06/06/2016 06:55 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Nhớ về một thời khốn khó khi còn ở trong lực lượng thanh niên xung phong đi đào kênh, ban đêm nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đứng dưới lòng kênh vừa đào đất vừa ngóc cổ lên xem tivi trắng đen phát một trận túc cầu.
Trong bóng đá phải chấp nhận “ngủ với kẻ thù”
* Tính đến mùa EURO 2016 này, anh đã xem bao nhiêu mùa và mùa EURO nào đem lại cho anh nhiều kỷ niệm nhất?
- Kỳ EURO đầu tiên tôi xem là EURO 84. Đó là kỳ EURO đáng nhớ vì đội tuyển tôi yêu nhất lúc ấy là Pháp đã lên ngôi với đầu tàu Platini. Đặc biệt, thành công này đến sau khi Pháp bất ngờ thất bại trong trận bán kết đầy kịch tính trước tuyển Đức ở World Cup 2 năm trước đó.
Nếu tính đến kỳ EURO mới nhất diễn ra năm 2012 là tôi đã xem 9 kỳ EURO. EURO 88, chỉ có cú sút không tưởng của Van Basten của Hà Lan trong trận chung kết là đáng nhớ đối với tôi. EURO 92 thì rất khó quên với sự lên ngôi của Đan Mạch, đội tuyển vào vòng chung kết vào phút chót với vai trò kẻ đóng thế cho Nam Tư. EURO 1996 và EURO 2000 theo tôi không có dấu ấn gì đặc biệt.
EURO 2004 ghi nhận sự nghịch lý trong môn thể thao vua: đội chỉ chăm chăm ngăn đội khác đá bóng cuối cùng lại vô địch bóng đá. Đó là đội tuyển Hy Lạp. May thay, như để bù lại, 2 kỳ EURO tiếp theo 2008 và 2012, bóng đá đẹp mắt của tuyển Tây Ban Nha đã lên ngôi.
* Anh có nghĩ kỳ này tuyển Tây Ban Nha sẽ vô địch EURO lần nữa để lập hat-trick vô địch châu Âu?
- Có lẽ là khó. Vì thực lực tuyển Tây Ban Nha kỳ này không mạnh và đồng đều bằng 2 kỳ EURO trước. Những Puyol, Xavi đã giải nghệ, Ramos, Iniesta đã lớn tuổi. Các cầu thủ trẻ thì chưa đạt tới đẳng cấp của lớp đàn anh.
* Anh có vẻ không thích lối đá phòng ngự mang tính thực dụng của đội Hy Lạp, vô địch EURO 2004?
- Tôi không ở trong số những người vỗ tay cho bóng đá thực dụng, nhưng vẫn phải thừa nhận bóng đá phòng ngự là thực thể phái sinh từ bóng đá tấn công và được nuôi nấng bởi bóng đá tấn công.
Khi anh mài nhọn mũi giáo thì ở bên kia chiến tuyến, đối thủ buộc phải đánh bóng tấm khiên nếu họ yếu thế hơn. Anh càng trau dồi kỹ năng tấn công thì đối thủ của anh càng rèn giũa kỹ năng phòng ngự.
Tóm lại, bóng đá phòng ngự ra đời như một phản biện, một thứ thuốc thử của bóng đá tấn công, dù không thích thì tôi (và tất cả chúng ta) vẫn phải sống chung với nó, vẫn phải “ngủ với kẻ thù” như cách nói của Hollywood!
Và với những giải đấu có tính cạnh tranh cao như giải EURO, xét cho cùng bóng đá thực dụng cũng không có lỗi gì khi trong đầu nó tồn tại mỗi một câu hỏi “làm sao để thắng đối phương?”. Nó đâu có bổn phận quảng bá cho vẻ đẹp của bóng đá hoặc đi tìm sự thật của bóng đá!
Có ngày “tái xuất” bình luận bóng đá
* Từ ngày có truyền hình trực tiếp các trận đấu, anh thường xem ở đâu và với ai hay chỉ thích xem một mình?
- Tôi thường xem ở nhà, có khi một mình có khi với bạn bè. Cũng có giải tôi khiêng tivi ra treo ngoài quán Đo Đo (10/14 Lương Hữu Khánh, phường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM) và tụ tập anh em văn nghệ lại xem chung.
* Cuốn truyện đầu tiên của anh viết về bóng đá Trước vòng chung kết, sau này anh viết về đá banh khá nhiều với bút danh Chu Đình Ngạn. Tại sao anh dùng bút danh này khi viết về môn túc cầu?
- Hồi đó có một cầu thủ tên Chu Đình Nghiêm (hiện nay anh làm huấn luyện viên cho đội Hà Nội T&T), tôi thích cái họ này nên lấy nó đặt bút danh cho mình, còn Ngạn là nhân vật tôi yêu mến trong truyện Mắt biếc. Thế là tên Chu Đình Ngạn ra đời chứ có gì đâu!
* Những năm gần đây anh viết truyện về những con vật nuôi trong nhà. Với một người mê bóng đá như anh, có khi nào anh muốn trở lại đề tài xung quanh trái bóng để cho ra một tập truyện mới?
- Đã lâu tôi không còn viết bình luận bóng đá. Nhưng có thể tôi sẽ viết một cuốn sách về đề tài này nếu một ngày đẹp trời nào đó tôi cảm thấy hứng thú.
* Anh có thời gian đi thanh niên xung phong, thời đó các anh xem bóng đá như thế nào?
- Giải World Cup 1978, chúng tôi chỉ xem được tivi đen trắng. Chỉ xem chiếu lại chứ hồi đó chưa có trực tiếp truyền hình. Chúng tôi đào kênh ban đêm, đứng dưới lòng kênh, tivi đặt trên bờ chạy bằng máy nổ. Chúng tôi vừa đào vừa ngóc cổ lên xem.
* Xin cảm ơn nhà văn và chúc anh đón mùa EURO này thật vui!
Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất