Chữ Quốc ngữ là chữ Nôm được Latin hóa?

28/11/2020 07:05 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Vừa qua, một cuộc đối thoại mở với chủ đề Vì sao nói chữ Quốc ngữ là chữ Nôm Latin hóa? được tổ chức tại Hà Nội với nội dung xoay quanh quan điểm của TS Nguyễn Hải Hoành cùng nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề này. Để rộng đường dư luận, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đăng tải bài phản ánh về buổi đối thoại này.

Vĩnh biệt PGS Đào Thái Tôn - Hết rồi duyên nợ chữ Nôm!

Vĩnh biệt PGS Đào Thái Tôn - Hết rồi duyên nợ chữ Nôm!

Một đời gắn bó với chữ Nôm, cái sự yêu - ghét tới mức cực đoan mang lại cho PGS Đào Thái Tôn đủ mọi vui buồn cho đến tận khi ra đi vào chiều ngày 4/6/2011 vừa qua.

1. Kể từ thế kỷ 17, quan điểm chữ Quốc ngữ được làm ra bởi nhóm giáo sĩ Dòng Tên vào nước ta truyền đạo trở nên phổ biến cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên, TS Nguyễn Hải Hoành lại cho rằng các giáo sĩ này chỉ thực hiện giai đoạn cuối cùng của quá trình sáng tạo chữ Quốc ngữ. Đó là Latin hóa chữ Nôm. Hay nói cách khác, chữ Quốc ngữ là chữ Nôm được Latin hóa, hiện đại hóa. Đưa ra khẳng định rằng: “Dân tộc Việt Nam là dân tộc có sở trường về ngôn ngữ”, TS Nguyễn Hải Hoành dẫn chứng việc tổ tiên người Việt sử dụng đến 3 loại chữ trong vòng hơn 2.000 năm qua gồm: Chữ Nho, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Theo ông, đó là một kỷ lục hiếm thấy trên thế giới.

Khoảng thế kỷ thứ 2 TCN, khi Triệu Đà đánh chiếm Âu Lạc, chữ Hán được du nhập vào Việt Nam đánh dấu chữ viết bắt đầu xuất hiện trên đất nước của người Việt. Chữ Hán được tổ tiên người Việt tiếp thu một cách khôn ngoan, tiếp nhận chữ Hán nhưng không học tiếng Hán. Đó là khởi thủy của việc ra đời chữ Nho sau này.

Theo TS Nguyễn Hải Hoành, thời đó, “mỗi một chữ Hán, ông cha ta đặt một tên tiếng Việt. Sự sáng tác chữ viết này hay ở chỗ mỗi từ được tạo ra thể hiện được gần sát chữ Hán đồng thời lại mang được tính Việt”. Hay nói cách khác, đó chính là sáng kiến Việt hóa ngữ âm của chữ Hán thành chữ Nho, tức chữ của người có học.

Chú thích ảnh
"Từ điển chữ Nôm dẫn giải" của GS Nguyễn Quang Hồng

Thế nhưng chữ Nho lại vốn là chữ Hán, được tạo ra bằng phương pháp dùng từ Hán - Việt để phiên âm chữ Hán nên không thể ghi âm được lời nói tiếng Việt. Thêm nữa, chữ Nho được sử dụng giới hạn trong giới tinh hoa có học, chỉ phổ biến dùng bởi vua chúa, quan lại.

Nảy sinh từ thực tế sử dụng chữ viết trong tầng lớp bình dân mà đặt ra yêu cầu cần phải có một loại chữ ghi được lời ăn tiếng nói của người Việt, trở thành chữ viết của tiếng Việt.

Nói như Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, PGS-TS Nguyễn Khắc Mạnh, khi Sĩ Nhiếp sang dạy tiếng Hán cho người Việt, đã có người Việt Nam khởi phát ý tưởng dùng ký tự Hán để ghi âm tiếng Việt. Bởi lẽ chữ Hán là chữ biểu ý (chữ ghi ý) không ghi được âm, nhìn chữ không đọc được âm nên cần tạo ra chữ biểu âm để ghi lại tiếng Việt. Có rất nhiều tên người, tên địa danh không thể ghi được bằng tiếng Hán nên cần phải có một dạng chữ viết khác để ghi lại âm của người Việt. Thực tế này dẫn đến sự ra đời của chữ Nôm.

Theo Nguyễn Hải Hoành, chữ Nôm được sáng tạo trên cơ sở kết hợp cả 2 yếu tố biểu ý và biểu âm, tức là phương pháp dùng cơ sở chữ Hán đọc theo âm Hán - Việt. Cụ thể, cách tạo ra chữ Nôm là: Ghép 2 chữ Hán thành 1 chữ Nôm. Ví dụ chữ “chân” viết gồm chữ “túc” (nghĩa là “chân” trong tiếng Hán) nhưng để biểu hiện được âm đọc “chân” thì chữ “chân” (“chân” trong “chân thành”) được viết bên cạnh, tạo thành chữ “chân” Việt Nam, nghĩa trong từ “chân tay”.

Chú thích ảnh
TS Nguyễn Hải Hoành

Việc tiếp nhận chữ Hán để sáng tạo chữ Nôm theo TS Nguyễn Hải Hoành làm phong phú thêm vốn từ ngữ của người Việt: “Từ điển Chữ Nôm dẫn giải của GS Nguyễn Quang Hồng xuất bản năm 2015, có khoảng 3.000 chữ Nôm tự tạo trong tổng số hơn 9.000 chữ Nôm, nhờ có chữ Nôm mà chúng ta biết được ông cha ta sử dụng hơn 14.000 âm tiết tiếng Việt. Mặt khác, trong Hán Việt từ điển của Thiều Chửu, thống kê được có 8.000 chữ Hán tất cả nhưng trong đó chỉ có 415 âm tiết, không tính thanh điệu, nhưng khi dùng âm Hán - Việt có thể chuyển thành 1.891 âm tiết”.

2. Quan điểm của TS Nguyễn Hải Hoành cho rằng: “Latin hóa chữ Nôm là một quá trình tất yếu, là việc tất nhiên của các giáo sĩ cần làm để truyền giáo. Các vị giáo sĩ làm ra được chữ Quốc ngữ là dựa trên nền tảng của chữ Nôm. Chữ Nôm đã bày một nền tảng sẵn có, khi đã biết thông thạo cả hơn 14.000 chữ Nôm chỉ cần phiên âm ra tiếng Latin. Khi hình thành bộ chữ mới đã hiện đại hóa rất nhiều”.

Đặt minh chứng quan điểm trong đối sánh giữa sự thành công Latin hóa chữ Nôm với sự thất bại Latin hóa chữ Hán, hay chữ Kanji của Nhật Bản, TS Nguyễn Hải Hoành chỉ rõ: “Ở Trung Quốc vào thế kỷ 16, khi những giáo sĩ phương Tây đến truyền giáo ở Trung Quốc đã bắt đầu công cuộc Latin hóa chữ Hán. Khởi đầu phong trào Latin hóa Hán ngữ là phương án của tu sĩ Dòng Tên Công giáo người Italy Matteo Ricci năm 1602, đã tạo ra được bản Latin hóa chữ Hán cơ bản, nó được dùng làm cơ sở rộng rãi cho các phiên bản Latin hóa chữ Hán sau đó.

Chú thích ảnh
Bản Latin hóa một bài thơ chữ Hán chỉ một chữ “shi” không có nghĩa

Đến cuối thế kỷ 19, Trung Quốc phát động phong trào Latin hóa chữ Hán. Phong trào này được tiến hành rầm rộ cho đến năm 1986 và đưa ra kết luận: Latin hóa chữ Hán có thể làm được nhưng chỉ để ghi âm từng chữ Hán. Để làm ra một loại chữ mới, Latin hóa hoàn toàn biểu âm thay cho chữ Hán là chữ biểu ý thì không thể làm được. Sang đến chữ Kanji (chữ Hán tiếng Nhật) của người Nhật cũng thất bại tương tự”. Riêng khu vực Đông Á ảnh hưởng của văn hóa chữ Hán chỉ có Việt Nam là thành công trong việc Latin hóa.

Cũng theo GS Nguyễn Quang Hồng, năm 2015 trong Từ điển Chữ Nôm dẫn giải thống kê được hơn 14.000 âm tiết trong chữ Nôm, điều này càng khẳng định chữ Nôm có tính biểu âm, thích hợp Latin hóa.

Mặt khác, theo TS Nguyễn Hải Hoành: “Tiếng Hán và tiếng Việt thuộc loại ngôn ngữ đơn lập (đơn âm tiết), mỗi tiếng một âm tiết, do đó cần dùng rất nhiều âm tiết. Hậu quả là dễ xảy ra nạn lắm chữ/ từ đồng âm. Thế nhưng tiếng Việt giàu âm tiết nên cơ bản không có nạn đồng âm, do đó thích hợp làm được chữ biểu âm (thực tế từ thế kỷ 17 đã làm ra chữ Quốc ngữ biểu âm, Latin hóa); tiếng Hán nghèo âm tiết nên xảy ra nạn đồng âm nghiêm trọng, do đó không thích hợp làm được chữ biểu âm, vì thế chỉ có thể dùng chữ Hán biểu ý”.

Chú thích ảnh
Phương án Latin hóa Hán ngữ của tu sĩ Dòng Tên Công giáo người Italy Matteo Ricci năm 1602

Thêm khẳng định cho rằng hệ thống chữ Nôm được sáng tạo bởi tổ tiên người Việt là nền tảng ngôn ngữ thuận lợi để các giáo sĩ Dòng Tên dùng chữ cái Latin để phiên âm chữ Nôm, tạo ra chữ Quốc ngữ, trong một thời gian ngắn chỉ vài chục năm (nhiều nhất từ năm 1615 đến 1649), TS Nguyễn Hải Hoành cho rằng các giáo sĩ giỏi chữ Nôm, am tường chữ Nôm đến mức có thể dùng chữ Nôm để viết tài liệu giảng đạo, cùng tiếng Việt. Ví như, Giáo sĩ Dòng Tên người Italy Maiorica đã viết 45 tác phẩm chữ Nôm, với tổng số 1,2 triệu chữ, gấp 52 lần số chữ Nôm trong Truyện Kiều. Hiện nay, còn 15 tác phẩm đang lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Pháp.

3.Tuy nhiên, nhà nghiên cứu, dịch giả Vũ Thế Khôi lại cho rằng: “Các giáo sĩ phương Tây khi đến Việt Nam nhiều người không biết chữ Nôm, họ nghe những người Việt nói sau đó dùng ký tự Latin để ghi lại, họ dùng người bản xứ giống như những người “info-man” - người cung cấp tư liệu - về phát âm, ngữ âm và họ ghi lại bằng ký tự Latin. Tôi không tin họ học chữ Nôm sau đó họ mới Latin hóa”.

“Chữ Nôm có đóng góp rất lớn trong việc tạo ra một văn tự của dân tộc. Không phải người phương Tây mới nghĩ đến chuyện làm thế nào để ghi âm tiếng Việt mà người Việt đã nghĩ đến từ trước đó. Trên bia đá, có từ thế kỷ 7 người Việt đã dùng Hán tự biến thành từ Nôm để ghi nhân danh, địa danh. Bởi có những “Cái kèo, cái cột thành tên” không thể ghi được bằng chữ Hán.

Do nhu cầu của cuộc sống, tổ tiên ta dần dần nhận thức rằng, dân tộc ta phải có một thứ chữ viết, nếu không những di sản văn hóa của dân tộc không thể giữ. Ví dụ như ca dao không thể ghi bằng chữ Hán hay Truyện Kiều được viết hoàn toàn bằng chữ Nôm. Cần phân biệt và hiểu cho đúng, rằng tiếng Việt chỉ có duy nhất còn chữ ghi tiếng Việt có thể có chữ có chữ Nôm, chữ Latin hóa” - nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi nói.

Vài nét về TS Nguyễn Hải Hoành

Tiến sĩ chuyên ngành tự động hóa Giao thông vận tải. Tốt nghiệp Học viện Kỹ sư Giao thông vận tải Moskva, MIIT.

Ông hiện sống tại Hà Nội, là dịch giả, nhà nghiên cứu.

Ông là cháu của Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha, là nhà văn hóa, dịch giả và cư sĩ Việt Nam, tác giả Hán Việt tự điển.

Công Bắc

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm