17/01/2024 18:00 GMT+7 | Văn hoá
"Đòn gánh" là cái gì nhỉ? Đó là một cái "đòn dùng để gánh, thường làm bằng một đoạn tre chẻ đôi hoặc một thanh gỗ đẽo bẹt, 2 đầu có mấu để giữ đầu quang" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).
Bây giờ nhiều người ít biết đến dụng cụ này. Nhưng những người làm đồng áng không thể không biết tới những dụng cụ dùng cho việc gồng gánh (để vận chuyển vật dụng, phân bón, lúa thóc, khoai, ngô…) như các loại quang, thúng, mủng, rổ và các loại đòn gánh (dài hay ngắn, nhỏ hay to bản).
Đòn gánh, như từ điển đã dẫn, thường được làm bằng một nửa thân cây tre. Người ta chọn cây tre già đặc ruột, chắc nặng, pha (chẻ) ra làm đôi rồi dùng dao đẽo gọt khá lâu, sao cho cây đòn này phẳng dẹt, cân đối, đàn hồi, 2 đầu phải có 2 mấu (giữ cho quang ở 2 đầu hay vật dụng gánh được treo vào không bị trôi tuột khi di chuyển).
Khi gánh, đòn gánh được đặt trên vai và toàn bộ sức nặng của vật gánh đè lên thân thể người gánh. Đó thực sự là một công việc vất vả, nặng nhọc.
Vậy chuyện "đòn gánh đè vai" là bình thường (mà mọi người nông dân đều phải trải qua) chứ có gì đặc biệt để đưa vào từ điển tục ngữ Việt Nam nhỉ? Đẽo đòn gánh (thì) đòn gánh đè vai là hiển nhiên như mọi sự tình theo quy luật bình thường.
***
Tất nhiên, dân gian chỉ mượn câu này để chuyển tải một thông điệp ngữ nghĩa khác. Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) giải nghĩa câu này là: "Đẽo ra cái đòn gánh lại hay bị những cái đòn gánh ấy đè lên vai. Hay dùng để than phiền về một tình cảnh hết sức trớ trêu nhưng lại gặp ở đời: Làm việc tốt, việc phải lẽ ra phải được nhớ ơn, nhưng trái lại, phải hứng lấy bao tai vạ".
Như vậy, chuyện cái đòn gánh đã được "ẩn dụ hóa" để nói sang chuyện cuộc đời. Cũng bởi, trong cuộc sống, ta hay gặp những trường hợp như thế. Người làm việc tốt, đem lại lợi ích, điều hay, điều thiện, điều lành cho người khác nhưng tiếc thay, chính họ lại nhận về mình điều dở, điều không hay, thậm chí sự rủi ro, tai họa.
Tác giả Việt Chương (trong Từ điển thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, quyển thượng, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2002), sau khi giải thích nghĩa đen có bổ sung thêm: "Nghĩa bóng của câu này là, ở đời có của nhưng chưa chắc đã được sống nhờ của. Cũng như kẻ có con, tưởng là được nhờ con, nhưng không ngờ chính con cái lại có đứa là gánh nặng cho mình".
"Làm ơn không được trả ơn mà lại bị trả oán" là nghịch lý ở đời, nhưng tiếc thay, điều này vẫn xảy ra.
Không chỉ có con cái trở thành gánh nặng cho bố mẹ (ăn chơi lêu lổng, hư hỏng, làm điều xấu, làm mất thể diện, thậm chí hủy hoại thanh danh, đem tai họa cho bố mẹ) mà còn có thể những đối tượng khác. Học trò được thầy dạy dỗ, dìu dắt nhưng phản thầy, làm xấu mặt thầy. Nhân viên cấp dưới được thủ trưởng nâng đỡ, trọng dụng, cất nhắc nhưng không xứng đáng, mất tư cách và còn có kẻ xấu tính "phản thùng", liên kết với người khác làm mất đoàn kết nội bộ để hại chính "sếp" (vốn là ân nhân, giúp đỡ mình)…
Có quá nhiều chuyện như vậy trong "đời thường muôn mặt", mà từ sự "tương đồng về bản chất" của những trường hợp như thế, dân gian đã tổng kết thành câu tục ngữ, làm nên bài học cho cuộc đời hôm nay.
Đòn gánh đè nặng trên vai
Trách người tráo trở, đơn sai, bạc tình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất