23/05/2013 15:21 GMT+7 | Thế giới
Không có tay chân từ thuở lọt lòng nhưng điều đó không làm cho cô bé Nguyễn Linh Chi ( ở tổ 67, phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) từ bỏ ước mơ được đi học. Những câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt, học tập của bé mà chúng tôi ghi lại được ánh lên bao điều cảm phục, xúc động.
Cái tên Linh Chi thật đẹp! Ngày 11/8/2005, bé cất tiếng khóc chào đời. Thay vì những niềm vui, phấn khởi, gia đình anh Nguyễn Đình Nam (36 tuổi) đã rất buồn khi đứa con đầu lòng không có chân, 2 tay không có bàn tay. Nhìn “hòn máu đỏ” không lành lặn, người mẹ trẻ Trịnh Ngọc Thủy khóc rất nhiều vì thương con, xót xa cho số phận không may mắn của mình. Chị ao ước có thể đổi cuộc đời mình để bé được lành lặn như bao đứa trẻ khác.Thấy đứa trẻ không chân, tay như vậy, nhiều người thương cảm động viên gia đình anh Nam cố gắng vượt qua khó khăn. Bỏ ngoài tai những điều ác ý từ người đời, vợ chồng anh “chung lưng đấu cật”, cùng nhau vượt qua khó khăn để chăm con thật tốt. Nuôi một đứa trẻ bình thường đã vất vả nên việc chăm một đứa trẻ khuyết tật như Linh Chi thì khó khăn nhân lên gấp bội phần. “Từ việc cho cháu ăn uống, tắm rửa, tới tập di chuyển, tập viết chữ, gia đình tôi đều ở bên cạnh và muốn cháu làm quen dần. Mỗi khi ra đường, thấy ai nhìn tò mò hay xì xào bàn tán, Linh Chi buồn lắm nên vợ chồng tôi luôn động viên, vỗ về để cháu bớt đi nỗi buồn”, anh Nam chia sẻ.
Linh Chi muốn tự xúc cơm. Được sự giúp đỡ của bố mẹ, cô bé dùng đôi tay ngắn ngủn của mình để kẹp thìa xúc cơm. Lúc đầu cơm vương vãi, đánh rơi thìa vì mỏi tay nhưng được sự khích lệ và kiên nhẫn của mẹ, dần dần bé cũng tự xúc được cơm bằng đôi tay khiếm khuyết kia. Rèn luyện nhiều rồi cô bé cũng bê được cốc nước, tự làm được một số việc cá nhân. Khi lưng bị ngứa, Linh Chi lại tìm cách di lưng vào bàn, ghế. Thấy con tự xúc cơm ăn, bê cốc nước uống, vợ chồng anh Nam lại rớm nước mắt hạnh phúc.Nói về việc tập đi của con gái, chị Thủy cho biết: “Chi rất thích thú khi tự di chuyển trong nhà. Khi bước lên cầu thang cháu lấy 2 tay bám vào từng bậc rồi đẩy người về phía trước. Bây giờ thì cháu có thể tự di chuyển được ở trong nhà. Có lần cháu bảo với tôi muốn tự làm để sau này không ai phải khổ khiến vợ chồng tôi xúc động quá”.
Rồi cô bé không tay, chân này cũng muốn được đi học như bao đứa trẻ hàng xóm. Bế con đi xin học mẫu giáo nhưng đến trường nào vợ chồng anh Nam cũng chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối. Biết chuyện này, ông nội của Linh rất buồn, khóc mấy ngày vì thương cháu. Ông than vãn vì từng một thời vào sinh ra tử ở mặt trận Khe Sanh (Quảng Trị), góp phần cho đất nước hòa bình. Trở về quê hương với hơn chục vết thương và nhiễm chất độc màu da cam. Vậy mà ước mơ học chữ của đứa cháu tội nghiệp lại bị từ chối phũ phàng. Ông đã tìm mọi cách cho cháu đi học. Biết chuyện này, một lớp giữ trẻ trong nhà thờ công giáo đã nhận trông bé Linh Chi.
Khi lên 7 tuổi, Linh Chi muốn vào học lớp 1. Ban đầu gia đình anh Nam cũng rất lo lắng, vì nghĩ rằng thân hình như thế, làm sao con có thể đi học được. Nhưng thấy sự khát khao được đến trường của con, anh chị quyết tâm xin cho con vào trường TH Nguyễn Thái Học và nhận được sự đồng ý của nhà trường. Những ngày đầu cầm bút, cánh tay Linh Chi phồng rộp, hai mắt đau nhức vì phải nghiêng theo cánh tay và phải nhìn quá sát với trang giấy. Tuy vậy, bé vẫn không nản. Bé dùng tay phải áp bút vào má rồi đưa từng nét chữ. Khổ luyện mỗi ngày, những dòng chữ siêu vẹo, đổ nghiêng dần ngay ngắn, thẳng hàng.
Hiện tại, Linh Chi đang học dự thính tại lớp 1A, trường TH Nguyễn Thái Học. Vợ chồng anh Nam phải thuê người đưa đón và chăm sóc Linh Chi ở trường. Năm học tới này, Linh Chi sẽ cùng với em trai chính thức bước vào lớp 1. Cô Phạm Thị Liên – Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A: “Khoảng hơn 1 tháng đầu tiên, học sinh trong trường tò mò về Linh Chi nên cứ kéo đến cửa sổ lớp học để xem. Lúc đầu một vài bạn trong lớp cũng trêu đùa nhưng sau đó quen dần, tỏ ra yêu quý, đoàn kết, giúp đỡ Chi. Tuy em Chi tiếp thu bài chưa nhanh nhưng ngược lại em rất cần cù, chăm chỉ. Thầy cô trong trường rất quý em”.
Biết thông tin chàng trai “không tay, không chân” Nick Vujicic đến Việt Nam, vợ chồng anh Nam đã đưa Linh Chi xuống Hà Nội để gặp được một người đồng cảnh ngộ. “Tôi muốn cho con gái thấy rằng cháu không hề đơn độc. Qua những câu chuyện mà anh Nick chia sẻ, tôi tin cháu sẽ sống nghị lực, cố gắng nhiều hơn”, anh Nam nói.Theo Vũ Ngọc Khánh
Giaothongvantai.com.vn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất