Những nẻo đường SEA Games: Đường săn Vàng bóng đá sao dài quá!

05/06/2015 17:37 GMT+7 | SEA Games 2015

(giaidauscholar.com) - Hơn nửa thế kỷ trước, khi SEA Games được tổ chức lần đầu tại Thái Lan với cái tên SEAP Games (Đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á), đội tuyển miền Nam Việt Nam đã xuất sắc lên ngôi vô địch. Nửa thế kỷ sau, ngôi Vương ấy đã, đang trở thành nỗi ám ảnh của cả nền bóng đá quốc gia.

Ngược dòng về tới năm 1959, khi ấy, do hoàn cảnh của đất nước, đội tuyển bóng đá miền Nam Việt Nam tham dự SEAP Games. Theo những tài liệu cũ thì trong lần tham dự này, đội tuyển miền Nam Việt Nam phải thuê 1 chiếc xe khách cũ, đi qua Campuchia mới tới được Thái Lan để có mặt tại Đại hội.

Với thế hệ cầu thủ lúc ấy đạt tới tầm châu Á như: thủ môn Phạm Văn Rạng; Lê Văn Tỷ, Đỗ Thới Vinh, Hà Tam, Đỗ Quang Thách... tuyển miền Nam Việt Nam dễ dành đánh bại người Thái tới 2 lần. Lần đầu là 4-0 ở vòng ngoài và trong trận chung kết là 3-1 để lên ngôi vô địch. Sau này, đội tuyển miền Nam Việt Nam còn giành thêm 2 HCV, 3 HCĐ.

Bẵng đi tới 17 năm, tính từ SEAP Games 1975 đến SEA Games 1991 khi đất nước hoàn toàn thống nhất, bóng đá Việt Nam mới chính thức hội nhập trở lại với làng cầu quốc tế. Tất nhiên, cũng vì những hoàn cảnh riêng mà trong 2 kỳ Đại hội đầu tiên (1991, 1993), đội tuyển quốc gia không thể vượt qua nổi vòng bảng. Đó là chưa kể đến "vết ố" của vụ "đảo ngũ" trước thềm SEA Games 1991 của hàng loạt tuyển thủ ở Trung tâm tập huấn Nhổn (Hà Nội) vì đời sống quá khó khăn.

Nhưng tới năm 1995, bóng đá Việt xuất hiện một thế hệ tài năng với những cái tên như: Huỳnh Đức, Công Minh, Hồng Sơn, Đỗ Khải, Hữu Thắng, Minh Chiến... lứa cầu thủ đi vào lịch sử với tư cách Thế hệ Vàng đầu tiên dưới sự dẫn dắt của ông thày người Đức K.H.Weigang đã làm nên bất ngờ lớn khi vào tới trận chung kết SEA Games 18 tại Chiang Mai, Thái Lan.

Khi ấy dù để thua một Thái Lan với trình độ chuyên môn vượt trội tới 0-4, nhưng đó cũng chính là thời điểm giấc mơ Vàng mang tên SEA Games chính thức xuất hiện.

20 năm đã đi qua kể từ kỳ SEA Games đó và bóng đá Việt Nam đã từng một lần bước lên ngôi số 1 Đông Nam Á với chức vô địch AFF Cup 2008, nhưng SEA Games vẫn chỉ là giấc mơ, thậm chí có lúc còn trở thành nỗi đau hằn vào tim mỗi người hâm mộ.

Từ cấp đội tuyển quốc gia trước đây, tới lứa U23 sau này (từ SEA Games 2001, môn bóng đá nam chỉ dành cho lứa U23) đã có thêm 3 lần nữa, bóng đá Việt Nam vào chung kết. Tiếc là 3 lần đầu đều không thể vượt qua nổi người Thái, cho dù đó là sân nhà hay sân khách cùng 1 trận thua cay đắng trước Malaysia ở Vientiane, Lào 2009.

Công Phượng là một trong những nhân tố được chờ đợi để mang Vàng về cho BĐVN - Ảnh: Quốc Khánh

Một tấm HCV để xoá đi sự ám ảnh

Tính đến SEA Games 28 này là tròn 20 năm kể từ ngày giấc mơ Vàng trở lại và đã là hơn nửa thế kỷ tính từ chức vô địch SEAP Games đầu tiên. Câu hỏi được đặt ra cho cả quãng thời gian quá dài ấy là tại sao một chức vô địch SEA Games trở thành nỗi ám ảnh dù vẫn biết, một chức vô địch ấy chẳng thể giúp nền bóng đá có thể vượt ngay ra khỏi tầm khu vực. Đâu xa, cứ nhìn sang người Thái là thấy rõ, họ tự nhận mình là "Vua bóng đá Đông Nam Á" với quá nhiều chức vô địch SEA Games, AFF Cup, tuy nhiên, vẫn chưa thể vươn tới tầm châu Á, nói gì đến chuyện thế giới xa xôi.

Nhưng đã là 1 giấc mơ đẹp thì nếu không thành hiện thực, thì hẳn đó là nỗi ám ảnh. Hơn thế, trong giấc mơ cứ 2 năm/1 lần ấy, tất cả đều bắt đầu bằng hy vọng, rồi đều kết thúc với nỗi thất vọng. Thậm chí là thất vọng lớn lao, khi có thất bại không chỉ đơn thuần là chuyện chuyên môn, mà còn là nỗi đau bán độ, bán cả "màu cờ, sắc áo".

Vậy nên, một chức vô địch SEA Games có thể không phải là bước tiến lớn về chuyên môn, nhưng là cần thiết để xóa đi nỗi ám ảnh, để thanh thản hơn khi chinh phục đỉnh cao hơn. Và lúc này, sự kỳ vọng đã cũ lại được đặt cả vào U23 Việt Nam với những cú xuất phát ấn tượng tại SEA Games 28.


V.M
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm