26/04/2016 06:11 GMT+7 | Bóng đá Anh
(giaidauscholar.com) - Trên quy mô lớn của các vụ bê bối doping trong thể thao, trường hợp của Mamadou Sakho mới đây không còn là chuyện quá gây sốc. Nhưng bóng đá không thể mãi giữ suy nghĩ ngây thơ rằng, doping chỉ phổ biến ở những môn thể thao liên quan tới sức mạnh.
Bóng đá suy nghĩ quá ngây thơ
Arsene Wenger đã không dưới 1 lần nói về doping trong bóng đá. Mùa giải này, ông đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về nạn gian lận trong thể thao. Tiếc thay, Liên đoàn bóng đá Anh lại coi cảnh báo của Wenger giống như lời buộc tội vô căn cứ. Họ lập tức triệu tập ông để chất vấn, để răn đe rằng những phát biểu của ông gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng tới nền bóng đá được coi là tinh hoa của xứ sương mù.
Cách hành xử của FA đặc trưng cho lối suy nghĩ bảo thủ trong thế giới túc cầu. Họ cho rằng mảnh đất đó không có chỗ tồn tại cho doping. Mark Lawrenson, cựu tuyển thủ Ireland và giờ là bình luận viên bóng đá nổi tiếng, ngay cả khi Sakho bị phát hiện dương tính với chất cấm, vẫn tin rằng: “Thuốc sẽ không bao giờ cải thiện năng lực thực sự của một cầu thủ. Thuốc chẳng giúp họ đi bóng hoặc sút bóng chính xác hơn”.
Đó chính là lý do khi có trường hợp doping bị phát hiện trong bóng đá, mọi suy nghĩ hướng đến sự bao biện. Với Sakho là lời giải thích cho thuốc hỗ trợ đốt mỡ giảm cân. Với Kolo Toure năm 2011 là dương tính với chất giảm cân trong loại thuốc mà anh được… vợ khuyên dùng.
Cầu thủ có lý do để gian lận
Chẳng phải tự nhiên mà HLV Wenger nói rằng “Tôi chẳng bao giờ tiêm gì cho cầu thủ của mình nhưng một số đối thủ của chúng tôi lại không có suy nghĩ đó”. Nicole Sapstead, Giám đốc điều hành của Cơ quan chống doping Anh, từng chia sẻ hồi tháng 1 rằng ông cảm thấy “có gì đó không ổn” về các trận đấu bóng đá trên quy mô toàn cầu.
Mặc dù doping không cải thiện được mặt kỹ thuật nhưng lại có thể giúp cầu thủ có sức mạnh, cũng như khả năng phục hồi từ chấn thương. Lợi ích của nó vì thế rất rõ ràng. Cựu tuyển thủ Đức Paul Breitner từng nói: “Các cầu thủ bóng đá tin rằng dùng doping sẽ giúp họ được đá chính, sẽ đóng góp nhiều hơn để đưa đội bóng tới chiến thắng, và qua đó kiếm được nhiều tiền hơn. Vậy tại sao họ không sử dụng doping nếu có thể?”.
Thực tế đó cho thấy động cơ để gian lận của một cầu thủ bóng đá hay một cua rơ đều như nhau. Số liệu gần đây trên trang web của Cơ quan phòng chống doping thế giới cho thấy bóng đá không hề miễn nhiễm với chất cấm. Trong số 31.242 mẫu thử lấy từ các cầu thủ bóng đá năm 2014, có 144 mẫu dương tính với chất cấm. Chỉ có điều, con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 261/25.830 mẫu của điền kinh hay 221/ 22.471 của xe đạp, nên ít được chú ý đến.
Theo ý kiến của ông Wenger, lý do bóng đá có ít ca dương tính với doping là bởi các đợt kiểm tra quá ít. Trong các giải đấu, cơ quan chức năng đều lấy mẫu máu và nước tiểu các VĐV. Tuy nhiên, họ chỉ kiểm tra hai cầu thủ trong mỗi trận đấu bóng đá tại đấu trường châu Âu. Đây được xem là khe hở và một số đội bóng thường dựa vào đó để lách luật.
“Tôi cho rằng chẳng ai quan tâm tới người thứ hai trong cuộc kiểm tra. Đôi khi cầu thủ thứ hai lại không phải là người ăn gian”, ông Wenger bình luận.
Lịch sử bóng đá cũng đã chứng kiến những bê bối doping. Điển hình là trường hợp của Juventus những năm cuối thập niên 90 với 281 loại thuốc cấm đã được tìm thấy trong “bệnh viện thu nhỏ”. Bởi thế, sẽ rất ngây thơ khi nghĩ rằng doping chỉ có ở điền kinh và đua xe đạp.
Bảo Thư
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất