(giaidauscholar.com) -
Đã hơn 1 tháng nay, người dân thôn Vĩnh An, xã Vĩnh Khúc, (Văn Giang - Hưng Yên) vô cùng bức xúc trước tình trạng ngôi chùa cổ An Tháp hơn 300 năm bỗng dưng bị một số người tự ý phá dỡ để xây mới, trong khi chưa xin phép các cấp có thẩm quyền. Đây là lần thứ 2 tại thôn Vĩnh An xảy ra việc tự ý phá dỡ di tích cổ trái với Luật di sản văn hóa. Trước đó, năm 2012, đình Ngu Nhuế là di tích lịch sử cấp Quốc gia cũng đã bị phá dỡ, gây nhiều bất bình trong dư luận.
* Tan hoang ngôi chùa cổ
Người dân thôn Vĩnh An cho biết: Đúng vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, khi người dân vui mừng đón năm mới, sáng mùng 3 Tết, ngôi chùa An Tháp bất ngờ bị một số người tự ý phá dỡ và tuyên bố là sẽ xây chùa mới. Cả dân làng ngỡ ngàng chưa kịp hiểu ngô khoai ra sao, toàn bộ ngôi chùa đã bị san phẳng. Những cấu kiện kiến trúc cũ đã bị chuyển đi nơi khác, chỉ còn lại một số ít đồ điêu khắc gỗ còn chỏng trơ. Người dân càng bất bình hơn khi ngôi chùa cũ bị phá dỡ, ngay trên nền cũ, ngôi chùa mới đã gấp rút được thi công.
Theo các vị cao niên ở thôn Vĩnh An, chùa An Tháp là ngôi chùa cổ kính, có niên đại trên 300 năm, mang đậm nét kiến trúc thời Lê, nằm trong quần thể di tích đình Ngu Nhuế. Ngôi chùa tọa lạc tại nơi phong thủy hữu tình, ẩn mình dưới bóng cây cổ thụ với vẻ đẹp trầm mặc soi bóng bên bờ sông Bắc Hưng Hải thơ mộng. Chùa được xây dựng theo kiến trúc “Nội công ngoại quốc”. Mái chùa được dựng với 8 mái đao cong vút chạm trổ đầu rồng. Bên trong ngôi chùa vẫn còn lưu giữ được nhiều mảng điêu khắc theo lối kiến trúc cổ, hoa văn sinh động và độc đáo, với các linh vật luôn hóa đổi thành chim muông, hoa lá, cùng cảnh sắc thiên nhiên phong vân vần vũ, góp phần bổ khuyết cho kiến trúc, đồng thời nâng cao giá trị mỹ thuật, tôn thêm vẻ uy linh, nghiêm cẩn, in đậm dấu ấn đặc trưng của thời Hậu Lê. Ngoàn ra tại đây còn lưu giữ một số cổ vật quý như: tượng phật cổ, các hoành phi câu đối được chạm khắc tinh xảo...
Ngôi chùa An Tháp cổ kính vốn đẹp và lưu giữ nhiều nét kiến trúc giá trị là vậy nên khi bất ngờ bị đập bỏ để xây mới, dân làng Vĩnh An vô cùng tiếc nuối và phẫn nộ. Người dân cho rằng, đã có một số người tự đứng lên thành lập ban kiến thiết và tự ý phá dỡ xây dựng dẫn đến việc làm sai quy trình, trái với Luật di sản văn hóa. Việc xuống cấp của ngôi chùa cần phải được trùng tu, nâng cấp, tuy nhiên một số người dân ở đây đã tự ý tháo dỡ hoàn toàn ngôi chùa để xây mới mà chưa xin phép các cấp có thẩm quyền.
* Qua mặt chính quyền địa phươngNgười dân thôn Vĩnh An cho biết, họ không đồng tình với việc một số người tự đứng lên thành lập Ban kiến thiết và tự ý tháo dỡ xây dựng dẫn đến việc làm sai quy trình, trái với Luật di sản văn hóa. Ông Hoàng Khắc Dược và nhiều người trong thôn chưa hết bất bình cho rằng, lẽ ra việc phá dỡ hay xây mới chùa đều phải có sự bàn bạc với dân, phải có sự đồng thuận, nhưng mọi người dân đều không được biết, không được bàn; ngược lại do một nhóm người nào đó ngấm ngầm tự ý, là có động cơ mục đích riêng nên gây xôn xao dư luận.
Chính quyền thôn Vĩnh An cũng kịch liệt phản đối, cho rằng Ban kiến thiết lâm thời chùa An Tháp tự ý tháo dỡ chùa đúng vào những ngày nhân dân đang vui Tết đón xuân để tạo tình huống bất ngờ rằng "sự việc đã rồi". Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng thôn Vĩnh An, dù chùa An Tháp có một số hạng mục đã xuống cấp cần phải tu sửa, thôn cũng đã lên phương án để đảo ngói và trùng tu nhưng một số người tự đứng lên và phá chùa, không thông qua lãnh đạo thôn, xã và nhân dân nên đây là việc làm sai cần phải xử lý.
Ông Lương Đình Quyên, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khúc cho biết: xã đang hoàn thiện hồ sơ gửi UBND tỉnh Hưng Yên và các ngành chức năng trình việc tu sửa nền, nâng mái chùa An Tháp, hồ sơ trên vẫn còn nằm ở UBND xã Vĩnh Khúc chưa kịp trình các cấp có thầm quyền thì một bộ phận người dân của thôn Vĩnh An đã tự ý tháo dỡ hoàn toàn chùa cũ và thi công xây mới. Ngay sau khi sự việc xẩy ra, UBND xã đã tiến hành lập biên bản đình chỉ tháo dỡ chùa, tuy nhiên, Ban kiến thiết chùa An Tháp vẫn cố tình thi công. Mới đây, UBND xã lại tiếp tục lập biên bản lần 2 để đình chỉ thi công nhưng mọi việc vẫn không chuyển biến.
Về phía Ban kiến thiết chùa An Tháp, ông Lê Văn Thắng tự xưng là Trưởng ban khăng khăng khẳng định, việc phá dỡ và xây mới là làm theo ý nguyện của nhân dân khi ngôi chùa đã cũ, còn Luật di sản văn hóa đề ra như thế nào, ông cũng không rõ. Sự thiếu hiểu biết của vị gọi là Trưởng ban này đã làm cho nhiều người dân càng thêm bức xúc.
Người dân Vĩnh An chưa quên vụ việc "động trời" năm 2012, cũng tại quần thể di tích nơi đây đã xẩy ra việc tự ý trùng tu và dịch chuyển di tích lịch sử Quốc gia đình Ngu Nhuế ra khỏi vị trí cũ hơn 20m không xin phép các cấp có thầm quyền, nay lại xẩy ra tình trạng phá chùa nói trên. Ông Nguyễn Văn Hậu và nhiều người dân Vĩnh An bức xúc cho hay: việc đình Ngu Nhuế bị phá dỡ đã hơn 2 năm dù bà con đã kiến nghị nhiều lần, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã có ý kiến chỉ đạo chấn chỉnh song đến nay mọi việc đã đi vào quên lãng. Chẳng hay vì thế mà một số người được thể đã "lấn tới" tự ý phá nốt ngôi chùa cổ trong sự nuối tiếc của cả dân làng. Dân thôn Vĩnh An cũng đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng, nhưng vẫn chưa có hồi âm.
Các cụ cao tuổi trong thôn Vĩnh An cho rằng, di tích đình chùa cổ là nơi lưu giữ những giá trị di sản quý của cha ông để lại, là nơi sinh hoạt cộng đồng để người dân nhớ về nguồn cội, có ý thức nâng niu, gìn giữ những giá trị quý báu mang đậm văn hóa Việt. Nếu cứ tự do phá bỏ, e rằng sẽ chẳng nơi nào còn lưu giữ được những giá trị văn hóa cho đời sau.
Hiện nay, tình trạng phá chùa cổ xây chùa mới diễn ra khá phổ biến ở Hưng Yên. Việc trùng tu, tôn tạo xây mới các di tích đều do các địa phương tự làm không tuân thủ theo nguyên tắc nào, dẫn đến nhiều di tích sau khi được "tân trang" đã biến dạng mất đi nét kiến trúc cổ và những tinh hoa văn hóa truyền thồng. Người dân mong ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương cần khẩn trương vào cuộc để chấn chỉnh việc trùng tu di tích theo đúng Luật di sản văn hóa.
Mai Ngoan - TTXVN