24/05/2016 21:54 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Cách đây 2 năm, nhà làm phim Anh Ken Loach tuyên bố sẵn sàng từ giã sự nghiệp. Song đêm 22/5, chỉ 2 tuần trước khi Loach mừng sinh nhật lần thứ 80, ông đã đoạt Cành cọ Vàng với bộ phim I, Daniel Blake tại LHP Cannes.
Phim về nỗi thất vọng “phúc lợi xã hội”
Ông đoạt giải lần thứ nhất cách đây một thập kỷ với phim The Wind That Shakes the Barley, bộ phim chính kịch lịch sử có bối cảnh cuộc chiến giành độc lập của Ireland từ vương quốc Anh. “Khi đã già, người ta chỉ cần nhìn thấy mặt trời mọc vào ngày hôm sau là đã thấy mãn nguyện” – Loach nói với các nhà báo tại LHP Cannes sau khi đoạt giải Cành cọ Vàng thứ 2.
I, Daniel Blake kể về một người thợ mộc bị tai nạn khi đang làm việc và một người mẹ trẻ phải vật lộn với những nghịch lý của hệ thống phúc lợi xã hội trong chính phủ bảo thủ của Anh. Phim đã lấy đi nhiều nước mắt ngay cả những nhà phê bình khó tính nhất. Phim còn làm rạng danh tên tuổi của hai diễn viên gần như vô danh là Hayley Squires và nghệ sĩ hài Dave Johns.
“I, Daniel Blake mang lại tiếng nói cho những người cần nó. Giải Cành cọ Vàng là chiến thắng khiến cho tiếng nói ấy cực kỳ lớn” – diễn viên Squires viết trên trang Twitter sau khi phim đoạt giải. Loach nói với các nhà báo rằng, ông từng nói đến chuyện nghỉ hưu khi làm bộ phim Jimmy's Hall (2014) bởi thời điểm đó, ông không quay được một thước phim nào và “ngọn núi trước mặt chúng tôi quá cao và tôi nghĩ mình lại không thể vượt qua nó”.
Nhưng Phim I, Daniel Blake đã đưa Loach trở về với nguồn gốc làm phim theo thể loại kịch hiện thực, nó là “bùa chú” để ông lại khát khao trở lại với công việc.
Giới phê bình đặc biệt ấn tượng với cách ông cho thấy sự tuyệt vọng của những người bị mắc kẹt trong “mê cung” của hệ thống phúc lợi xã hội mà dường như được tạo nên chỉ để khiến họ thất vọng. Nhà phê bình Anh Peter Bradshaw của tờ Guardian nói với hãng tin AFP rằng, cảnh khiến ông xúc động nhất trong phim là “cảnh xếp hàng lương thực khi (Hayley Squires) nuốt vội hộp đậu tương sốt. Biểu cảm trên gương mặt cô ấy khiến cho người xem thấy thương cảm”.
Tiếng nói của những người bình thường
Việc làm từ lâu là đề tài yêu thích của đạo diễn Loach, đạo diễn của trào lưu phim theo chủ nghĩa hiện thực. Năm 1991, Loach đã khai thác đề tài này với bộ phim Riff-Raff, trong đó khảo sát cuộc sống của những người lao động bình thường ở London.
Tiếp đó là phim Bread & Roses, kể lại cuộc đình công các lao công tại một khách sạn ở Los Angeles và phim The Navigators (2001) kể về 5 công nhân đường sắt khi nền công nghiệp này trải qua cuộc tư nhân hóa.
Tuy nhiên, Loach luôn nhận thức rõ về sức tác động từ những bộ phim của mình. “Tôi chưa bao giờ nói với bản thân rằng các bộ phim của mình có thể thay đổi nhiều thứ. Mục đích làm phim của tôi là cốt sao có thể góp thêm tiếng nói vào nỗi bức xúc chung”.
Loach xuất thân từ tầng lớp lao động, là con trai của một thợ điện và thợ may. Ông trưởng thành ở Nuneaton, gần Birmingham (Anh). Loach từng phục vụ Không quân Hoàng gia trước khi học luật tại trường Đại học Oxford nhưng lại theo đuổi sự nghiệp điện ảnh.
Tại hãng BBC, ông bắt đầu làm phim truyền hình, ông tin tưởng mạnh mẽ rằng, điện ảnh có thể kể về “những người bình thường và tình huống khó xử của họ”. Với niềm tin ấy, Loach đã làm phim Kes (1969), kể về một cậu bé thuộc tầng lớp lao động chăm sóc chú chim ưng của mình. Phim đã đoạt 2 giải BAFTA.
Tại LHP Cannes năm nay, huyền thoại Hollywood Steven Spielberg cũng thừa nhận ông là một người hâm mộ Loach và đã xem phim Kes qua sự giới thiệu của tài tử Daniel Day Lewis.
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất