29/07/2020 06:58 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Đó là một câu tục ngữ có cấu trúc so sánh quen thuộc. Dân gian thường mượn cấu trúc “A chẳng (không) bằng B”. Ví dụ: “Vợ dại không hại bằng đũa vênh”, “Chồng đánh còn hơn gánh gồng”, “Chửi cha không bằng pha tiếng”... Thường trong những biểu thức so sánh như vậy, người nói đã tận dụng triệt để lối nói ngoa dụ (“ngoa dụ” là cách nói so sánh phóng đại nhằm diễn đạt ý một cách mạnh mẽ) để chuyển tải một thông điệp ngữ nghĩa sao cho ấn tượng và hiệu quả.
Ở đời, ai cũng có cha có mẹ. Đó là hai bậc sinh thành máu thịt, những người có công dưỡng dục mà ta suốt đời không thể quên. Cha chết (mất) hỏi còn có gì đau hơn nữa? (“Khóc như cha chết” kia mà!). Ấy vậy mà chuyện động trời này còn thua một hiện tượng thiên nhiên đôi khi xuất hiện trong cuộc sống. Đó là chuyện “đỏ lò Tây Bắc”.
Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển Tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2020) giải nghĩa câu này là: “Cha chết cũng chẳng đáng lo bằng chân trời phía Tây Bắc ửng lên cái sắc đỏ của than hồng (vì đó là điềm sắp xảy ra trận bão lớn). Hay dùng để chỉ rõ nỗi kinh hoàng mà bao người phải nếm trải khi sắp phải đối mặt với một trận bão lớn”.
“Đỏ lò Tây Bắc” ở đây là một áng mây có màu đỏ ối bất ngờ xuất hiện ở chân trời phía Tây Bắc mà hình thù đám mây (hay khoảng không) này khá to, rực hồng, giống như màu lửa từ chiếc lò than (than củi, than hoa) mà các gia đình ngày xưa hay sử dụng. “Lò” này thường xuất hiện vào buổi chiều hôm, bóng mặt trời đã ngả. Không giống màu vàng trong “ráng mỡ gà ai có nhà phải chống”, cũng không giống hai màu vàng, đỏ trong “vàng gió đỏ mưa” (những màu này của mây trời cũng là điềm báo thời tiết thay đổi bất lợi).
Đỏ lò có một màu sắc khác lạ. Nó có màu đỏ đậm, rực rỡ, nom chói mắt. Cái “chói” tới mức khó chịu đó báo hiệu sự thay đổi của thời tiết bất thường: Mưa to và gió lớn. Mà mưa, nắng và gió thì ta gặp nhiều trong cuộc sống. Nhưng nếu nó xuất hiện bất bình thường thì hẳn là có chuyện. Gió to quá sẽ thành giông hoặc bão. Mưa to quá sẽ dẫn đến ngập lụt dâng tràn. Những hiện tượng đó đều dẫn đến bất ổn, gây rủi ro cho cuộc sống của con người.
Theo kinh nghiệm dân gian, mọi dấu hiệu được thể hiện qua không gian bầu trời (do hình thù và màu sắc của mây, của hơi nước ngưng tụ - cầu vồng, mống cụt...) nếu xuất hiện từ từ và dần mất đi trong một khoảng thời gian dài hay khá dài thì các biến cố thời tiết (mưa, giông) dự báo đó sẽ đến chậm. Còn nếu nó diễn ra nhanh mạnh, mất đi nhanh trong chốc lát thì mưa (mưa rào, mưa đá), giông bão sẽ đến ngay. Chúng xuất hiện chiều hôm trước, có khi chỉ dăm ba hôm sau là bão giông “ập tới” nhãn tiền.
“Ráng mỡ gà” bỗng nhiên xuất hiện và bỗng nhiên biến mất thì ta phải mau mau tỉa cành cây, sắm dây để chằng buộc nhà cửa, chuồng trại cho cẩn thận. Kẻo thiên tai đến nhanh và mạnh, đến nỗi ta không có cơ hội sửa sai.
“Đỏ lò Tây Bắc” thường xuất hiện ít hơn “ráng mỡ gà” hay “cầu vồng mống cụt” hay “mây vàng mây đỏ”. Nhưng khi ta nhìn thấy “lò” này đỏ rực trên bầu trời là điềm báo bất ổn do thiên tai đem lại sẽ rất khốc liệt. Mưa to bão lớn bao giờ cũng mang lại hậu quả không lường trước được.
Mây đen, mây trắng không sao
Mây đỏ cẩn thận, mưa rào bão giông…
PGS-TS Phạm Văn Tình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất