu.
Tất Đức: Tương tự thế Neymar đã nói rằng anh ấy già đi mấy tuổi khi thực hiện quả 11m quyết định trước Chile, quãng đường từ giữa sân đến chấm trắng phải vài dặm. Đá xong là Neymar gục khóc luôn.
Phạm An: Penalty thực tế là nó đã trở thành một nỗi ám ảnh lớn với rất nhiều ngôi sao, đặc biệt như Roberto Baggio ở World Cup 1994. Một ngôi sao lớn như thế, tỏa sáng từ đầu đến cuối như thế, cuối cùng lại đá hỏng ở cự ly rất gần trước cái khung thành rộng mênh mông.
Phú Kiên: Roberto Baggio cũng từng hài hước một cách rất chua chát khi nói về quả luân lưu vọt xà trong trận chung kết năm 1994: "Tôi sẽ xơi cái đầu của kẻ đã hạ thấp xà ngang"!
Tất Đức: Cuộc chiến trên chấm 11m luôn ẩn chứa rất nhiều sự nghiệt ngã, bởi ở đó không còn ranh giới giữa kẻ mạnh và kẻ yếu, mà đôi khi nó chỉ còn là nơi phân định giữa kẻ may mắn và người đen đủi (có thể là cả bản lĩnh nữa). Vì vậy, đội mạnh hơn về thực lực và đá thuyết phục hơn trong 120 phút vẫn có thể thất bại.
Phạm An: Các anh có nghĩ phân định thắng thua trên chấm penalty là một hình phạt gớm ghiếc không? Bắt các cầu thủ đã quá mệt mỏi về thể chất và tinh thần từng người bước lên một, biến họ thành người hùng và tội đồ một cách đầy tính quy chụp chỉ thông qua 1 động tác sút bóng đơn giản mà chúng ta thừa nhận là may mắn chiếm phần lớn?
Tất Đức: Như tôi đã nói, tôi ủng hộ trò chơi này, vì ít nhất nó cho các đội bóng yếu một chút ít hi vọng và động lực để chiến đấu. Bằng không cuộc chơi rất có thể sẽ vô cùng nhàm chán, chỉ mạnh được - yếu thua.
Phú Kiên: Tôi không nghĩ đấy là hình phạt. Đấy là sự thử thách bản lĩnh của các đội bóng, của cầu thủ, chẳng phải ngẫu nhiên mà các đội bóng lớn (từng giành nhiều chức VĐTG) luôn chơi tốt trò này.
“Penalty là thử thách tâm lý và kỹ năng”
Phạm An: Phải có một giải pháp phân định thắng thua đỡ đau tim hơn chứ. Và các anh có cảm thấy bất công không? Ron Vlaar có lẽ là một trong những hậu vệ xuất sắc nhất giải từ đầu tới giờ, thế mà chỉ vì một quả penalty, anh ta sẽ được nhắc đến trong lịch sử bóng đá Hà Lan nhiều năm nữa, với tư cách 1 kẻ thất bại?
Tất Đức: Tất nhiên là bất công rồi, Vlaar cũng giống như Baggio năm 1994 thôi. Vấn đề là người ta chỉ nhớ đến người chiến thắng chứ ít nhìn vào hành trình. Nhưng penalty vẫn rất hay ho, nó dung hòa giữa may mắn và chuyên môn. Mà để chiến thắng dĩ nhiên người ta cần phải có cả may mắn rồi. Đấy xem như là sự lựa chọn của số phận.
Phú Kiên: Thực ra thì FIFA từ những năm 90 đã kêu gọi người hâm mộ khắp nơi trên thế giới đóng góp giải pháp có thể thay thế cho loạt sút luân lưu này, phần thưởng cho ý tưởng được sử dụng lên tới nhiều triệu USD. Nhưng kết quả là không có hình thức nào hấp dẫn và ưu việt hơn.
Cuộc sống còn không thể đòi hỏi một sự công bằng tuyệt đối thì cuộc chơi không bao giờ có được điều đó. Sự khắc nghiệt mà Ron Vlaar phải chịu sẽ chẳng là gì nếu so sánh với Baggio.
Cá nhân tôi rất ủng hộ việc sút luân lưu khi không thể phân định thắng thua sau 120 phút. Vì sút luân lưu nó là sự tổng hòa nhất của mọi yếu tố cần thiết trong môn chơi này: Kỹ thuật, tâm lý và tất nhiên cả may rủi.
Tất Đức: Theo một báo cáo vào năm 2013 của Hiệp hội khoa học thể thao tại Anh, thì lo lắng là yếu tố cơ bản dẫn đến đá hỏng phạt đền, Nghiên cứu dựa trên 400 quả phạt 11m tại các giải quốc tế thì có 60% cú đá penalty thành công là khi cú đá ấy có thể khiến đội nhà thua trận và 93% thành công khi cú đá ấy đem về thắng lợi. Vì thế, đó là thử thách tâm lý và kỹ năng thực sự.
Phú Kiên: Tôi nói thêm chút để thấy là may mắn không phải là yếu tố quyết định trong việc sút luân lưu: Có một thống kê về việc sút penalty ở Bundesliga trong 16 năm qua chỉ ra rằng 99% những cú sút vào nửa phía trên khung thành thành bàn. Để thực hiện được những cú sút như vậy rõ ràng phải có kỹ thuật tốt chứ.
Phạm An: Paul Dolan, một cựu thủ môn ĐTQG Canada, tiết lộ rằng ông không bao giờ chịu áp lực khi bắt phạt đền. Và nhìn chung, các thủ môn có nhiều thủ thuật tâm lý hơn trên chấm 11m. Bruce Grobbeloar nổi tiếng nhờ 1 thủ thuật là "chân sợi mỳ" uốn éo để làm mất tập trung đối thủ, Jerzy Dudek cũng làm thế và thành công. Thủ môn có vẻ là người quyết định cuộc chơi này. Vậy có tội nghiệp cho người sút quá không?
Tất Đức: Về lý thuyết thủ môn là người lợi thế hơn trong trò chơi này. Bởi nếu họ không cản phá được, đó là chuyện thường. Ngược lại người sút mà không thành công thì mới là có vấn đề. Thế nên, áp lực đối với người sút nhiều hơn. Nó trái ngược với những gì diễn ra trong 120 phút, nếu thủ môn sai lầm, anh ấy là tội đồ, còn cầu thủ bỏ lỡ cơ hội thì dễ được tha thứ. Như vậy nhìn chung là công bằng cho cả thủ môn và các cầu thủ khác trong cả cuộc chơi.
Phú Kiên: Đúng vậy, thường thì mỗi thủ môn đều có "chiêu" khi đối mặt với cầu thủ trên chấm 11m. Năm 2008 van der Sar chỉ sang bên trái khi Anelka chuẩn bị sút (các cú sút trước đó của Chelsea đều về bên trái). Rốt cuộc Anelka đá về bên phải và bị cản phá.
“Sút luân lưu vẫn là hình thức phân định thắng thua ưu việt nhất”
Phạm An: Thực lòng mà nói, các anh có thích xem một trận chung kết được định đoạt trên chấm 11m không?
Tất Đức: Tôi ủng hộ hình thức đá phạt đền, chứ không hẳn thích xem nó. Tôi vẫn muốn trận chung kết giải quyết trong 90 phút hay 120 phút hơn. Vì tôi nghĩ sẽ là cái kết đẹp nếu giải đấu có được 1 nhà vua xứng đáng, thay vì 1 nhà vua khiến nhiều người phải ấm ức.
Phú Kiên: Sút luân lưu là hình thức phân định thắng thua ưu việt nhất nếu 2 đội bất phân thắng bại trong 90 hoặc 120 phút thôi. Chứ chẳng ai muốn trận đấu kéo dài mệt mỏi như vậy.
Phạm An: Và đó cũng là một thứ đem lại sự hấp dẫn cho bóng đá, phải không các anh? Như trận Argentina - Hà Lan, thì kịch tính chỉ đến lúc hai đội bắt đầu dìu nhau đến chấm 11 mét?
Tất Đức: Đúng vậy, Argentina và Hà Lan chỉ khiến khán giả tỉnh ngủ ở loạt đá phạt đền. Xem ra đấy cũng là hình thức cứu vãn những trận đấu nhạt nhẽo đấy chứ.
Phú Kiên: Cá nhân tôi nghĩ trận đấu hôm qua ít nhất cũng hấp dẫn hơn màn hủy diệt của Đức hôm trước. 2 đội trình độ tương đương, mỗi bên đều có 1 cá nhân đặc biệt, rõ ràng họ phải đá kiểu rình rập, toan tính như vậy rồi. Diễn biến và kết quả ấy nó xứng với 1 trận bán kết Cúp thế giới hơn là một tỉ số 7-1. Thế nên không chỉ tới màn "đấu súng" mới có điều đáng xem...
Phạm An: Nói chung, chấm 11m cũng là một nét đẹp, dù đó là nét đẹp đầy nghiệt ngã của bóng đá, cũng như sai lầm của trọng tài vậy. Có đôi chút khó chịu, nhưng chúng ta không thể loại bỏ nó, phải không các anh.
Phạm An (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất