Chữ và nghĩa: Hoán dụ

05/06/2024 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Nhà Trắng = Washington = Mỹ? Sao lại có một đẳng thức lạ lùng thế nhỉ? Chỉ liếc qua thì ta đã nhận ra đây là 3 cái tên khác nhau, 3 địa danh có sở chỉ (reference, còn gọi là quy chiếu, tức đối tượng mà từ biểu thị) khác nhau.

Nhà Trắng (tiếng Anh: The White House), trong tiếng Việt còn có tên gọi khác là Tòa Bạch Ốc, Bạch Cung. Nhà Trắng tọa lạc trên Đại lộ Pennsylvania NW thuộc Washington- DC. Đây là nơi ở và nơi làm việc của các đời tổng thống Mỹ.

Washington, tên chính thức là Đặc khu Columbia (tiếng Anh: District of Columbia), còn được gọi là Washington DC, thủ đô và là đặc khu liên bang duy nhất của nước Mỹ. Thành phố này được đặt theo tên của George Washington, một người lập quốc và là vị tổng thống đầu tiên của Mỹ.

Còn Mỹ (tiếng Anh: United States of America) là địa danh, tên quốc gia đã quá quen thuộc trên thế giới. United States of America có nghĩa là "các nước liên hợp (của/thuộc) châu Mỹ" (America: châu Mỹ). Đây là một quốc gia có vai trò quan trọng trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao… trên thế giới.

Chữ và nghĩa: Hoán dụ - Ảnh 1.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba cái tên khác nhau, nhưng chỉ có các tên Mỹ/ Hợp chúng quốc Mỹ, Hoa Kỳ/ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ được dùng để chỉ một quốc gia trên thế giới (trong số 193 quốc gia là thành viên Liên hiệp quốc), ví dụ: Hợp chúng quốc Hoa Kỳ có 50 bang; Nước Mỹ đã đăng cai World Cup năm 1994; Bill Gates là tỷ phú người Mỹ…

Tuy nhiên, trên báo chí ta vẫn thấy viết, đại loại: Nhà Trắng đã lên tiếng về sự kiện…; Đó không phải là quan điểm của Tòa Bạch Ốc; Nhà Trắng chính thức xác nhận Tổng thống sẽ đi thăm châu Phi… Hoặc Washington chưa có bình luận gì… Trong những trường hợp trên, Nhà Trắng (Tòa Bạch Ốc) hoặc Washington là từ thay thế, được dùng để chỉ "nước Mỹ". Hai địa danh cụ thể này (Nhà Trắng, Washington) trong những ngữ cảnh cụ thể, đồng nhất với "nước Mỹ" (đồng nghĩa ngữ cảnh).

Đó là một biện pháp tu từ hoán dụ (metonymy).

Hoán dụ là hiện tượng chuyển tên gọi một đơn vị, một sự vật, một hiện tượng cụ thể nào đó để chỉ một đơn vị, một sự vật, một hiện tượng khác, mang tính khái quát. Chẳng hạn, dùng "áo trắng" chỉ "nữ sinh", dùng "mận, đào" (là 2 thứ quả) để chỉ 2 đối tượng đang yêu nhau ("Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?"), dùng "Chiến binh Sao vàng" để chỉ "Đội tuyển bóng đá Việt Nam"… Người ta chọn một dấu hiệu tiêu biểu "đại diện" để chỉ cho sự vật, thực thể, quốc gia đang nói tới.

Việc lấy tên gọi nơi làm việc của cơ quan quyền lực hoặc thủ đô một nước để chỉ một quốc gia đang là cách dùng phổ biến hiện nay, như dùng "Điện Élysée/Paris" để chỉ nước Pháp, "Điện Kremlin/ Moskva" để chỉ nước Nga, "Bình Nhưỡng" để chỉ CHDCND Triều Tiên... Cách gọi hình thành từ thủ pháp hoán dụ như vậy tạo nên các biến thể tên gọi, tránh lặp lại, làm đa dạng và phong phú thêm trong việc đưa tin và diễn giải các sự kiện, nhất là các sự kiện liên quan tới ngoại giao và chính trị…

Ngoài ra, người ta còn có thể tạo từ "hoán dụ - biểu trưng" khác, như: Đất nước của núi Phú Sĩ (Nhật Bản), Xứ sở Vạn Đảo (Indonesia)... Đó chính là xu hướng "phái sinh tạo từ" khá quen thuộc hiện nay.

Một cô "áo đỏ" trên đồi

Anh dùng "hoán dụ" chính người anh yêu

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm