19/10/2022 07:10 GMT+7
Hai câu ca dao “Nửa đêm, giờ Tý, canh ba/ Vợ tôi, con gái, đàn bà, nữ nhi” có thể nhiều người đã biết, hoặc có thể chưa từng nghe. Nhưng dù là người đã biết hoặc chưa biết, đều thấy ngạc nhiên khi cảm nhận. Có điều gì đặc biệt ở đây nhỉ?
Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY
Hai câu thơ lục bát có 14 tiếng (âm tiết), song khác với các câu ca dao thông thường, hai câu này không miêu tả một diễn biến sự tình cụ thể nào, mà chỉ nêu “một thời điểm” và “một nhân vật”. “Thời điểm” ở đây là khoảng thời gian xác định (trong đêm) theo cách phân chia dân gian (nửa đêm, giờ Tý, canh ba).
Nhân vật ở đây là một người phụ nữ (con gái, đàn bà, nữ nhi), (tiền giả định là) đã có chồng (vợ tôi). Kể ra, đọc lên, ta vẫn có thể hình dung ra một sự tình đơn giản: Một cô gái (đã có chồng) trong khung cảnh thời gian lúc nửa đêm.
Cái khác lạ cần nói ở đây là ở mỗi câu thơ, dù có nhiều từ, nhưng ta chỉ có thể thiết lập được một ngữ cảnh đồng nghĩa. Bởi theo cách tính dân gian, “giờ Tý” (thời gian từ 23h ngày hôm trước đến 1h ngày hôm sau) chính là “canh ba”, theo cách phân chia một đêm thành 5 “canh”. Như vậy, nửa đêm = giờ Tý = canh ba. Ba từ này “đồng nghĩa” với nhau.
Câu thứ hai (câu bát) ta thấy có 4 từ. 4 từ này, nếu thực hiện phép quy chiếu thì chỉ là một người (con gái, đàn bà, nữ nhi) thuộc giới tính nữ (đối lập với “nam”) và người “nữ” này được xác nhận thêm thông tin gia cảnh là “đã có chồng” (vợ tôi).
Vậy chả lẽ hai câu ca dao này ngoài việc “xác lập hiện trạng” không có một giá trị ngữ nghĩa nào hay sao? Tất nhiên là không. Mọi sáng tác văn học dân gian (folklore) đều hàm chứa một thông điệp ngữ nghĩa cần truyền tải. Vậy việc lặp lại từ trong câu thơ trên phải nhằm mục đích gì chứ?
Có cô giáo khi dạy tiếng Việt, đã xếp 3 từ “con gái, đàn bà, nữ nhi” vào dãy đồng nghĩa. Ta sẽ lần lượt phân tích từng từ một xem nhé.
“Con gái” là một từ chỉ “con đẻ của ai đó, thuộc giới nữ” và “thường còn trẻ, chưa có chồng”. Điều này mâu thuẫn với từ đứng trước đó (vợ tôi). Song “con gái” trong câu thơ trên chỉ lấy một nét nghĩa là “phụ nữ vẫn còn trẻ”.
“Đàn bà” chỉ “người thuộc nữ giới, thường đã nhiều tuổi, phân biệt với đàn ông”. Điều này mâu thuẫn với từ trước (con gái, còn trẻ). Nhưng “đàn bà” trong câu thơ trên sử dụng với hàm ý “Đàn bà nói chung, không phải thuộc những người có vai trò quan trọng trong gia đình (và trong xã hội). Họ là người phụ thuộc, đàn ông mới là trụ cột: “Tròng trành như nón không quai/ Như thuyền không lái như ai không chồng”.
“Nữ nhi” (女兒), một từ Hán Việt, một từ cũ, cũng dùng để chỉ “người đàn bà, con gái”. Nhưng từ này thường dùng trong văn chương, có nét nghĩa chỉ người con gái nào đó có thể trạng và tính cách yếu đuối (giống như các tiểu thư con nhà quyền quý).
Tựu trung, hai câu ca dao này là lời thốt lên từ một chàng trai, mô tả một sự tình đặc biệt, éo le. Rằng, vào lúc nửa đêm khuya khoắt, có cô gái nọ, đã có chồng, còn trẻ, yếu đuối (liễu yếu đào tơ). Cô ta đang ở cảnh yếu thế. Vì vậy, cô rất cần được thông cảm, chở che và giúp đỡ. Đó là thông điệp ngữ nghĩa toát lên từ bài ca dao hết sức ngắn gọn này. Chúng ta biết, trong phát ngôn, các từ đồng nghĩa (khác nhau về phong cách chức năng) sẽ không thể đứng cạnh nhau (như đã dùng “ăn” sẽ không dùng từ “xơi”, hoặc “chén”, hoặc “hốc”). Vậy việc cố ý vi phạm nguyên tắc này, câu ca dao đã đem lại một sắc thái ngữ nghĩa riêng biệt.
Bắt đầu từ chuyện “nửa đêm”
Lời thương nhắn gửi tới em “một mình”
PGS-TS Phạm Văn Tình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất