Vụ chùa Trăm Gian bị hủy hoại: Di tích là tài sản của ai?

28/08/2012 09:04 GMT+7 | Văn hoá


Chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) sau vụ mất trộm bốn bức "Thập điện Diêm Vương" suốt 10 năm mới tìm lại được, người ta đã gia cố rất nhiều khóa và then cửa gỗ, sắt. Ðúng là nội bất xuất, ngoại bất nhập.


Nhưng sự "kín đáo" đó ai ngờ lại là tiền đề để người ta tàn phá di sản nhanh hơn...

Ấy là khi nhà chùa "vận động" đủ tiền tỉ, ngẫu hứng và thiếu hiểu biết, thuê thợ hò nhau dỡ bỏ nhiều hạng mục tuyệt mỹ của di tích cổ có từ thời Lý ra, xây mới 100%!

Vì sao có chuyện khó tin nhưng có thật này? Vì chúng ta đã để những lỗ hổng quá lớn trong quản lý di tích. Báo Tuổi Trẻ từng có loạt bài "Báo động từ di tích!" (Tuổi Trẻ từ 24 đến 28-3-2009) cũng như cả hệ thống bài "tố cáo" việc những báu vật kiến trúc, văn hóa, lịch sử bị người dân, ban quản lý di tích ở địa phương và cả các ban bệ thiết kế thi công coi thường giá trị cha ông "phá ra làm mới", "bóc ra sơn lại", "đang tốt cũng cứ muốn sửa". Người ta bảo nhà báo ơi, đóng góp vài đồng đi, cứ có đủ vài triệu đồng là "chúng em đi sơn lại tất tật các pho tượng trong đền (chùa) này". "Dân tôi thì muốn xây đình làng hai tầng cơ, lắp cái điều hòa vào cho nhà thánh được mát mẻ". Ngay ở chùa Trăm Gian đang ầm ĩ "bê bối" lúc này, nhiều người cũng rất tự hào vì "nhà chùa giỏi ngoại giao", xin được nhiều tiền, dân thôn thích thú phá bỏ hết gỗ lạt, ngói gạch, cấu kiện cũ ra làm mới.

Một số người dân và vài kẻ "mê muội" đôi khi thiếu hiểu biết đã đành, kẽ hở trong quản lý của cơ quan chức năng mới là đáng sợ. Chùa Trăm Gian bị dỡ, phá, xây mới suốt hơn 100 ngày, chính quyền thôn, xã, huyện, sở, cục... không biết gì. Ðặc biệt kinh hãi hơn nữa là việc mập mờ, mặc kệ trong vấn đề quy định và ràng buộc trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ di sản. Di tích quốc gia đã bị hủy hoại nhiều hạng mục cực kỳ quan trọng ở rất nhiều nơi. Thử hỏi có ai bị xử lý, truy tố, đền bù thiệt hại, mất chức mất quyền?

Không ai cả! Không ai chịu trách nhiệm hoặc bị xử lý kỷ luật xứng tầm cả.

Di tích quốc gia đền Và (Sơn Tây, Hà Nội) bị trùng tu sai, phá dỡ bừa bãi, làm mới di sản khi nó còn vững chãi. Khi Tuổi Trẻ lên tiếng ("Bức tử đền Và!", Tuổi Trẻ ngày 14, 15 và 16-1-2009), rồi VTV và các báo vào cuộc, phó chủ tịch thành phố (nay là thị xã) Sơn Tây yêu cầu đình chỉ, kiểm tra công trình. Rồi đâu vẫn vào đó, di tích vẫn mới toe mọc lên, công trình hơn chục tỉ vẫn vô tư nghiệm thu và không ai bị làm sao cả.

Cạnh đó, thành cổ Sơn Tây liên tục bị làm mới, mỗi dự án hàng chục tỉ đồng, phá cổng thành, phá tường thành, đến khi Cục Di sản cho trùng tu thì làm sai so với các nội dung mà cục yêu cầu tuân thủ ("Thành Sơn Tây lại thất thủ", Tuổi Trẻ ngày 18, 19 và 20-11-2010). Lại đình chỉ và lại cho thi công theo đúng... hệ thống sai đó. Tòa thành mới nghiễm nhiên mọc lên với lồ lộ những cái sai. Và không ai làm sao cả.

Kế đó, đình Mông Phụ bị trùng tu theo lối dỡ trắng, cấu kiện gạch, gỗ đều sai. Sở văn hóa bấy giờ phải về yêu cầu làm lại, đơn vị thiết kế, thi công xin lỗi dân. Họ phải đổi ban bệ nghiệm thu mấy lần. Nhưng rồi cũng xong. Cũng không ai bị gì.

Nội trong làng cổ Ðường Lâm, năm 2012 báo chí lại thống thiết lên tiếng khi người ta lập dự án bừa bãi, lấy tiền thuế của dân gồm nhiều tỉ đồng làm con đường bêtông như lưỡi dao bầu sáng loáng xẻ đôi và chọc tiết di tích quý ("Ðường bêtông... xiên vùng lõi di sản", Tuổi Trẻ ngày 15, 17-11-2011). Sai đến thê thảm, kệch cỡm đến kinh hoàng. Lãnh đạo, chuyên gia đều thừa nhận là sai. Sai vẫn làm, làm vẫn xong, xong vẫn sử dụng và... không ai bị làm sao cả. Những tiền lệ đáng sợ để kẻ xấu tiếp tục xông lên, phá di tích xây mới để kiếm lời.

Nếu tội phá đình, phá chùa, phá di sản trước đây được xử lý nghiêm, các công ty, đơn vị chuyên làm mới di tích, chuyên vẽ dự án nói là chùa đình hỏng đến nơi cần mua vật liệu đắt đỏ thay thế vào... kia sẽ không tác yêu tác quái như lâu nay. Nếu người dân và ngành văn hóa, chính quyền cơ sở thực hiện chức năng giám sát của mình; bất cứ ai cũng không thể tự ý làm mưa làm gió giết chết di tích để rồi nước mắt ngắn dài nhận lỗi là xong!

Và sẽ không có hệ lụy mang tên chùa Trăm Gian hôm nay ("Chùa Trăm Gian bị hủy hoại", Tuổi Trẻ ngày 26 và 27-8-2012). Di tích vẫn bị hủy hoại một cách có hệ thống. Hỏi, di tích là tài sản, báu vật của ai? Chẳng biết trả lời thế nào. Nó là của ai mà không ai giữ cả như thế nhỉ? Cũng có thể nó là của chung, cha chung không ai khóc.



Đình chỉ thi công và có biện pháp xử lý vi phạm

Ngày 27-8, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải đã ký văn bản gửi UBND TP Hà Nội, theo đó đề nghị TP chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện ngay một số công việc: đình chỉ việc thi công tại di tích chùa Trăm Gian và có biện pháp xử lý vi phạm; bảo vệ toàn bộ cấu kiện gỗ, chân tảng, ngói lợp cũ của nhà tổ, gác khánh và bậc cấp cũ trước sân tiền đường; nhanh chóng xây dựng phương án phục hồi nguyên trạng nhà tổ, gác khánh và bậc cấp sân trước tiền đường trên cơ sở tái sử dụng tối đa các cấu kiện cũ của công trình và thiết kế đã được thỏa thuận; thực hiện các thủ tục để tu bổ di tích theo quy định.

Cũng trong văn bản này, Bộ VH-TT&DL cho biết công trình nhà tổ, gác khánh và bậc cấp từ gác chuông lên sân tiền đường đã bị nhà chùa dỡ bỏ hoàn toàn và được xây dựng mới. Nhà tổ cơ bản đã được lợp mái, gác khánh đã lắp dựng xong bộ khung gỗ. Kiến trúc hai công trình này được nhà chùa cho thi công không dựa trên thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Toàn bộ cấu kiện gỗ, ngói lợp và chân tảng cũ của nhà tổ, gác khánh đã bị nhà chùa loại bỏ, để chất đống phía sau chùa và không được bảo quản tốt.

Sư trụ trì chùa Trăm Gian nhận trách nhiệm tự ý tháo dỡ, thi công nhà tổ, gác khánh và bậc cấp phía trước tiền đường khi chưa được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền, đồng thời đơn vị thi công do nhà chùa thuê đều là thợ địa phương không có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Bộ VH-TT&DL khẳng định những hành vi trên đây là vi phạm Luật di sản văn hóa.

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm