Trần Ly Ly: 'Dùng cát-sê giám khảo để dựng 'Yes Yes No No'

18/09/2016 08:26 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Từ lâu, Trần Ly Ly đã trở thành cái tên tiêu biểu của làng múa Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực múa đương đại. Vài năm trở lại đây, cô lại thành người của showbiz khi liên tục ngồi ghế nóng các chương trình truyền hình thực tế, các cuộc thi hoa hậu, người đẹp. Sắp tới, Trần Ly Ly trở lại là cô với vở múa Yes Yes No No.

Trần Ly Ly chia sẻ về mình và về Yes Yes No No trước khi vở diễn này xuất hiện trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội (22/9) và Nhà hát TP.HCM (26/9) trong khuôn khổ Liên hoan Múa đương đại quốc tế - Sự gặp gỡ Á Âu do Viện Goeth tổ chức.

* Gần đây, chị trở nên quen mặt với công chúng hơn qua việc ngồi ghế nóng. Xin chị chia sẻ, điều gì khiến chị không ngại “nóng” mà ngồi những chiếc ghế này thường xuyên vậy?

- Đấy là một loại công việc thú vị, nó đòi hỏi phải suy nghĩ, tính toán, cân nhắc. Nó là loại công việc không phải dành cho tất cả mọi người mà chỉ dành cho người có khả năng thẩm định. Thứ hai, trong sự cân nhắc, tính toán, phải đưa ra những quyết định chuẩn xác dựa trên kiến thức và trải nghiệm nghề nghiệp trong cuộc đời của mình, nhưng phải quyết định trong thời gian ngắn nhất. Đó là trách nhiệm lớn lao.

* Việc ngồi ghế nóng mang lại cho chị những gì và lấy đi của chị điều gì?

- Việc này khiến cho tôi được công chúng biết đến nhưng lấy đi của tôi sự tập trung sâu của công việc ngành múa - sáng tác múa. Nó mang lại cho tôi cái nhìn rộng, những mối quan hệ rộng rãi với nhiều người, nhiều ngành nghề, nhưng cũng lấy đi của tôi những khoảng thời gian và sự riêng tư.


Trần Ly Ly còn gọi tên vở múa “Yes Yes No No” là “Sắc sắc không không”, “Có có không không”, những cái tên gợi ra nhiều chiều chứ không bó gọn trong lĩnh vực thiền

* Trong khi múa là thứ khó mang lại doanh thu từ bán vé, những người làm nghề thường rất chật vật để những vở diễn được ra nhà hát. Chị phải làm gì để Yes Yes No No được tham gia Liên hoan Múa đương đại quốc tế?

- Thực ra, từ khi trở về nước đến nay, tôi chưa bao giờ ngừng sáng tác. Mỗi năm tôi đưa ra một mục tiêu là phải làm một vở cho mình, đề giữ nghề, giữ tên và lòng yêu thích nghề nghiệp sâu sắc, một vở đương đại. Tôi gác lại tất cả những công việc khác, tập trung làm một việc duy nhất chiếm chọn tâm trí, không gian, thời gian. Việc đó tạo cho tôi tự tôn trong nghề nghiệp, cho tôi cảm thấy đang là chính mình.

Năm ngoái, tôi tham gia Yes Yes No No 1, năm nay là Yes Yes No No 2. Vì với tôi đó là khái niệm rất mở, có thể làm rất nhiều hướng, suy nghĩ nhiều chiều và đa dạng trong cuộc sống. Nó không có nghĩa của sự phát triển của chỉ một hướng là thiền.

Ban đầu tôi định diễn lại có sang sửa. Nhưng khi bắt tay làm, tôi lại nảy sinh ý tưởng hoàn toàn mới, tôi quyết định làm vở mới hoàn toàn, dù cũng lấy tên là Yes Yes No No, nói về thế giới nội tâm của người đồng tính hoặc người muốn chuyển giới. Đây là một đề tài khó làm. Tôi khai thác những khía cạnh tôi suy nghĩ và ngôn ngữ của tôi là múa đương đại.

Các liên hoan văn hóa từ trước đến nay ở nước ngoài có thói quen là họ tài trợ một nửa, mình phải lo một nửa. Tôi thấy việc đó rất tất nhiên, cá nhân tôi rất vinh dự được họ mời đứng chung trong một sân chơi, vì thế tôi không quan trọng chuyện mình phải bỏ tiền túi chia sẻ kinh phí với họ để có thể xuất hiện ở một sân chơi mang tầm quốc tế.

Theo tôi, sự thẩm định của người châu Âu, đặc biệt là người Đức rất quan trọng. Họ có sự thẩm định chính xác với vốn kiến thức và sự tiếp nhận văn minh - văn hóa từ lâu đời, từ nhiều tầng và nhiều nguồn. Được lựa chọn vào một sân chơi như vậy là vô cùng vinh dự, tốt đẹp và hứng thú.

* Vậy khó khăn của chị là gì khi xây dựng vở này?

- Khó khăn luôn luôn là vấn đề kinh phí. Tôi dùng tiền làm giám khảo, tiền đi dàn dựng cho các chương trình khác để sáng tạo những vở múa đương đại ủng hộ nghệ thuật và mang đến cho công chúng. Đó là niềm tự hào. Tôi không buồn lòng vì mất một khoản tiền lớn để dựng một tác phẩm. Chuyện đó có thể không bình thường với người khác nhưng bình thường đối với tôi.

* Là một người đang tham gia công tác đào tạo, chị thấy thế hệ diễn viên, nghệ sĩ múa ở thời hiện tại ra sao?

- Tôi nghĩ rằng bây giờ ngành múa đã có một vị trí khác hẳn, được trân trọng trong xã hội. Rất nhiều diễn viên múa giỏi đã ra đời, nhiều kỹ năng, có nghề tốt và đa dạng, họ làm được rất nhiều thể loại và họ học tập, lao động một cách chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, những người lao động đúng nghĩa trong múa đương đại như chúng tôi là khác hẳn. Vì mua đương đại là một dòng chảy khác, đòi hỏi sự tinh tế, lao động thật sự, không phải múa là múa mà múa là dùng ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt một trạng thái cảm xúc, một luồng tư duy, một câu chuyện hay một hệ thống những ngôn ngữ nào đó.

Múa rất đa chiều, chúng ta không thể một hai ngày là có được mà cần nhiều tầng cao khác nhau, phải trải nghiệm bằng tư duy và đầu óc thì mới có được. Những diễn viên múa đương đại như vậy còn quá thiếu ở Việt Nam.

Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm