Lahm sẽ là đội trưởng tuyển Đức: Cách mạng ở tấm băng thủ quân

28/05/2010 12:02 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Trận giao hữu với Hungary vào đêm mai sẽ mang một ý nghĩa đặc biệt đối với Phillipp Lahm: HLV Joachim Loew đã quyết định trao băng thủ quân mà Ballack để lại cho anh.

Lahm sẽ là đội trưởng thứ 11 trong lịch sử dự World Cup của “Mannschaft”, ở một vị trí mà trong quá khứ, người chơi ở đó hiếm khi được tín nhiệm trao băng thủ quân. Một đội trưởng truyền thống của người Đức thường sẽ chơi tiền vệ trụ (Beckenbauer, Matthaus, Effenberg), có khuôn mặt lì lợm toát lên vẻ dữ dằn bẩm sinh của một người Đức điển hình (người Bavaria thì càng tốt) như Kahn, Vogts, hoặc chí ít cũng có vóc dáng sừng sững để tạo sự an tâm như Ballack. Ngược lại, Phillipp Lahm không phải một mẫu cầu thủ thể hiện được tính cách thủ lĩnh ngay từ vẻ bề ngoài và phong thái trên sân như những người tiền nhiệm.

 Philipp Lahm, ảnh Reuters
Anh nhỏ bé, khuôn mặt hiền lành, cao vỏn vẹn 1m70 (chỉ cao hơn Votgs, 1m68, và Seeler, 1m69, trong số các thủ lĩnh của ĐT Đức đã dự World Cup). Anh kiệm lời, chỉ thích “nói chuyện” với các đồng đội bằng quả bóng, không ưa hét lên như Ballack, Mathaus, cũng chẳng có phong thái dẫn dắt rất hào hoa như Beckenbauer, hay Klinsmann. Tóm lại, Lahm có thể là người tiên phong trong việc tạo dựng một hình mẫu thủ quân mới. Một trách nhiệm lớn và ẩn chứa nhiều rủi ro cho hậu vệ cánh của Bayern, người luôn chơi bóng với sự cần cù và nhẫn nại hiếm thấy, nhưng việc truyền ngọn lửa tinh thần ấy cho các đồng đội là một việc mà có lẽ Lahm chưa quen làm.

Điểm mạnh nhất của Lahm là sự ổn định, một đặc tính mà tất cả các thủ quân từng dẫn dắt ĐT Đức ở Cúp Thế giới đều sở hữu: Trong số các cầu thủ thuộc thế hệ nòng cốt đã giúp ĐT Đức đoạt ngôi á quân ở World Cup 2002 và Euro 2008, cùng vị trí thứ 3 ở World Cup 2006, Lahm là cầu thủ duy nhất, ngoài Ballack giữ được đẳng cấp của mình. Trong khi hàng công của thế hệ ấy sa sút thảm hại (Podolski, Klose đều chỉ còn là cái bóng của chính mình), tuyến giữa bị tàn phá nặng nề bởi chấn thương (Ballack) và những mâu thuẫn nội bộ (mối quan hệ không tốt đẹp giữa HLV Loew và Frings), lẽ tất nhiên ông Loew sẽ nhìn vào hàng thủ. Ở đó, Arne Friedrich vừa trải qua một mùa giải tệ hại với Hertha (anh là đội trưởng một đội bóng mới xuống hạng), Metzelder giậm chân tại chỗ trong suốt vài năm qua vì chấn thương và phong độ sa sút. Kết luận: Không ai xứng đáng hơn Lahm.

Sự lựa chọn ấy cũng nói lên rằng ông Loew sẵn sàng chấp nhận một sự thay thế không tròn trịa cho vai trò Ballack để lại. Lahm không thể tạo được cái uy lớn bao trùm toàn đội như Ballack, và anh có thể phải bù đắp điều ấy bằng cách chia sẻ vai trò thủ lĩnh với các đồng đội khác: Bastian Schweinsteiger có thể “giúp” Lahm trong việc ổn định tinh thần ở tuyến giữa. Klose, người có kinh nghiệm nhất trong danh sách hiện tại (94 lần khoác áo ĐTQG) có thể đem lại tiếng nói trọng lượng trên hàng công. Tất nhiên, không một ai được phép vượt quá quyền hạn của Lahm, người sẽ phải chứng minh được bản lĩnh của mình trong vai trò tối cao trên sân.

Đó không chỉ là một thách thức lớn đối với Lahm, mà còn là một canh bạc mạo hiểm đối với chính ĐT Đức ở VCK World Cup sắp tới. Tinh thần luôn là một truyền thống đáng nể của đội Đức, nhưng cốt lõi của bản sắc ấy luôn nằm ở tấm băng thủ quân: Một người có ý chí mạnh mẽ nhất để thổi bùng lên sức mạnh tinh thần của cả tập thể. Người Đức đã quá quen chơi bóng dưới sự dẫn đầu của một thủ lĩnh nào đó trong suốt chiều dài lịch sử nói chung và 3 giải đấu lớn trong 10 năm trở lại đây (2 giải đấu lớn gần nhất, Ballack chính là người đảm nhiệm trọng trách này).

Tiếc thay, Lahm không phải mẫu thủ quân như vậy, và việc tìm ra lối đi khác biệt hẳn so với lịch sử không bao giờ là một điều dễ dàng.
 
Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm