Chữ và nghĩa: Hành vi "phản chuẩn"

09/04/2025 18:00 GMT+7 | Văn hoá

"Chửi" là hành động "thốt ra những lời lẽ thô tục, cay độc để xúc phạm, làm nhục người khác" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Xem ra hành động này không được hay, không được khuyến khích. Từ lâu, chửi (chửi bới, chửi mắng, chửi rủa…) luôn được xếp vào hành vi "phản chuẩn" xét từ mọi khía cạnh, nhất là từ góc độ văn hóa.

Nguyễn Thị Tuyết Ngân (trong "Đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa trong các lối chửi của người Việt" // "Việt Nam - Những vấn đề ngôn ngữ và văn hóa", Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, 1993), đã đưa ra 6 tiêu chí xác định khái niệm "chửi": 1. Nguyên nhân: Sự bất bình; 2. Mục đích (với người chửi): Làm giảm căng thẳng tinh thần, lập lại cân bằng tâm lý; 3. Mục đích (với người bị chửi): Hạ uy tín; 4. Công cụ: Ngôn từ; 5. Hình thức: Chủ động; 6. Cách thức: Phản chuẩn mực - (trang 72).

Mặc dù, chửi được coi là hành vi phản chuẩn (đã phản chuẩn là không ai cổ súy). Tuy nhiên, chửi vẫn xuất hiện trong đời thường. Đa số hành động chửi xảy ra trong các tình huống mà 2 đối tượng (người chửi và người bị chửi) mặt đối mặt. Cha mẹ, ông bà chửi con, chửi cháu (khi cáu giận). Bạn bè, hàng xóm chửi nhau (khi cãi nhau, mất lòng vì có hành động, lời lẽ không hay). Người đi đường chửi người đi đường (khi có va chạm, bất luận đúng sai)…

Chữ và nghĩa: Hành vi "phản chuẩn" - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo

Người ta chửi (hoặc chửi bới, chửi rủa) không chỉ cốt cho hả giận, mà còn là một hành vi đe dọa thể diện, thậm chí nhục mạ đối tượng tới mức cao nhất. Trong những tình huống đó, cao trào của hành vi này có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường (nhẹ thì xô xát, nặng thì dẫn đến bạo lực gây thương tích, có khi thiệt mạng). Không hiếm những chuyện chửi bới dẫn đến bất hòa, kiện cáo, anh em, bè bạn, đồng nghiệp lìa bỏ nhau, kẻ bị thương tật, người lìa đời… Thật là đau xót.

***

Nhưng cũng có những trường hợp không chửi trực diện mà chửi gián tiếp. Đó là chuyện "chửi đổng". Mặc dù 2 đối tượng đang đối mặt nhau, nhưng lời chửi lại không "rõ ràng" là hướng về ai. Chửi đổng là lối "chửi bâng quơ, không nhằm vào ai cụ thể, không chỉ đích danh" (từ điển, đã dẫn).

Chửi đổng cũng có thể dùng những ngôn từ xấu xa, tục tĩu nhưng lại là những lời lẽ cạnh khóe, bâng quơ. (VD: Nói ngu như thế mà cũng nói; Người ta đang cười vào mũi về chuyện này, thật không biết nhục…). Tuy hình thức là "bâng quơ", nhưng người chửi đều có dụng ý nhằm vào người mình đang nghi ngờ làm cho đối tượng "giật mình", có cảm giác người chửi đang nhằm vào chính họ (mà không làm gì được).

Bà nọ mất gà chõ sang nhà hàng xóm (mà bà nghi ngờ) rồi réo chửi qua đêm. Kẻ gian ngồi cùng phòng bị đồng nghiệp nói mát, chửi bóng gió nhưng không thể lên tiếng (lên tiếng hóa ra tự nhận?!).

Trong cuốn "Đa-ghe-xtan của tôi", R. Gamzatov đã kể một giai thoại, để có tư liệu viết trường ca "Người đàn bà miền núi", ông đã lặn lội tìm đến nhà một bà già (cùng quê) chửi khiếp đến nỗi "chưa từng chịu thua ai" nhằm sưu tầm một lời chửi thích đáng.

Bây giờ, còn có hiện tượng chửi đổng "không đối tượng, không biên giới". Đó là chửi bóng gió qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, YouTube, TikTok…). Chửi đổng thế này mới khiếp. Nó vượt qua mọi cự li khoảng cách, vượt qua thời gian, không gian. Nó như một ngọn lửa âm ỉ, hoặc lan tỏa rất nhanh, gây sự nghi ngờ, mất niềm tin, xói mòn các giá trị xã hội… Không hiếm những người có thói quen chửi đổng, liên tục tung hỏa mù, gây rối, chia rẽ trong cộng đồng.

Chửi đổng không nhắm người nào

Nhưng mà tai họa chẳng sao đo lường.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm