30/01/2022 23:19 GMT+7 | Bạn cần biết
(giaidauscholar.com) - Mâm ngũ quả ngày Tết là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Việt và có ý nghĩa rất quan trọng.
Nhưng tùy vào từng vùng miền, địa phương mà cách chọn trái cây cho mâm ngũ quả cũng như cách trưng bày lại khác nhau. Vậy mâm ngũ quả mỗi miền có ý nghĩa gì, cách trưng bày mâm ngũ quả đón Tết như thế nào?
Dưới đây là những thông tin để quý bạn đọc tham khảo:
Mâm ngũ quả là gì?
Mâm ngũ quả là một mâm trái cây với khoảng 5 loại quả khác nhau, chúng thường được nhiều gia đình Việt bày biện trên bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết Nguyên Đán. Mỗi loại trái cây trưng trên mâm ngũ quả thường mang một ý nghĩa khác nhau thông qua tên gọi, màu sắc của chúng cũng như cách sắp xếp.
Ý nghĩa của mâm ngũ quả 3 miền Bắc Trung Nam
Mâm ngũ quả ngày Tết thường được tượng trưng với 5 loại trái cây khác nhau và với người Việt thì con số 5 tượng trưng cho mong muốn được ngũ phúc lâm môn: Phú (giàu có, nhiều của cải); Quý (phẩm chất sang trọng); Thọ (sống lâu trăm tuổi); Khang ( có thật nhiều sức khỏe); Ninh (cuộc sống bình an).
Các loại hoa quả trưng trên mâm ngũ quả cũng mang những ý nghĩa khác nhau như:
Quả bưởi, dưa hấu: hứa hẹn một năm mới đủ đầy, nhiều may mắn.
Quả hồng, quýt: tượng trưng cho sự may mắn, hưng thịnh và thành đạt.
Quả lê: ngụ ý cho mọi việc luôn suôn sẻ, thuận lợi.
Quả lựu: tượng trưng cho mong muốn con cháu nhiều, vui nhà vui cửa.
Quả đào: thể hiện sự thăng tiến trong công việc.
Quả táo: có ý nghĩa phú quý.
Quả thanh long: mang ý nghĩa rồng mây gặp hội.
Trái dừa: có cách phát âm tương tự như “vừa” có nghĩa không thiếu.
Quả sung: mong muốn sung túc trong mọi mặt như sức khỏe, công việc, tình cảm,...
Đu đủ: mang ý nghĩa của sự đầy đủ, phồn thịnh.
Quả xoài: có cách phát âm na ná như “xài” có nghĩa cầu mong cả năm tiêu xài không thiếu thốn.
Mâm ngũ quả miền Bắc
Đối với người dân miền Bắc, mâm ngũ quả ngày Tết thường lựa chọn các loại trái cây tuân theo thuyết ngũ hành trong văn hóa phương Đông. Chính vì thế, những loại quả trưng bày sẽ được gia chủ phối theo 5 màu: Kim (màu trắng); Mộc (màu xanh); Thủy (màu đen); Hỏa (màu đỏ); Thổ (màu vàng).
Mâm ngũ quả miền Bắc đúng chuẩn phải có đầy đủ các loại trái cây như chuối xanh, bưởi, phật thủ, hồng, ớt, quất cảnh, sung, dứa,... với màu sắc rực rỡ nhưng phải hài hòa.
Chuối phải là chuối xanh, bày biện theo nải, tượng trưng cho sự sum vầy, đầm ấm của gia đình.
Bưởi màu vàng tượng trưng cho sự giàu có, gia chủ gặp nhiều may mắn.
Phật thủ có tác dụng lưu giữ thần, Phật và ông bà tổ tiên lưu lại trong nhà lâu hơn để phù hộ cho gia chủ và các thành viên trong gia đình.
Quất cảnh, quả hồng hay ớt đỏ được bày trí xung quanh để tô điểm sắc đỏ, màu vàng rực rỡ đẹp mắt cho mâm ngũ quả. Các loại quả này sẽ biểu tượng cho sự may mắn và thành đạt.
Quả dứa có hương thơm đặc trưng, thể hiện mong ước của gia chủ về một năm mới an lành, nhiều sức khỏe và phúc lộc.
Mâm ngũ quả miền Trung
Dải đất miền Trung thường gặp nhiều thiên tai, bão lũ, hạn hán quanh năm nên trái cây không được phong phú và đa dạng như miền Nam và miền Bắc. Chính vì thế, mâm ngũ quả ngày Tết của miền Trung sẽ rất đơn giản, không quá câu nệ hình thức, miễn thành tâm là được. Tùy thuộc vào từng điều kiện và hoàn cảnh gia đình mà bày biện mâm ngũ quả khác nhau.
Một số loại quả thường xuất hiện trong mâm ngũ quả của người miền Trung như thanh long, chuối, dứa, mãng cầu, sung, dưa hấu, cam, quýt,...
Mâm ngũ quả miền Nam
Người dân Nam Bộ rất cầu kỳ trong việc ăn uống lẫn cách bày trí mâm ngũ quả ngày Tết, vì thế họ thường chỉn chu trong khâu chọn lựa các loại hoa quả. Với mong muốn “cầu sung vừa đủ xài” ước mong một năm mới đầy đủ, sung túc, người miền Nam sẽ chọn những loại quả như mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Đặc biệt, trong mâm ngũ quả của miền Nam sẽ không thể nào thiếu một cặp dưa hấu.
>> Ngoài bày mâm ngũ quả thì bữa tiệc tất niên không thể thiếu các món ăn ngày Tết cổ truyền như: thịt kho tàu, bánh chưng, củ kiệu, xôi gấc,...
Cách chưng mâm ngũ quả đẹp để gặp may mắn
Tùy theo quan niệm và phong tục của mỗi miền mà có cách bày biện mâm ngũ quả ngày Tết khác nhau.
Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc
Trong mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Bắc, nải chuối xanh lúc nào cũng được bày ở vị trí dưới cùng giống như một bàn tay nâng đỡ, thể hiện sự che chở và bao bọc cho gia chủ. Quả bưởi vàng, phật thủ sẽ được đặt ở chính giữa nải chuối, còn các loại quả khác sẽ được xếp xung quanh mâm ngũ quả sao cho cân đối, hài hòa về màu sắc hợp phong thủy.
Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết miền Trung
Vì không có sự quy định rõ ràng, do đó cách bày biện mâm ngũ quả ngày Tết của miền Trung khá đơn giản và không cầu kỳ. Người ta thường bày trí những quả có hình dáng to, nặng ở dưới cùng và những loại quả nhỏ được xếp ở trên sao cho mâm ngũ quả cân đối, đẹp mắt là được.
Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam
Cách bày biện mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam cũng khá đơn giản nhưng đòi hỏi sự hài hòa về màu sắc và cân đối. Người miền Nam thường xếp những loại quả to, nặng và xanh ở phía dưới, còn những quả nhỏ và chín thì lên trên. Đặc biệt, cần phải bày trí mâm ngũ quả sao cho giống ngọn tháp, cặp dưa hấu được bày riêng ở 2 bên mâm ngũ quả.
Những kiêng kỵ khi bày mâm ngũ quả trưng ngày Tết Nguyên đán
Dưới đây là những điều cần kiêng kỵ khi chuẩn bị bày biện một mâm ngũ quả ngày Tết mà bạn cần phải lưu ý:
Người miền Nam thường kiêng cúng một số loại trái cây như chuối, lê, táo,... bởi theo quan niệm của họ những loại quả này mang ý nghĩa không tốt cho công việc làm ăn.
Ngày Tết thường kéo dài, vì vậy khi mua bạn không nên lựa chọn những loại trái cây quá chín để trưng trong mâm ngũ quả. Nếu chọn những loại quả quá chín rất dễ bị hư hỏng, thối sẽ mang đến điềm không may mắn cho gia chủ trong năm mới.
Gia chủ cần phải chuẩn bị mâm ngũ quả trước đêm 30 Tết hoặc đêm 29 Tết nếu là tháng thiếu.
Trái cây trưng bày trên mâm ngũ quả phải dùng trái cây thật, tuyệt đối không được sử dụng trái cây giả. Bởi điều này là không thể hiện sự thành kính đối với thần linh và các bậc bề trên.
Cách chọn các loại quả bày trong ngày tết
Nhiều gia đình Việt thường hay có thói quen mua sắm đồ Tết rất sớm, trong khi mâm ngũ quả chỉ dâng lên bàn thờ tổ tiên vào đêm 30 Tết. Chính vì vậy, bạn không nên lựa chọn những loại quả đã chín đẹp bởi khi bày trí lên mâm ngũ quả chúng có thể bị chín, lá úa và vỏ mềm. Thay vào đó, bạn nên lựa những quả già chưa chín hẳn để khi bày lên mâm ngũ quả thì chúng vừa chín tới và không bị hư thối.
Ngoài ra, để có một mâm ngũ quả ngày Tết đẹp, màu sắc tươi mới và để được lâu thì bạn nên cẩn thận trong khâu chọn lựa. Bởi vì, mỗi dịp Tết hàng hóa rất nhiều nên cần phải có sự sáng suốt khi mua hàng, đặc biệt là trái cây bày mâm ngũ quả.
Bạn nên chọn những quả mới chín tới để vẫn có màu sắc tươi mới và bày được lâu; chọn những quả chắc tay, không bị dập, trầy xước còn cuống và lá xanh; không nên rửa trái cây trước khi bày biện mâm ngũ quả sẽ làm chúng nhanh bị héo hoặc hư nếu có chỗ đọng nước.
* Bài viết chỉ mang tính tham khảo.
Khôi Nguyên (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất