HLV Miura không đưa U23 Việt Nam vào chung kết SEA Games là thất bại

13/04/2015 10:37 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - HLV Miura và VFF đã thuyết phục Tổng cục Thể dục Thể thao hạ chỉ tiêu cho U23 Việt Nam, chỉ cần vào tới bán kết ở SEA Games. Nhưng người hâm mộ có quyền đòi hỏi hơn thế. Phân tích của nhà báo Phạm Tấn từ các bình luận, ý kiến của độc giả Thể thao & Văn hóa.

Độc giả vmk: Tôi không hiểu đây là Tổng Cục giao hay ông Miura đề nghị. Nếu Tổng Cục giao thì không nói làm gì nhưng nếu ông Miura đề nghị thì quả thực, theo tôi ông Mai Đức Chung cũng có thể làm được như thế và có thể hơn thế.

Facebooker ‪Nguyễn Thanh Tuấn: Cái cần là vô địch SEA Games chứ chỉ tiêu đó thì HLV Việt Nam làm cũng được đâu cần đến ông Miura.‬‬‬‪ ‬‬

Nhà báo Phạm Tấn: Thắc mắc và nhận định của bạn đã “gãi” trúng khá nhiều vấn đề. Với những thông tin mà tôi hệ thống được thì có thể kiến giải thế này: VFF và ông Miura đã “nói dỗ” được Tổng cục thành công khi hạ chỉ tiêu từ VÀO CHUNG KẾT xuống còn VÀO BÁN KẾT ở SEA Games 2015.



HLV Toshiya Miura chỉ nhận chỉ tiêu cùng U23 Việt Nam lọt vào bán kết SEA Games 28. Ảnh: Thanh Hà

Ở Hội nghị Ban chấp hành Uỷ ban Olympic Việt Nam ngảy 15/1, Tổng cục phó Tổng cục TDTT, ông Trần Đức Phấn đã đọc báo cáo về SEA Games, theo đó đội tuyển U23 Việt Nam có chỉ tiêu là lọt vào tới trận chung kết môn bóng đá nam. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng trao đổi với báo chí là chỉ tiêu này không phải do VFF đăng ký và cần được các bên bàn bạc kỹ hơn trước khi thống nhất.

Gần ba tháng sau, chính xác là ngày 9/4, VFF với sự dẫn đầu bởi Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn cùng với cả HLV Miura đã ngồi lại với Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn. Và chỉ tiêu được chính thức hạ xuống còn: Vào bán kết SEA Games.

Vậy thì điều gì khiến VFF và ông Miura “nói dỗ” được Tổng cục? Ông Phấn lý giải với truyền thông rằng, kỳ SEA Games trước, U23 Việt Nam không thể vượt qua vòng bảng, nên nếu lần này thầy trò ông Miura vào tới bán kết cũng là một bước tiến.

Bạn nói rằng chỉ tiêu này thì HLV Mai Đức Chung cũng có thể làm được. Có thể, HLV Mai Đức Chung là người có kinh nghiệm cầm quân đội tuyển và có cả cái duyên ở các sân chơi quốc tế. Ông từng được HLV Alfred Riedl tôn trọng tới mức nhường quyền cầm quân ở vòng loại thứ ba Olympic 2008.

Nhưng tôi còn liên tưởng tới nhận định khá phổ biến là mục tiêu như thế thì cần gì HLV ngoại. Trên thực tế, có hai giải đấu gần đây mà chúng ta có HLV nội dẫn dắt thì cả hai lần đội tuyển đều bị loại ngay từ vòng bảng: SEA Games 2013 do HLV Hoàng Văn Phúc dẫn dắt và AFF Cup 2012 do HLV Phan Thanh Hùng cầm quân.

Đây chính là cái lý của những người không còn tin tưởng HLV nội nữa. Nhưng cần phải nói thêm. HLV Phan Thanh Hùng cầm quân là sự lựa chọn được tin tưởng. HLV Hoàng Văn Phúc thì không. 



U23 Việt Nam (phải) nhiều khả năng đối đầu đối thủ mạnh tại vòng bảng SEA Games 28. Ảnh: Phạm Tuân

Sự lựa chọn này với tôi đã và sẽ mãi là quyết định bổ nhiệm HLV trưởng thiếu trách nhiệm nhất trong lịch sử các đội tuyển. Họ đã chọn một HLV không có bất cứ thành tích hay danh tiếng nào ngoài sự hiền lành, phát ngôn đúng mực.  

Facebooker Gatsby Gatsby‬‬‬‪: Vì mình xếp nhóm 3, nguy cơ cao gặp Thái lan, Indonesia hoặc Malaysia ở cùng bảng…, tức là gặp tối thiểu hai đội mạnh, phải loại nhau từ đầu! Do đó chỉ cần qua bán kết là cửa vô địch là 50-50. Vậy nguyên nhân chính là tránh áp lực cho cầu thủ sẽ vào được chung kết. Không cần đặt chỉ tiêu vào chung kết vì như thế là tự trói mình!‬‬‬‬‬‬

Nhà báo Phạm Tấn: Ở trong nhóm 2 hay 3 thực ra cũng không có nhiều khác biệt lắm nếu chỉ nhìn vào việc U23 Việt Nam sẽ rơi vào bảng đấu nào. Đông Nam Á có hơn chục đội bóng, chia làm hai đẳng cấp: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Myanmar và Singapore nằm ở chiếu trên. Các đội bóng còn lại, kể cả Philippines (vì bóng đá trẻ nước này khá tệ) cho tới Lào, Campuchia chưa thể tạo ra những thế lực mới.  

Facebooker Nguyen Le:‬‬‬‪ Nói vào bán kết nghe sang quá, sao không nói là vượt qua vòng bảng‬‬?‬‬‬‬

Nhà báo Phạm Tấn: Cũng có thể coi đó là một sự đánh tráo khái niệm. Và chúng ta đã từng thấy điều này trong quá khứ. HLV Alfred Riedl là người luôn nói rằng “tôi đã đưa đội tuyển lọt vào TOP 4 đội mạnh nhất khu vực” ngay cả khi đội bóng của ông thảm bại ở bán kết. Nó có thể qua mặt được những ai chỉ đọc báo cáo thành tích mà không xem đội tuyển thi đấu. Nhưng trò chơi câu chữ không có nhiều ý nghĩa xét trên khía cạnh làm người hâm mộ say mê đội tuyển. SEA Games 2007 là như thế.

Facebooker Thăng Long:‬‬‬‪ Nhận chỉ tiêu thấp cũng là cách đánh lạc hướng các đối thủ cạnh tranh vào chung kết trong giai đoạn chuẩn bị và "trinh sát" lẫn nhau (với tính "quái" của Thầy Miura điều này là có thể). Hơn nữa, nhận thấp nhưng thực tế sẽ "kích" và "ép" các cầu thủ hướng đến mục tiêu cao nhất, rồi nâng chỉ tiêu khi vào sâu giải; điều này hay hơn là nhận cao để "ôm" áp lực vì không có đường rút (hạ chỉ tiêu). ‬‬

Nhà báo Phạm Tấn: Giảm áp lực cho các cầu thủ là điều mọi HLV phải tính đến khi chuẩn bị cho một trận đấu hay giải đấu. Với hầu hết các đội tuyển Việt Nam, khả năng chịu áp lực chưa bao giờ được đánh giá cao. Với U23 Việt Nam ở vòng loại châu Á, ông Miura đã đúc kết, rằng họ đá với các đội mạnh thì tâm lý tốt, nhưng đá với các đội yếu thì lại sợ thua. Giải toả sức ép cho một tập thể như vậy cũng cần thiết.



Áp lực là điều mà các cầu thủ U23 Việt Nam như Công Phượng (10) phải đối diện. Ảnh: Phạm Tuân

Cũng nói thêm ở đây rằng, hợp đồng giữa VFF với ông Miura không có chỉ tiêu phải vào tới chung kết SEA Games nếu không sẽ bị sa thải, VFF không phải bồi thường lớn. Còn bản thân VFF hiện nay, họ không phải đối diện với sức ép là nếu đội tuyển đá kém cỏi thì họ sẽ bị yêu cầu phải từ chức, phải tổ chức Đại hội bất thường (như năm 2004 đã xảy ra). Tức là giảm chỉ tiêu ở đây không liên quan tới cái ghế của ai.

Facebooker Quan Tran‬‬‬‪: Theo quan điểm cá nhân, mình nghĩ U23 Việt Nam chỉ nên có những cầu thủ sinh năm 1993 để duy trì tính ổn định và sự gắn kết trong đội hình vào SEA Games 28 tới và xa hơn là VCK U23 Châu Á vào tháng 1 năm sau.‬‬‬‬‬‬

Nhà báo Phạm Tấn: VCK U23 châu Á là một giải đấu có ý nghĩa lớn nhưng SEA Games là giải đấu quan trọng với bóng đá Việt Nam. Vì thế, việc VFF và HLV Miura tập trung tối đa cho giải đấu này là đương nhiên. Nếu lấy SEA Games 29 năm 2017 làm đích và tuyển chọn các cầu thủ từ bây giờ sao cho vẫn đủ tuổi hai năm sau nữa thì kế hoạch ấy xem ra còn khả dĩ hơn.

Đó là điều mà VFF từng tính tới. Nhưng có lẽ ông Miura đã thuyết phục VFF thay đổi, để chọn những cầu thủ mà ông cho là tốt nhất để tham dự SEA Games mùa Hè này, trong đó bao gồm nhiều cầu thủ sinh năm 1992, như Huy Hùng, Hoàng Thịnh, Mạc Hồng Quân…

Một khi đã gạt sang bên kế hoạch chuẩn bị cho tương lai bằng lứa cầu thủ khoác áo U19 năm ngoái làm nòng cốt, để gọi những cầu thủ tốt nhất rồi V-League phải tạm dừng để đội tuyển tập trung thì mục tiêu hướng đến phải là cao nhất là vào chung kết và giành HCV. Không làm được điều đó, hẳn là thày trò ông Miura cũng sẽ coi đó là thất bại. Và chúng ta có quyền đòi hỏi thành tích ấy.

giaidauscholar.com

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm