Nhận xét về đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn năm 2018

25/06/2018 13:03 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Thầy giáo, ThS. Hồ Tấn Nguyên Minh Tổ trưởng Tổ Ngữ Văn trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên đưa ra nhận định về đề thi Ngữ văn sáng nay: Đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn năm 2018 diễn ra vào sáng ngày 25/6/2018 được ra theo cấu trúc  gồm 2 phần: phần Đọc hiểu (3 điểm) ra một đoạn thơ trong bài Đánh thức tiềm lực của Nguyễn Duy với 4 câu hỏi ; phần làm văn (7 điểm) với 2 câu: câu Nghị luận xã hội (2 điểm) và câu Nghị luận văn học (5 điểm).

Trong đó câu Nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về một vấn đề được gợi ra trong văn bản ở phần đọc hiểu. Cấu trúc này vẫn giữ nguyên như năm trước và đã được ra trong đề thi minh họa. Học sinh đã chuẩn bị tâm thế cho cấu trúc này nên sẽ không cảm thấy bất ngờ.

Chú thích ảnh
Đề thi THPT quốc gia 2018 môn Ngữ văn

Phần đọc hiểu cho một đoạn thơ trong bài Đánh thức tiềm lực của nhà thơ Nguyễn Duy. Đây là một bài thơ hay, giàu ý nghĩa ra đời trong những năm 80 của thế kỉ trước và cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị khi mà đất nước vẫn còn không ít người tự ru ngủ mình, say trong ánh hào quang giả tạo mà quên đi sứ mệnh góp phần đánh thức tiềm lực của đất nước. Sự phân hóa ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng được thể hiện khá rõ trong 4 câu hỏi: câu 1 và câu 2 ở mức độ nhận biết, câu 3 ở mức độ thông hiểu và câu 4 ở mức độ vận dụng. Cách hỏi sáng rõ, chặt chẽ; mức độ vừa sức nên học sinh có thể giải quyết tốt nếu đọc kĩ đề và suy nghĩ thấu đáo.

Câu Nghị luận xã hội yêu cầu viết 1 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước ở mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay. Trong thực trạng đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, tiềm lực đất nước vẫn chưa thực sự được đánh thức toàn diện như hiện nay thì vấn đề đặt ra trong câu nghị luận xã hội có ý nghĩa thực tiễn và giá trị giáo dục sâu sắc, nhắc nhớ mọi người về trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước.  

Chú thích ảnh
Thí sinh trao đổi sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên tại điểm thi trường THPT Việt Đức ( Hà Nội). Ảnh: Minh Quyết -TTXVN

Câu Nghị luận văn học yêu cầu thí sinh phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu từ đó liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.

Khác với đề thi năm trước là chỉ ra trong chương trình 12, câu nghị luận văn học của đề thi năm nay có sự liên hệ cả chương trình 12 lẫn 11 nên để làm được câu này, thí sinh phải có sự tổng hợp kiến thức rộng rãi chứ không chỉ chú vào chương trình 12 như mọi năm. Để làm được đề này, ngoài kĩ năng phân tích tác phẩm, thí sinh còn phải biết liên hệ, nhận xét, rút ra điểm tương đồng, khác biệt. Tuy nhiên, dạng đề liên hệ này đã được ra trong đề minh hoạ cho nên thí sinh sẽ không cảm thấy bất ngờ. Cách hỏi trong câu nghị luận năm nay có độ phân hoá cao, học sinh trung bình có thể đáp ứng được những yêu cầu cơ bản, học sinh khá giỏi có điều kiện để thể hiện sức nghĩ, sức viết của mình.   

Nhìn chung đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn năm nay là một đề thi đảm bảo tính chuẩn xác, cách hỏi sáng rõ, chặt chẽ; vấn đề đặt ra hay, giàu ý nghĩa, có tác dụng giáo dục tốt. So với đề thi năm trước, đề năm nay có độ phân hoá cao hơn, phù hợp với cả hai mục đích xét Tốt nghiệp THPT và xét vào Đại học, Cao đẳng. Có thể nói đây là một bước tiến đáng trân trọng so với đề năm trước.  

Dưới đây là gợi ý Đáp án đề thi văn 2018 kỳ thi THPT quốc gia theo Ban giải đề Học trực tuyến Tuyensinh247:

ĐỀ THI

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích:

Hãy thức dậy đất đai!

Cho áo em tôi không còn vá vai

Cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn…

xin bắt đầu từ cơm no, áo ấm

rồi đi xa hơn – đẹp, và giàu, và sung sướng hơn.

Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non

châu bắu vô biên dưới thềm lục địa

rừng đại ngàn bạc vàng là thế

phù sa muôn đời như sữa mẹ

sông giàu đằng sông, bể giàu đằng bể

còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?

lòng đất rất giầu, mặt đất cứ nghèo sao?

***

Lúc này ta làm thơ cho nhau

đưa đẩy làm chi những lời ngọt lạt

ta ca hát quá nhiều về tiềm lực

tiềm lực còn ngủ yên…

Tp. Hồ Chí Minh – 1982

(Trích "Đánh thức tiềm lực", "Ánh trăng – Cát trắng – Mẹ và em",

Nguyễn Duy, NXB Hội Nhà văn, 2018, tr.289 – 290)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những yếu tố nào thuộc về tiềm lực tự nhiên của đấ nước?

Câu 3. Nêu hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ trong đoạn trích.

Câu 4. Theo anh/chị, quan điểm của tác giả trong hai dòng thơ: ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/ tiềm lực còn ngủ yên có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay.

Câu 2 (5.0 điểm)

Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu)1. Từ đó, anh/ chị hãy liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ - Thạch Lam) 2 để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ VĂN

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ: tự do

Câu 2. Trong đoạn trích, những yếu tố thuộc về tiềm lực tự nhiên của đất nước là: đất đai, khoáng sản, châu báu, rừng đại ngàn, phù sa, sông bể.

Câu 3: Hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ trong đoạn trích:

- Xoáy sâu vào vấn đề: Tiềm lực tự nhiên của đất nước và việc đánh thức tiềm lực ấy.

- Sự trăn trở của người viết về việc đánh thức tiềm lực quốc gia và khai thác có hiệu quả những nguồn lực đó.

- Nhắc nhở mỗi cá nhân: tự vấn, tự hỏi về sự đối lập giữa cuộc sống hiện tại còn nghèo khó và sự giàu có của tài nguyên đất nước

Câu 4. Quan điểm của tác giả trong hai dòng thơ: phù hợp với thực tiễn hiện nay. Vì: trước hết, hai câu thơ là sự tự hào về tài nguyên thiên nhiên phong phú của đất nước. Nhưng trên tất cả là sự trăn trở của tác giả về việc chúng ta mới chỉ khai thác và tận dụng được một phần nhỏ trong sự giàu có của tài nguyên đất nước, mà sự khai thác ấy thực tế chưa đúng cách, chưa đi cùng sự bảo vệ, giữ gìn khiến tài nguyên thiên nhiên đất nước hoang phí, dần cạn kiệt. Trong khi đó tiềm lực thực sự của đất nước còn phong phú, còn cần sự "đánh thức" một cách khoa học, bền vững.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

1.Giải thích

_Tiềm lực đất nước là sức mạnh nội tại, tiềm tàng của đất nước. Về cả nhân lực, vật lực (tài nguyên thiên nhiên, sức mạnh con người); ngoài ra còn có thể là sức mạnh phi vật thể ( giá trị văn hóa, truyền thống của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử)

_Đánh thức tiềm lực đất nước là khơi dậy, vận dụng có hiệu quả sáng tạo những tiềm lực ấy.

2. Vì sao phải đánh thức tiềm lực đất nước?

_Đánh thức tiềm lực đất nước để đem lại hiệu quả kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước.

_Cần phải đánh thức tiềm lực vì Việt Nam là đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên “rừng vàng biển bạc” nhưng tài nguyên thiên nhiên chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên đất nước.

_Đánh thức tiềm lực đất nước không phải là khai thác “vô tội vạ” các tài nguyên đất nước khoáng sản… mà phải khai thác hợp lí, có hiệu quả, khai thác đi kèm phát triển bền vững, giữ gìn và bảo vệ cho con cháu mai sau.

3. Sứ mệnh, trách nhiệm đánh thức tiềm lực đất nước của cá nhân trong thực tiễn ngày nay.

_Đó là trách nhiệm của tất cả cá nhân trong cộng đồng, không phải là trách nhiệm của riêng ai.

_Ý thức đúng đắn về tiềm lực của đất nước: không phải là vô tận để mà lãng phí.

_Giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa đất nước nói chung và tài nguyên đất nước nói riêng, từ đó tạo nên “sức mạnh chân chính của một quốc gia”, đặc biệt là trong xu thế hội nhập với thế giới.

4. Phản đề

_Đất nước có nhiều tiềm lực nhưng nếu không biết khai thác, khơi dậy những tiềm lực ấy thì đất nước vẫn mãi lạc hậu, tiềm lực vẫn “ngủ yên”.

_Bản thân mỗi công dân phải có sứ mệnh đánh thức tiềm lực của đất nước và của chính mình nhưng vẫn còn không ít người sống không có lí tưởng, sống ích kỉ, làm chậm sự phát triển của đất nước.

5. Bài học hành động và liên hệ bản thân

Là thế hệ tương lai của đất nước, em đã và đang làm gì để đánh thức tiềm lực của đất nước.

Câu 2.

1. Giới thiệu chung

* Tác giả

- Quê quán: huyện Quỳnh Lưu – tỉnh Nghệ An.

- Gia nhập quân đội năm 20 tuổi.

- Từ  năm 32 tuổi, tác giả chuyển sang hoạt động văn nghệ và chính thức trở thành nhà văn quân đội.

* Sự nghiệp sáng tác:

- Vị trí: Là cây bút đi tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới.

- Phong cách nghệ thuật:

+ Trước 1975: Là cây bút sử thi có khuynh hướng trữ tình lãng mạn.

+ Sau 1975 (đầu những năm 1980): Chuyển sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lí nhân sinh.

-> Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

2. Phân tích vấn đề

2.1. So sánh sự đối lập với hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và hình ảnh bạo lực trên thuyền

* Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa gắn liền với phát hiện thứ nhất - về cái tuyệt mĩ, tuyệt thiện:

- “Cảnh đắt trời cho”:

+ Hình ảnh chiếc thuyền thơ mộng, thanh bình xuất hiện giữa bầu trời sương mù trắng như sữa lại pha chút hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào.

+ Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im như tượng trên chiếc mui khum khum đang hướng mặt vào bờ.

-> Là bức họa diệu kỳ do thiên nhiên, cuộc sống ban tặng cho con người; là sản phẩm quý hiếm của hóa công mà trong đời người nghệ sĩ nhiếp ảnh nào cũng khao khát được chứng kiến.

- Cảm nhận của người nghệ sĩ:

+ Thấy rung động.

+ Thấy tâm hồn mình được thanh lọc, gột rửa.

+ Thấy hạnh phúc.

* Hình ảnh trên thuyền gắn liền với phát hiện về cuộc sống của người nghệ sĩ.

+ Đằng sau cái đẹp toàn mĩ là hiện thân của cái xấu, là hiện thực trần trụi: bước ra khỏi chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ là người đàn bà xấu xí trạc ngoài 40 tuổi, rỗ mặt…Đi sau người đàn bà là người đàn ông cao lớn, dữ dằn, tấm lưng rộng và cong như lưng của một chiếc thuyền…

+ Đằng sau cái đẹp được gọi là toàn thiện là hiện thân của cái ác, là cảnh tượng tàn nhẫn, điển hình của bạo lực gia đình: người đàn bà đi trước, người đàn ông lẳng lặng đi sau không nói câu nào…đột nhiên bỗng trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay,…, dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp lên người của người đàn bà, người đàn bà đứng im không chống trả, đứa bé chạy ra…

-> Cảm nhận của nghệ sĩ Phùng: “kinh ngạc đến thẫn thờ”,“mấy phút đầu cứ đứng há mồm ra mà nhìn”, “chết lặng”…

=> Nhận xét:

- Nhận thức của người nghệ sĩ: Cuộc sống không hề đơn giản, xuôi chiều mà chứa đựng rất nhiều nghịch lý. Cuộc sống luôn tồn tại những điều tốt – xấu, thiện – ác.

- Xứ mệnh người nghệ sĩ: Đừng bao giờ nhầm lẫn hiện tượng và bản chất, đừng bao giờ nhầm lẫn giữa hình thức bề ngoài với nội dung thực chất bên trong, đừng vội đánh giá sự vật, con người ở dáng vẻ bên ngoài mà phải tìm hiểu thực chất bề sâu đằng sau vẻ ngoài ấy.

2.2. Liên hệ tác phẩm Hai đứa trẻ

- Giới thiệu tác giả Thạch Lam, tác phẩm Hai đứa trẻ

a. Cảnh phố huyện lúc đêm khuya và cảnh đợi tàu
 
* Cảnh phố huyện lúc đêm khuya

- Bóng tối ngập đầy không gian.

- Cảnh phố huyện gắn liền với những khiếp người sống mòn mỏi: chị Tí, bà cụ Thi điên,…

=> Hiện thực  cuộc sống bế tắc, quẩn quanh, tăm tối.

* Cảnh đợi tàu của hai chị em Liên

- Chờ đợi đoàn tàu, hoạt động cuối cùng của đêm.

- Đoàn tàu xuất hiện rộn rã, vui tươi, với ánh sáng rực rỡ.

- Đoàn tàu chỉ xuất hiện trong phút chốc, sau đó cả phố huyện chìm vào tăm tối.

=> Mơ ước, khát vọng đổi đời.

=> Nhận xét: Sự đối lập giữa bóng tối và ánh sáng, giữa hiện thực cuộc sống tối tăm với mơ ước đổi đời.

b. Liên hệ cách nhìn hiện thực của hai tác giả

* Giống nhau.

- Có những cái nhìn đa chiều về hiện thực cuộc sống.

- Thể hiện tấm lòng nhân đạo của tác giả.

* Khác nhau:

- Phong cách,

+ Thạch Lam nhà văn lãng mạn, cái hiện thực mơ màng, chưa sắc nét

+ Nguyễn Minh Châu nhà văn hiện thực, rõ ràng, sắc nét, chân thực hơn

- Thời đại:

+ Thạch Lam hiện thực chìm đắm trong sự buồn tẻ, cô đơn,

+ Nguyễn Minh Châu hiện thực đêm trước thời kì đổi mới, chiến tranh đi qua, còn nhiều suy tư, trăn trở

* Lí giải sự khác nhau

- Yêu cầu của sự sáng tạo, nhà văn không lặp lại người khác và không lặp lại chính mình.

- Hai nhà văn thuộc hai giai đoạn sáng tác khác nhau, tư tưởng nghệ thuật và phong cách nghệ thuật khác nhau và chịu sự chi phối của thời đại.

3. Tổng kết

ThS. Hồ Tấn Nguyên Minh
Tổ trưởng Tổ Ngữ Văn trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên

Chi tiết lịch thi THPT Quốc gia 2018

Chi tiết lịch thi THPT Quốc gia 2018

Buổi sáng, các thí sinh làm bài thi Ngữ văn, theo hình thức tự luận, với thời gian 120 phút. Chiều nay các em tiếp tục thi môn Toán với thời gian làm bài 90 phút.

Đáp án môn văn THPT quốc gia 2018

Đáp án môn văn THPT quốc gia 2018

Sáng nay (25/6), trên 925.000 thí sinh bắt đầu kỳ thi THPT Quốc gia tại 2.100 điểm thi trên toàn quốc. Buổi sáng, các thí sinh làm bài thi Ngữ văn, theo hình thức tự luận, với thời gian 120 phút. 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm