15/10/2015 13:30 GMT+7 | Phim
(giaidauscholar.com) - Phim Người trở về (KB: Đặng Thái Huyền - Nguyễn Thu Dung, ĐD: Đặng Thái Huyền) công chiếu lần đầu vào tháng 8/2015 tại Hà Nội, từ đó đến nay, bằng hệ thống phát hành trên toàn quốc, phim được cho là đã lấy nước mắt nhiều thiếu nữ, cho nên, nếu sợ khóc, thì khán giả... đừng nên xem.
Nay khán giả tại TP.HCM sẽ có dịp... khóc cùng phim này, khi CGV Art House quyết định tổ chức 7 suất chiếu miễn phí trong 3 ngày 17, 18, 19/10 tại cụm rạp CGV Parkson Paragon (quận 7).
Chiến tranh mang gương mặt phụ nữ
Phim chuyển thể từ truyện ngắn Người về bến sông Châu của Sương Nguyệt Minh - một chuyện buồn của người nữ quân y khi trở về với thời hậu chiến ở miền Bắc. Trên poster của phim có câu: “Chiến tranh mang gương mặt phụ nữ”, nhưng dường như phim đã nói câu chuyện ngược lại, khi mà trong chiến tranh thì họ có mặt, còn hòa bình, hạnh phúc thì không.
Cảm hứng này không chỉ thấy ở các tác phẩm khác của Sương Nguyệt Minh như: Tháng ngày đã qua, Dòng sông trinh nữ… mà còn ở Bến không chồng, Hương hoa gạo (Dương Hướng), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Xưa kia chị đẹp nhất làng (Tạ Duy Anh), Họ đã trở thành đàn ông (Phạm Ngọc Tiến), Hai người đàn bà xóm Trại (Nguyễn Quang Thiều), Người đàn bà trên đảo (Hồ Anh Thái), Trinh nguyên (Hàn Nguyệt)…
Người trở về đã có phần mở đầu rất căng thẳng, dồn dập bi kịch trong một ngày. Sau khi chiến tranh kết thúc, ngày Mây trở về là ngày người yêu của cô đi lấy vợ, là ngày Mây biết tin mẹ đã qua đời. “Sao bây giờ mới về hả Mây?” - câu hỏi của tất cả mọi người khiến Mây ngơ ngác. Trước bàn thờ mẹ, Mây gục khóc nức nở.
Éo le ở chỗ, San - người yêu cũ của Mây - ở sát vách nhà cô. Sau đó là một chuỗi ngày bi kịch của 3 người. San vẫn còn yêu Mây, nhưng bị giằng xé bởi tình yêu mới của người vợ trẻ.
Mây dù vẫn còn yêu San nhưng cô đành gạt nước mắt khuyên người yêu cũ: “Mình không thể sống trên nỗi đau người khác được đâu”. Khán giả bắt đầu rơi nước mắt từ bi kịch này, để từ cuối cùng nghẹn ngào, vì ngày Mây quyết định lấy Quang cũng là ngày cô biết vết thương thời chiến đã lấy mất đi khả năng làm mẹ.
Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhà báo Svetlana Alexievich, người Belarus, giải Nobel văn học 2015, năm 1983 đã viết tác phẩm Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ (War’s Unwomanly Face, Nguyên Ngọc dịch, NXB Đà Nẵng, 1987). Thì ra, các nhà làm phim khắp thế giới vẫn xem phụ nữ là nạn nhân chứ không phải anh hùng. Khán giả sẽ rơi nước mắt khi nhận ra thông điệp này.
Bộ phim nhựa cuối cùng?
Với giới làm phim có độ tuổi trung niên trở lên, phim nhựa 35mm vẫn luôn là một thử thách, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công như làm một sản phẩm nghệ thuật bằng tay. Các hãng phim hiện nay đã số hóa hoàn toàn, nên khán giả ngạc nhiên khi biết phim này là nhựa.
Đặt câu hỏi vì sao, đạo diễn Đặng Thái Huyền cho biết: “Điện ảnh quân đội có một hệ thống máy quay phim nhựa có thể nói là hiện đại nhất miền Bắc. Phim nhựa có độ nét sâu, có những hình ảnh mà phim số không làm được. Dùng phim nhựa, không có nhiều khả năng làm kỹ xảo, nhưng lại có chất mộc mạc, giản dị, rất phù hợp với Người trở về”.
Những người trong nghề đều biết Điện ảnh quân đội vài năm trước có nhập một lô thiết bị phim nhựa, vào thời điểm này là lỗi mốt. Nhưng với một đạo diễn, đây lại là cơ hội “chơi nghề”. Đặng Thái Huyền cho biết chị và đoàn làm phim đã làm với tâm thế hết mình, vì biết đâu họ lại được ghi vào lịch sử điện ảnh Việt “là người làm bộ phim nhựa cuối cùng”.
Kịch bản điện ảnh đã thay đổi một vài chi tiết, bỏ đi và thêm vào một số nhân vật, nhưng vẫn đảm bảo được sự hợp lý. Hệ thống nhân vật chính, phụ có tâm lý, tính cách, số phận điển hình. Những nút thắt số phận khi được khai mở không chỉ gây bất ngờ mà còn tạo cao trào cảm xúc. Những câu thoại ngắn gọn, chọn rất đúng điểm rơi của từng tình huống đã tạo hiệu ứng mạnh.
Đặng Thái Huyền đã tìm thấy chất Việt Nam, cái chất duy tình, trọng tình cứ đằm thắm chảy suốt bộ phim. Những suy nghĩ, tâm tư tình cảm của nhân vật đều ra được cái “e” miền Bắc hậu chiến.
Khán giả một mặt cảm nhận một không khí rất xưa của dòng phim cách mạng Việt Nam, nhưng mặt khác vẫn tìm thấy nét hiện đại trong cách xử lý phim, qua cách dựng, cách tạo tiết tấu, cách xử lý hình ảnh phim của Đặng Thái Huyền.
Sự nhạy cảm, thiên tính nữ đã giúp chị tạo nên những nhân vật nữ rất có dấu ấn trong bộ phim này. Nhiều nữ nhà báo cho biết họ đã không kìm được nước mắt suốt từ đầu đến cuối bộ phim. “Rất lâu rồi mới xem một bộ phim chiến tranh xúc động đến thế”, nhiều người viết trên Facebook.
Ngọc Diệp - Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất