Chữ và nghĩa: Cò chết vì vần, vạc chết vì nhịp

11/12/2024 18:14 GMT+7 | Văn hoá

Có một bài ca dao quen thuộc:

- Cái cò, cái vạc, cái nông

Sao mày giẫm lúa nhà ông, hỡi cò!

- Không, không, tôi đứng trên bờ

Mẹ con nhà nó đổ ngờ cho tôi…

Ta thấy, trong bài ca dao, có 4 nhân vật hiện diện (ông chủ ruộng lúa, cái cò, cái vạc, cái nông) và có 2 nhân vật tham gia cuộc đối thoại: Ông chủ và cái cò.

Cò là "một loài chim có chân cao, cổ dài, mỏ nhọn, lông thường trắng, sống thành bầy ở gần vùng nước, ăn các loài tôm cá nhỏ". (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Trong dân gian xưa, cò là nhân vật gần gũi, quen thân với ruộng đồng và với con người.

Câu chuyện bắt đầu bằng hiện trường "ruộng lúa bị ai giẫm" và ông chủ ruộng cho rằng chú cò là thủ phạm.

Chữ và nghĩa: Cò chết vì vần, vạc chết vì nhịp - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Điều lạ là việc ông chủ kia buộc tội chú cò rất vô căn cứ, không dựa trên một bằng chứng nào hết. Qua mô tả, ta hình dung ra có 3 con vật liên quan đến ruộng đồng sông nước (cò, vạc, nông) đang hiện diện và cả 3 con vật này đều được coi là nghi phạm. Nhưng không hiểu sao, vừa trông thấy 3 con (đứng bên bờ ruộng) là ông quy tội cho cò ngay.

Theo tôi, cò bị lôi ra và bị quy là thủ phạm chỉ vì vần và nhịp. Trong thơ lục bát, âm tiết cuối cùng của câu lục phải cùng vần với âm tiết thứ 6 của câu bát. Vậy "ông" (câu thứ 2) vần với "nông" câu thứ nhất. Âm tiết cuối cùng của câu thứ 2 chỉ có thể là "cò", vì câu thơ không thể là "Sao mày dẫm lúa nhà ông, hỡi nông!" và cũng không thể là "Sao mày dẫm lúa nhà ông, hỡi vạc!". Viết như thế câu thơ nghe rất ngang vì phá vỡ vần và nhịp cần tuân thủ của thơ lục bát. Thế là cò bị đổ oan (dù sau đó thanh minh đủ kiểu, trong biến thể một bài khác, cò đã đổ cho vạc: "Mẹ con cái vạc đổ ngờ cho tôi").

Vạc đã thoát tội trong bài ca dao này. Nhưng sang một bài khác thì vạc lại là kẻ chịu trận:

"Cái cò, cái vạc, cái nông

Ba con cùng béo vặt lông con nào?

Vặt lông con vạc cho tao

Hành, răm, nước mắm bỏ vào mà thuôn".

Lần này thì cò, vạc, nông nằm trong tình thế "Có 1 con (trong 3 con) cần phải đưa ra làm thịt (vặt lông)". Ông chủ đang băn khoăn xem "vặt lông con nào?". Cả "ba con cùng béo" thì thịt con nào chả được! Nhưng chú vạc bị lôi ra "xử trảm" vì chữ "vạc" có thanh điệu nặng thuộc thanh trắc. Theo luật, âm tiết thứ 4 của câu bát luôn luôn là thanh trắc. Mọi người đều rõ, trong thể loại thơ này, các âm tiết mang thanh huyền, thanh ngang được xếp vào thanh bằng; âm tiết mang thanh sắc, hỏi, ngã, nặng được xếp vào thanh trắc.

Quy tắc cơ bản của cặp câu lục bát là các tiếng thứ 2, 6, 8 mang thanh bằng, tiếng thứ 4 mang thanh trắc, còn lại có thể tùy ý theo tác giả; Ví dụ: "Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau" (Truyện Kiều), hoặc "Đêm qua ra đứng bờ ao/ Trông cá cá lặn trông sao sao mờ" (ca dao) thì các âm tiết cõi, mệnh, đứng, lặn đều thuộc thanh trắc. Làm khác đi sẽ làm cho câu thơ lỡ nhịp, không giữ được nhịp điệu của thơ "lên bổng xuống trầm" cần có.

Cò và nông thuộc thanh bằng nên ung dung không bị đưa vào âm tiết thứ 4 (phải là thanh trắc). Vạc (thanh trắc) hết đường chạy!

Ta lại nhớ tới một bài ca dao khác:

"Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay…".

"Bước xuống vườn cà" không thể "hái nụ tầm xuân" được. Không ai trồng cây tầm xuân (cây mọc hoang, cùng loại với hoa hồng, hoa nở có màu trắng phớt hồng) trên vườn cà (cây thân cỏ, có nhiều loài, lá có lông, hoa màu tím, quả chứa nhiều hạt, dùng để muối chua hoặc nấu các món ăn). Đang hái hoa trên cây bưởi chỉ có thể bước xuống bụi tầm xuân hái hoa hoặc bước xuống vườn cà hái quả (hoặc bước xuống vườn nào đó, vườn khoai, vườn cà chua chẳng hạn). Sở dĩ có câu thơ trên ("Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân") là để cho "cà" câu sau hiệp vần với "hoa" ở câu trước.

Niêm luật của thơ nhiều khi ảnh hưởng nhiều tới cách đặt chữ, gieo vần đối với người sáng tác. Chính vần và nhịp kéo thơ đi. Hai bài ca dao trên là một ví dụ. Cả con cò và con vạc đã "chết" vì vần và nhịp. Tội nghiệp cho cò và vạc quá! Chúng chết mà không "tâm phục khẩu phục".

Chỉ vì vần, nhịp ca dao

Mà cò và vạc lao đao cuộc đời.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm